Tranh Chấp

Tranh chấp hành chính là gì? Thủ tục giải quyết tại Tòa án.

Tranh chấp hành chính là các tranh chấp phát sinh trong quan hệ hành chính nhà nước. Tranh chấp này có một bên là nhà nước và bên còn lại là cá nhân, cơ quan hoặc doanh nghiệp. Điều này sẽ đồng nghĩa với việc, một bên sẽ sử dụng quyền lực nhà nước để áp đặt ý chí lên bên còn lại và bên còn lại có trách nhiệm tuân thủ, thực hiện theo sự áp đặt trên. Đây là sự khác biệt so với các tranh chấp pháp luật khác khi chúng đều dựa trên sự bình đẳng, ngang hàng về vị thế của các bên. Và khi các bên đã đạt được sự đồng tình, nhất trí thì tranh chấp đó coi như chấm dứt. Còn tranh chấp hành chính thì không có mối quan hệ bình đẳng giữa hai bên và sẽ không nhằm tạo ra sự đồng tình của cả hai bên.

Vậy tranh chấp hành chính là gì và thủ tục giải quyết tranh chấp hành chính tại Tòa án như thế nào. Qua bài viết này, DB Legal sẽ giải đáp những thắc mắc trên của khách hàng.

1. Cơ sở pháp lý

- Luật Tố tụng hành chính năm 2015.

- Luật Kiểm toán nhà nước sửa đổi năm 2019.

- Nghị quyết 326/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.

2. Tranh chấp hành chính là gì?

Tranh chấp hành chính là tranh chấp phát sinh giữa một bên là cơ quan hành chính và bên kia là các cá nhân hoặc doanh nghiệp. Đặc trưng trong mối quan hệ này là cơ quan hành chính nắm giữ và thực hiện quyền lực nhà nước (quyền lực công) và có quyền ra các quyết định mà bên kia (cá nhân, doanh nghiệp...).

3. Thủ tục giải quyết tại Tòa án

3.1. Về thời hiệu khởi kiện

Có 03 trường hợp :

- 01 năm, kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc.

- 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại về Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh

- Từ ngày nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri hoặc kết thúc thời hạn giải quyết khiếu nại mà không nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri đến trước ngày bầu cử 05 ngày.

3.2. Xác định người bị kiện

* Căn cứ theo quy định tại Khoản 9 Điều 3 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 và Khoản 7 Điều 2 Luật Kiểm toán nhà nước sửa đổi năm 2019 quy định về người bị kiện là: “Người bị kiện là cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động kiểm toán nhà nước, danh sách cử tri bị khởi kiện”.

Như vậy, theo quy định trên thì Người bị kiện được hiểu là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động kiểm toán nhà nước, danh sách cử tri bị khởi kiện. Tuy nhiên để xác định đúng người bị kiện khi nào là cá nhân, khi nào là cơ quan, tổ chức thì phải căn cứ vào quy định của pháp luật về thẩm quyền giải quyết vụ việc đó.

* Căn cứ theo quy định tại Điều 31 và Điều 32 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 thì:

- Tòa án cấp huyện giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những khiếu kiện sau đây: Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước từ cấp huyện trở xuống trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước đó, trừ quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện; Khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc của người đứng đầu cơ quan, tổ chức từ cấp huyện trở xuống trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án đối với công chức thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức đó; Khiếu kiện danh sách cử tri của cơ quan lập danh sách cử tri trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án.

- Tòa án cấp tỉnh giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những khiếu kiện sau đây:

+ Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Kiểm toán nhà nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và quyết định hành chính, hành vi hành chính của người có thẩm quyền trong cơ quan đó mà người khởi kiện có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án; trường hợp người khởi kiện không có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên lãnh thổ Việt Nam thì thẩm quyền giải quyết thuộc Tòa án nơi cơ quan, người có thẩm quyền ra quyết định hành chính, có hành vi hành chính;

+ Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan thuộc một trong các cơ quan nhà nước quy định tại khoản 1 Điều này và quyết định hành chính, hành vi hành chính của người có thẩm quyền trong cơ quan đó mà người khởi kiện có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án; trường hợp người khởi kiện không có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên lãnh thổ Việt Nam thì thẩm quyền giải quyết thuộc Tòa án nơi cơ quan, người có thẩm quyền ra quyết định hành chính, có hành vi hành chính.

+ Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan nhà nước cấp tỉnh trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án và của người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước đó.

+ Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án.

+ Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan đại diện của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan đó mà người khởi kiện có nơi cư trú trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án; trường hợp người khởi kiện không có nơi cư trú tại Việt Nam thì Tòa án có thẩm quyền là Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội hoặc Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.

+ Khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc của người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp tỉnh, bộ, ngành trung ương mà người khởi kiện có nơi làm việc khi bị kỷ luật trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án.

+ Khiếu kiện quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động kiểm toán mà người khởi kiện có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án.

+ Trường hợp cần thiết, Tòa án cấp tỉnh có thể lấy lên giải quyết vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án cấp huyện theo quy định tại Điều 31 của Luật này.

3.3. Thủ tục giải quyết tranh chấp hành chính tại Tòa án

a. Nội dung đơn khởi kiện

Đơn khởi kiện phải có các nội dung chính sau đây:

- Ngày, tháng, năm làm đơn.

- Toà án được yêu cầu giải quyết vụ án hành chính.

- Tên, địa chỉ của người khởi kiện, người bị kiện.

- Nội dung quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, nội dung giải quyết khiếu nại về danh sách cử tri hoặc tóm tắt diễn biến của hành vi hành chính.

- Nội dung quyết định giải quyết khiếu nại (nếu có).

- Các yêu cầu đề nghị Toà án giải quyết.

- Cam đoan về việc không đồng thời khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại.

Kèm theo đơn khởi kiện phải có các tài liệu chứng minh cho yêu cầu của người khởi kiện là có căn cứ và hợp pháp.

b. Nộp đơn khởi kiện

Người khởi kiện gửi đơn khởi kiện và tài liệu kèm theo đến Toà án có thẩm quyền giải quyết vụ án bằng các phương thức sau đây:

- Nộp trực tiếp tại Toà án.

- Gửi qua bưu điện.

c. Xử lý đơn khởi kiện

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Toà án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện, tài liệu thì xem xét và thực hiện một trong các thủ tục sau đây :

- Yêu cầu người khởi kiện sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện nếu đơn khởi kiện không có đủ các nội dung quy định nêu trên trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án và tiến hành thụ lý vụ án nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết.

- Chuyển đơn khởi kiện cho Toà án có thẩm quyền và báo cho người khởi kiện, nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án khác.

- Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện, nếu thuộc một trong các trường hợp trả lại đơn khởi kiện.

d. Nộp tiền tạm ứng án phí

Người khởi kiện phải nộp số tiền nộp tạm ứng án phí trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo nộp tạm ứng án phí của Tòa án, trừ trường hợp người khởi kiện được miễn nộp tiền tạm ứng án phí hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí (căn cứ theo quy định tại Nghị quyết 326/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án).

e. Thụ lý vụ án

- Sau khi nhận được biên lai nộp tạm ứng án phí đã nộp trong thời hạn quy định thì Tòa án thụ lý vụ án và giải quyết.

- Thời hạn giải quyết: từ 04 tháng đến 08 tháng và kết quả giải quyết vụ án hành chính là: Bản án hành chính sơ thẩm nếu vụ việc được đưa ra xét xử hoặc Quyết định đình chỉ vụ án nếu thuộc các trường hợp đình chỉ vụ án.

Trên đây là toàn bộ các quy định về tranh chấp hành chính và thủ tục giải quyết tranh chấp hành chính tại Tòa án theo quy định của pháp luật. Quý khách hàng có nhu cầu cần hỗ trợ về thủ tục khởi kiện tranh chấp hành chính tại Tòa án có thẩm quyền liên hệ với chúng tôi, thông tin cụ thể dưới đây.

Công ty Luật TNHH MTV DB (DB Legal) là Công ty Luật Việt Nam cung cấp các dịch vụ pháp lý uy tín, chuyên nghiệp. Với đội ngũ nhân sự trách nhiệm, có chuyên môn cao, DB Legal là đối tác tin cậy cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp trong các vấn đề pháp lý tại Việt Nam.

Để biết thêm thông tin chi tiết vui lòng liên hệ với chúng tôi

Local Office Numbers:
Hotline/Zalo/Whatsapp: +84 357 466 579
Email: contact@dblegal.vn

Liên hệ

Địa chỉ 1: Tầng 3, Tòa nhà Indochina Riverside Tower, 74 Bạch Đằng, Quận Hải Châu, Thành phố Đà Nẵng, Việt Nam

Địa chỉ 2: 28 Thanh Lương 20, Phường Hòa Xuân, Quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng

Hotline 1: (+84) 357 466 579

Hotline 2: (+84) 985 271 242

Điện thoại: (+84) 236.366.4674

Email: contact@dblegal.vn