Gia đình

Lập di chúc

Di chúc là gì, vì sao nên lập di chúc

1. Di chúc là gì

Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.  ̣̣(Điều 624, Bộ Luật Dân sự 2015)

2. Tại sao nên lập di chúc

Trong thực tế, cách phân chia tài sản của một người quá cố được định đoạt bởi Tòa án. Mặc dù việc thừa kế sẽ được quyết định trên cơ sở phân chia theo luật định, nhưng không có gì đảm bảo mọi sự sẽ diễn ra như ý, đôi khi đó không phải tâm nguyện của người để lại di sản.

Ngoài ra còn một số rắc rối khác liên quan tới việc thống kê tài sản và lên danh sách những người được hưởng thừa kế. Quá trình này có thể kéo dài hàng tuần hay thậm chí hàng tháng vì bạn không thể biết được tài sản của người chết gồm những gì nếu họ không để lại di chúc.

Việc lập di chúc có thể giải quyết những rắc rối trên và mang lại một số lợi ích sau:

+  Một bản di chúc hợp pháp giúp hạn chế tranh cãi trong gia định

+  Di chúc giúp xác định và phân chia tài sản dễ dàng hơn, hạn chế khiếu kiện về sau:

Nếu bạn không để lại văn bản nào, Tòa án sẽ gửi thư tới ngân hàng, và các tổ chức tài chính khác nhằm xác định khối lượng của cải của bạn. Ngoài ra, những người thân cũng được yêu cầu trình báo những giấy tờ liên quan như cổ phiếu, trái phiếu… của bạn. Một bản di chúc sẽ cắt giảm các khâu này do nó tuyên bố một cách chính thức tài sản của người đã khuất.

Điều gì sẽ xảy ra với một tài sản không được liệt kê trong di chúc? Nó sẽ được phân chia như thế nào?

Để giải quyết câu hỏi trên, bản di chúc nên có thêm câu: “Mọi tài sản không được liêt kê ở đây sẽ được chuyển cho mẹ tôi là Nguyễn Thị B, địa chỉ XYZ”. Điều khoản trên sẽ đảm bảo rằng những tài sản phát sinh (như sau khi di chúc được lập) sẽ được thừa kế. Nếu không, tòa sẽ quyết định số phận của những tài sản này.

+  Một bản di chúc có thể nêu tên người giám hộ cho con bạn: Nếu không có di chúc, tòa án sẽ quyết định ai là người giám hộ của con bạn. Đối tượng được chọn có thể là người thân trong gia đình hoặc một tổ chức chăm sóc trẻ mồ côi. Vì vậy, bạn không thể xem thường việc xác định người bảo hộ. Giả sử người bạn muốn trao lại tài sản còn quá trẻ hoặc không đủ trưởng thành để quản lý tài sản. Trong trường hợp này, bản di chúc sẽ quy định tài sản được giám sát bởi một tổ chức nào đó vì quyền lợi của người thừa kế. Điều này cũng ràng buộc thời điểm và điều kiện người thừa kế được tiếp cận tài sản.

Ví dụ, bản di chúc có thể quy định người thừa kế sẽ được toàn quyền quyết định tài sản khi đủ 25 tuổi. Mục đích của việc này là giúp người đó đủ trưởng thành về mặt tài chính.

3. Ai có quyền lập di chúc:

3.1. Người thành niên có đủ điều kiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 630 của Bộ luật dân sự 2015 có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình.

3. 2. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi được lập di chúc, nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.

4. Quyền của người lập di chúc:

Người lập di chúc có quyền sau đây:

4.1. Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế.

4.2. Phân định phần di sản cho từng người thừa kế.

4.3. Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng.

4.4. Giao nghĩa vụ cho người thừa kế.

4.5. Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.

5. Hình thức di chúc:

Di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng.

Di chúc bằng văn bản

Di chúc bằng miệng

Di chúc bằng văn bản bao gồm:

1. Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng.

2. Di chúc bằng văn bản có người làm chứng.

3. Di chúc bằng văn bản có công chứng.

4. Di chúc bằng văn bản có chứng thực.

 

1. Trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng.

2. Sau 03 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ.

6. Nội dung của di chúc

6.1. Di chúc gồm các nội dung chủ yếu sau:

a) Ngày, tháng, năm lập di chúc;

b) Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc;

c) Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản;

d) Di sản để lại và nơi có di sản.

6.2. Ngoài các nội dung quy định trên, di chúc có thể có các nội dung khác.

6.3. Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc.

Trường hợp di chúc có sự tẩy xóa, sửa chữa thì người tự viết di chúc hoặc người làm chứng di chúc phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xóa, sửa chữa.

