Quản lý giao dịch liên kết theo nghị định 132/2020/NĐ-CP
Để chống thất thu thuế TNDN do các hoạt động Chuyển giá, Chính phủ đã ban hành nhiều quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết từ năm 2017. Văn bản pháp luật Quản lý giao dịch Liên kết hiện hành là Nghị Định 132/2020/NĐ-CP ban hành ngày 05/12/2020
Mục lục:
- Chuyển giá là gì?
- Nguyên nhân thúc đẩy chuyển giá?
- Phạm vị áp dụng của Nghị Định 132/2020/NĐ-CP?
- Quan hệ liên kết là gì?
- Giao dịch liên kết là gì?
- Nghĩa vụ kê khai giao dịch liên kết?
- Các trường hợp miễn kê khai, miễn lập Hồ Sơ xác định giá giao dịch liên kết?
- Làm tờ khai giao dịch liên kết như thế nào?
Chuyển giá là gì?
Chuyển giá được hiểu là việc thực hiện chính sách đối với hàng hóa, dịch vụ được chuyển dịch giữa các bên có quan hệ liên kết (các bên liên kết) không theo giá thị trường nhằm tối thiểu hóa tổng số thuế phải nộp của tất cả các bên liên kết đó. Chuyển giá chính là hành vi thiết lập giá giao dịch kinh doanh không theo nguyên tắc “giá thị trường” giữa hai công ty có quan hệ liên kết nhằm tối thiểu hóa lợi nhuận nộp thuế, chuyển thu nhập từ nơi có thuế suất cao đến nơi có thuế suất thấp (hoặc các nước thiên đường thuế) để giảm thiểu số thuế phải nộp.
Nguyên nhân thúc đẩy chuyển giá?
+ Có sự chênh lệch về thuế suất thuế TNDN của Việt nam với nhiều quốc gia trên thế giới, có ưu đãi thuế giữa các ngành nghề, lĩnh vực trong cùng quốc gia tạo ra những “vùng trũng” khi thực hiện nghĩa vụ thuế
+ Quy định về hạn chế thanh toán bằng tiền mặt là nguyên nhân thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước thành lập các công ty con, công ty liên kết để chuyển từ trốn thuế sang chuyển giá để tránh thuế, đặc biệt là chuyển giá từ kinh doanh thông thường sang lĩnh vực xã hội hóa đang được ưu đãi thuế TNDN (như y tế, giáo dục, thể thao, nông nghiệp,…)
+ Dựa vào quyền tự định đoạt giá mua, giá bán thực hiện hoạt động chuyển giá để mua lỗ các công ty không có quan hệ liên kết nhằm làm giảm số thuế phải nộp hoặc chuyển giá để tạo lãi giả làm giá trên thị trường chứng khoán
Văn bản pháp luật Quản lý giao dịch Liên kết hiện hành là Nghị Định 132/2020/NĐ-CP ban hành ngày 05/12/2020
Phạm vị áp dụng của Nghị Định 132/2020/NĐ-CP?
Khoản 1, Điều 2 Nghị Định 132/2020/NĐ-CP, Đối tượng áp dụng của Nghị định
Tổ chức sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ (sau đây gọi chung là người nộp thuế) là đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp có phát sinh giao dịch với các bên có quan hệ liên kết theo quy định tại điều 5 Nghị định này
Như vậy đối tượng áp dụng của Nghị Định phải thỏa mãn 2 điều kiện
Một là Đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp
Hai là: Có phát sinh giao dịch với các bên có quan hệ liên kết như Điều 5
Như vậy nếu các bên có quan hệ liên kết nhưng không phát sinh giao dịch thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị Định này.
Quan hệ liên kết là gì?
Điều 5, Nghị Định 132/2020/NĐ-CP quy định
1. Các bên có quan hệ liên kết (sau đây viết tắt là “bên liên kết”) là các bên có mối quan hệ thuộc một trong các trường hợp:
a) Một bên tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư vào bên kia;
b) Các bên trực tiếp hay gián tiếp cùng chịu sự điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư của một bên khác.
