An toàn giao thông

Mức phạt đối với người điều khiển xe nhưng không có bằng lái

Khi tham gia giao thông bằng ô tô, xe máy, người điều khiển phương tiện bắt buộc phải có bằng lái xe. Vậy nếu không có bằng lái mà đưa phương tiện tham gia giao thông thì sẽ bị xử phạt như thế nào? DB Legal sẽ giải đáp thắc mắc này qua bài viết dưới đây.

I. Cơ sở pháp lý

- Bộ luật Dân sự 2015.

- Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

- Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

- Nghị định 123/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng.

II. Giấy phép lái xe là gì?

Giấy phép lái xe hay còn gọi là Bằng lái xe là một loại giấy phép, chứng chỉ do cơ quan nhà nước hoặc cơ quan có thẩm quyền cấp cho một người cụ thể cho phép người đó được phép vận hành, lưu thông, tham gia giao thông bằng xe cơ giới các loại như xe máy, xe hơi, xe tải, xe buýt, xe khách hoặc các loại hình xe khác trên các con đường công cộng.

III. Mức phạt đối với người điều khiển xe nhưng không có bằng lái

1. Mức phạt lỗi không có bằng lái xe với xe máy

Căn cứ theo quy định tại Điểm a khoản 5, điểm b khoản 7 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP:

+ Người điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh dưới 175 cm3 và các loại xe tương tự xe mô tô mà không có bằng lái xe thì bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

+ Người điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh từ 175 cm3 trở lên, xe mô tô ba bánh mà không có bằng lái xe thì bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

2. Mức phạt lỗi không có bằng lái xe với xe ô tô

Căn cứ theo quy định tại Điểm b khoản 9 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP:

Người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô mà không có bằng lái xe thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng.

IV. Mức phạt đối với người điều khiển xe nhưng không có bằng lái gây tai nạn

Tùy vào tính chất, mức độ vi phạm, người điều khiển xe nhưng không có bằng lái gây tai nạn có thể bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

1. Không có bằng lái xe gây tai nạn nghiêm trọng

Người tham gia giao thông gây tai nạn để lại hậu quả nghiêm trọng như: Làm chết người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thiệt hại về tài sản từ 200 - 500 triệu… có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ được quy định tại Điều 260 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Theo đó, người vi phạm quy định về an toàn giao thông gây hậu quả như trên sẽ bị phạt tiền từ 30 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 - 05 năm.

Trường hợp không có giấy phép lái xe phạm tội, người tham gia giao thông có thể bị áp dụng khung hình phạt tăng nặng là phạt tù từ 03 - 10 năm. Đồng thời, mức phạt này cũng áp dụng với người phạm tội khi:

- Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác.

- Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn.

- Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông.

- Làm chết 02 người.

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%.

- Gây thiệt hại về tài sản từ 500 triệu - 1,5 tỷ đồng.

Nặng nhất, người phạm tội này còn có thể bị phạt tù từ 07 - 15 năm nếu thuộc một trong các trường hợp: Làm chết 03 người trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 1,5 tỷ đồng trở lên.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm.

Như vậy, người không có bằng lái xe gây tai nạn nghiêm trọng có thể bị phạt tù đến 15 năm, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định đến 05 năm.

2. Phạt hành chính

Người không có bằng lái xe gây tai nạn nhưng dưới mức chịu trách nhiệm hình sự thì chỉ bị phạt hành chính. Theo Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP, mức phạt đối với người tham gia giao thông không có Giấy phép lái xe như sau:

+ Người điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh dưới 175 cm3 và các loại xe tương tự xe mô tô mà không có bằng lái xe thì bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

+ Người điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh từ 175 cm3 trở lên, xe mô tô ba bánh mà không có bằng lái xe thì bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

+ Người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô mà không có bằng lái xe thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng.

Theo quy định trên, nếu không có Giấy phép lái xe mà gây tai nạn, người điều khiển phương tiện giao thông có thể bị phạt tiền đến 12 triệu đồng.

3. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại

Theo Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015, các phương tiện giao thông vận tải cơ giới (ô tô, xe máy...) được liệt kê là một trong những nguồn nguy hiểm cao độ.

Trong đó, chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hai; Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng và tình thế cấp thiết.

Trường hợp gây thiệt hại về tài sản, tại Điều 589 Bộ luật Dân sự 2015 quy định thiệt hại do tài sản bị xâm phạm bao gồm:

- Tài sản bị mất, bị huỷ hoại hoặc bị hư hỏng.

- Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút.

- Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.

- Thiệt hại khác do luật quy định.

Trường hợp gây tai nạn ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng, căn cứ Điều 591 Bộ luật Dân sự, lái xe gây tai nạn phải bồi thường những chi phí sau:

- Các chi phí bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm, bao gồm:

+ Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại.

+ Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại.

+ Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.

+ Thiệt hại khác do luật quy định.

- Chi phí hợp lý cho việc mai táng.

- Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng.

- Tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này.

Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá 100 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Trên đây là quy định của pháp luật về mức phạt đối với người điều khiển xe nhưng không có bằng lái. Nếu khách hàng có vấn đề gì thắc mắc cần hỗ trợ vui lòng liên hệ với DB Legal.

Để biết thêm thông tin chi tiết vui lòng liên hệ với chúng tôi

Local Office Numbers:
Hotline/Zalo/Whatsapp: +84 357 466 579
Email: contact@dblegal.vn

Liên hệ

Địa chỉ 1: Tầng 3, Tòa nhà Indochina Riverside Tower, 74 Bạch Đằng, Quận Hải Châu, Thành phố Đà Nẵng, Việt Nam

Địa chỉ 2: 28 Thanh Lương 20, Phường Hòa Xuân, Quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng

Hotline 1: (+84) 357 466 579

Hotline 2: (+84) 985 271 242

Điện thoại: (+84) 236.366.4674

Email: contact@dblegal.vn