7. Tính hợp pháp của di chúc:

7.1. Di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;

b) Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.

7.2. Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.

7.3. Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.

7.4. Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại mục 7.1.

7.5. Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.

8. Người làm chứng cho việc lập di chúc:

Mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc, trừ những người sau đây:

8.1. Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc.

8.2. Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc.

8. 3. Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

9. Thủ tục lập di chúc tại tổ chức hành nghề công chứng hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã

Việc lập di chúc tại tổ chức hành nghề công chứng hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã phải tuân theo thủ tục sau đây:

9.1. Người lập di chúc tuyên bố nội dung của di chúc trước công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã. Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã phải ghi chép lại nội dung mà người lập di chúc đã tuyên bố. Người lập di chúc ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc sau khi xác nhận bản di chúc đã được ghi chép chính xác và thể hiện đúng ý chí của mình. Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã ký vào bản di chúc.

9. 2. Trường hợp người lập di chúc không đọc được hoặc không nghe được bản di chúc, không ký hoặc không điểm chỉ được thì phải nhờ người làm chứng và người này phải ký xác nhận trước mặt công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã. Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã chứng nhận bản di chúc trước mặt người lập di chúc và người làm chứng.

10. Người không được công chứng, chứng thực di chúc

Công chứng viên, người có thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp xã không được công chứng, chứng thực đối với di chúc nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

10.1. Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc.

10.2. Người có cha, mẹ, vợ hoặc chồng, con là người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật.

10.3. Người có quyền, nghĩa vụ về tài sản liên quan tới nội dung di chúc.

11. Sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc

11.1. Người lập di chúc có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đã lập vào bất cứ lúc nào.

11.2. Trường hợp người lập di chúc bổ sung di chúc thì di chúc đã lập và phần bổ sung có hiệu lực pháp luật như nhau; nếu một phần của di chúc đã lập và phần bổ sung mâu thuẫn nhau thì chỉ phần bổ sung có hiệu lực pháp luật.

11.3. Trường hợp người lập di chúc thay thế di chúc bằng di chúc mới thì di chúc trước bị hủy bỏ.

12. Gửi giữ di chúc

12.1. Người lập di chúc có thể yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng lưu giữ hoặc gửi người khác giữ bản di chúc.

12.2. Trường hợp tổ chức hành nghề công chứng lưu giữ bản di chúc thì phải bảo quản, giữ gìn theo quy định của Bộ luật này và pháp luật về công chứng.

12.3. Người giữ bản di chúc có nghĩa vụ sau đây:

a) Giữ bí mật nội dung di chúc;

b) Giữ gìn, bảo quản bản di chúc; nếu bản di chúc bị thất lạc, hư hại thì phải báo ngay cho người lập di chúc;

c) Giao lại bản di chúc cho người thừa kế hoặc người có thẩm quyền công bố di chúc, khi người lập di chúc chết. Việc giao lại bản di chúc phải được lập thành văn bản, có chữ ký của người giao, người nhận và trước sự có mặt của ít nhất hai người làm chứng.

13. Hiệu lực của di chúc

13.1. Di chúc có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế.

13.2. Di chúc không có hiệu lực toàn bộ hoặc một phần trong trường hợp sau đây:

a) Người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc;

b) Cơ quan, tổ chức được chỉ định là người thừa kế không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

Trường hợp có nhiều người thừa kế theo di chúc mà có người chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc, một trong nhiều cơ quan, tổ chức được chỉ định hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế thì chỉ phần di chúc có liên quan đến cá nhân, cơ quan, tổ chức này không có hiệu lực.

13.3. Di chúc không có hiệu lực, nếu di sản để lại cho người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế; nếu di sản để lại cho người thừa kế chỉ còn một phần thì phần di chúc về phần di sản còn lại vẫn có hiệu lực.

13.4. Khi di chúc có phần không hợp pháp mà không ảnh hưởng đến hiệu lực của các phần còn lại thì chỉ phần đó không có hiệu lực.

13.5. Khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì chỉ bản di chúc sau cùng có hiệu lực.

14. Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc

Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:

a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.

 

Mọi thông tin xin vui lòng liên hệ:

Local Office Numbers:
Hotline: +84 357 466 579
Email: contact@dblegal.vn

Liên hệ

Địa chỉ 1: Tầng 3, Tòa nhà Indochina Riverside Tower, 74 Bạch Đằng, Quận Hải Châu, Thành phố Đà Nẵng, Việt Nam

Địa chỉ 2: 28 Thanh Lương 20, Phường Hòa Xuân, Quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng

Hotline 1: (+84) 357 466 579

Hotline 2: (+84) 985 271 242

Điện thoại: (+84) 236.366.4674

Email: contact@dblegal.vn