2. Các bên liên kết tại khoản 1 điều này được quy định cụ thể như sau:
a) Một doanh nghiệp nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp kia;
b) Cả hai doanh nghiệp đều có ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu do một bên thứ ba nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp;
c) Một doanh nghiệp là cổ đông lớn nhất về vốn góp của chủ sở hữu và nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp ít nhất 10% tổng số cổ phần của doanh nghiệp kia;
d) Một doanh nghiệp bảo lãnh hoặc cho một doanh nghiệp khác vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào (bao gồm cả các khoản vay từ bên thứ ba được đảm bảo từ nguồn tài chính của bên liên kết và các giao dịch tài chính có bản chất tương tự) với điều kiện khoản vốn vay ít nhất bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp đi vay và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của doanh nghiệp đi vay;
đ) Một doanh nghiệp chỉ định thành viên ban lãnh đạo điều hành hoặc nắm quyền kiểm soát của một doanh nghiệp khác với điều kiện số lượng các thành viên được doanh nghiệp thứ nhất chỉ định chiếm trên 50% tổng số thành viên ban lãnh đạo điều hành hoặc nắm quyền kiểm soát của doanh nghiệp thứ hai; hoặc một thành viên được doanh nghiệp thứ nhất chỉ định có quyền quyết định các chính sách tài chính hoặc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thứ hai;
e) Hai doanh nghiệp cùng có trên 50% thành viên ban lãnh đạo hoặc cùng có một thành viên ban lãnh đạo có quyền quyết định các chính sách tài chính hoặc hoạt động kinh doanh được chỉ định bởi một bên thứ ba;
g) Hai doanh nghiệp được điều hành hoặc chịu sự kiểm soát về nhân sự, tài chính và hoạt động kinh doanh bởi các cá nhân thuộc một trong các mối quan hệ vợ, chồng; cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng; con đẻ, con nuôi, con riêng của vợ hoặc chồng, con dâu, con rể; anh, chị, em cùng cha mẹ, anh, chị em cùng cha khác mẹ, anh, chị, em cùng mẹ khác cha, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; ông bà nội, ông bà ngoại; cháu nội, cháu ngoại; cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột;
h) Hai cơ sở kinh doanh có mối quan hệ trụ sở chính và cơ sở thường trú hoặc cùng là cơ sở thường trú của tổ chức, cá nhân nước ngoài;
i) Các doanh nghiệp chịu sự kiểm soát của một cá nhân thông qua vốn góp của cá nhân này vào doanh nghiệp đó hoặc trực tiếp tham gia điều hành doanh nghiệp;
k) Các trường hợp khác trong đó doanh nghiệp chịu sự điều hành, kiểm soát, quyết định trên thực tế đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp kia;
l) Doanh nghiệp có phát sinh các giao dịch nhượng, nhận chuyển nhượng vốn góp ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp trong kỳ tính thuế; vay, cho vay ít nhất 10% vốn góp của chủ sở hữu tại thời điểm phát sinh giao dịch trong kỳ tính thuế với cá nhân điều hành, kiểm soát doanh nghiệp hoặc với cá nhân thuộc trong một các mối quan hệ theo quy định tại điểm g khoản này.
Giao dịch liên kết là gì?
Khoản 2, Điều 1 Nghị Định 132/NĐ-CP/2020
Các giao dịch liên kết thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này là các giao dịch mua, bán, trao đổi, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, chuyển giao, chuyển nhượng hàng hóa, cung cấp dịch vụ; vay, cho vay, dịch vụ tài chính, đảm bảo tài chính và các công cụ tài chính khác; mua, bán, trao đổi, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, chuyển giao, chuyển nhượng tài sản hữu hình, tài sản vô hình và thỏa thuận mua, bán, sử dụng chung nguồn lực như tài sản, vốn, lao động, chia sẻ chi phí giữa các bên có quan hệ liên kết, trừ các giao dịch kinh doanh đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc phạm vi điều chỉnh giá của Nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật về giá
Nghĩa vụ kê khai giao dịch liên kết?
Khoản 2, 3 Điều 18 Nghị Định 132/2020/ NĐ-CP
2. Người nộp thuế có giao dịch liên kết thuộc phạm vi điều chỉnh tại Nghị định này có trách nhiệm kê khai, xác định giá giao dịch liên kết, không làm giảm nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp tại Việt Nam theo quy định tại Nghị định này.
Người nộp thuế có trách nhiệm chứng minh việc thực hiện phân tích, so sánh và lựa chọn phương pháp xác định giá giao dịch liên kết theo quy định tại Nghị định này khi Cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.
3. Người nộp thuế có giao dịch liên kết thuộc phạm vi điều chỉnh tại Nghị định này có trách nhiệm kê khai thông tin về quan hệ liên kết và giao dịch liên kết theo Phụ lục 1, 2, 3 ban hành kèm theo Nghị định này và nộp cùng Tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp
Các trường hợp miễn kê khai, miễn lập Hồ Sơ xác định giá giao dịch liên kết?
1. Người nộp thuế được miễn kê khai xác định giá giao dịch liên kết tại mục III, mục IV Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị định, miễn lập Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết theo quy định tại Nghị định này trong trường hợp chỉ phát sinh giao dịch với các bên liên kết là đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tại Việt Nam, áp dụng cùng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp với người nộp thuế và không bên nào được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp trong kỳ tính thuế, nhưng phải kê khai căn cứ miễn trừ tại mục I, mục II tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.
2. Người nộp thuế có trách nhiệm kê khai xác định giá giao dịch liên kết theo Phụ Lục 1 ban hành kèm theo Nghị định này nhưng được miễn lập Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết trong các trường hợp sau:
a) Người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết nhưng tổng doanh thu phát sinh của kỳ tính thuế dưới 50 tỷ đồng và tổng giá trị tất cả các giao dịch liên kết phát sinh trong kỳ tính thuế dưới 30 tỷ đồng;
b) Người nộp thuế đã ký kết Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế thực hiện nộp Báo cáo thường niên theo quy định pháp luật về Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế. Các giao dịch liên kết không thuộc phạm vi áp dụng Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế, người nộp thuế có trách nhiệm kê khai xác định giá giao dịch liên kết theo quy định tại Điều 18 Nghị định này;
c) Người nộp thuế thực hiện kinh doanh với chức năng đơn giản, không phát sinh doanh thu, chi phí từ hoạt động khai thác, sử dụng tài sản vô hình, có doanh thu dưới 200 tỷ đồng, áp dụng tỷ suất lợi nhuận thuần chưa trừ chi phí lãi vay và thuế thu nhập doanh nghiệp (không bao gồm chênh lệch doanh thu và chi phí của hoạt động tài chính) trên doanh thu thuần, bao gồm các lĩnh vực như sau:
- Phân phối: Từ 5% trở lên;
- Sản xuất: Từ 10% trở lên;
- Gia công: Từ 15% trở lên.
Làm tờ khai giao dịch liên kết như thế nào?
Click vào đây để xem hướng dẫn làm Phụ lục Giao dịch liên kết