Banner

NGHĨA VỤ KÊ KHAI, NỘP THUẾ CỦA CÁ NHÂN, TỔ CHỨC ĐỐI VỚI NHÀ NƯỚC – TRÁCH NHIỆM PHÁP LÝ VÀ Ý THỨC CÔNG DÂN

Thuế là nguồn thu chủ yếu và quan trọng của ngân sách nhà nước, góp phần duy trì hoạt động của bộ máy công quyền, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội và điều tiết kinh tế. Việc kê khai, nộp thuế đúng và đủ là nghĩa vụ pháp lý bắt buộc của cá nhân, tổ chức, đồng thời, thể hiện ý thức trách nhiệm công dân đối với đất nước. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn tình trạng trốn thuế, gian lận thuế, kê khai sai, nộp chậm hoặc không nộp thuế, gây ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn thu ngân sách và sự công bằng xã hội. Việc nhận thức rõ và thực hiện đúng nghĩa vụ thuế là yêu cầu cấp thiết trong xã hội hiện nay.

I. Cơ sở pháp lý về nghĩa vụ thuế

Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14 là văn bản pháp lý nền tảng quy định đầy đủ về quyền và nghĩa vụ của người nộp thuế, trách nhiệm quản lý của cơ quan thuế. Theo đó:

- Kê khai thuế là việc cá nhân, tổ chức khai báo thông tin thuế để xác định nghĩa vụ thuế phát sinh (Điều 8).
- Nộp thuế là trách nhiệm phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính đúng thời hạn, đầy đủ theo quy định (Điều 55).
- Người nộp thuế vi phạm nghĩa vụ sẽ bị xử phạt hành chính, hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp trốn thuế, gian lận thuế (Điều 200 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017).

II. Phân loại nghĩa vụ thuế theo chủ thể

1. Đối với cá nhân:
Người có thu nhập từ tiền lương, tiền công, hoạt động sản xuất kinh doanh, chuyển nhượng tài sản,… đều phải kê khai, nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Một số trường hợp (như thu nhập từ lương) sẽ được tổ chức chi trả khấu trừ và nộp thay.

Ví dụ: Cá nhân cho thuê nhà từ 100 triệu đồng/năm trở lên phải khai và nộp thuế GTGT, TNCN, lệ phí môn bài theo quý.

2. Đối với tổ chức, doanh nghiệp:
Doanh nghiệp phải kê khai và nộp các loại thuế như GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế tiêu thụ đặc biệt, tài nguyên,… Đồng thời, phải khấu trừ và nộp thay thuế TNCN cho người lao động.

III. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý thuế: Kê khai và hoá đơn điện tử

Nhằm hiện đại hóa công tác quản lý, tăng tính minh bạch, thuận tiện trong thực hiện nghĩa vụ thuế, thời gian gần đây Nhà nước đã triển khai quyết liệt các chủ trương như:

- Kê khai thuế điện tử, nộp thuế qua mạng thông qua Cổng dịch vụ thuế điện tử eTax.
- Hóa đơn điện tử toàn quốc, bắt buộc áp dụng từ ngày 01/7/2022 theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 78/2021/TT-BTC của Bộ tài chính. Mới đây nhất, Chính phủ ban hành Nghị định 70/2025/NĐ-CP sửa đổi bổ sung NĐ 123. Nghị định này quy định rõ hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh từ ngày 1/6/2025 phải sử dụng hóa đơn điện tử và thiết bị tính tiền kết nối dữ liệu điện tử với cơ quan thuế.

Tuy nhiên, chủ trương này cũng vấp phải phản ứng từ một bộ phận cá nhân, hộ kinh doanh nhỏ lẻ do lo ngại chi phí, chưa quen công nghệ, và e ngại giám sát chặt chẽ doanh thu thực tế.

IV. Thực trạng và những vấn đề đặt ra

Mặc dù hệ thống pháp luật thuế đã tương đối đầy đủ, nhưng việc thực hiện nghĩa vụ thuế còn tồn tại nhiều bất cập:

- Nhiều cá nhân kinh doanh không đăng ký mã số thuế, không kê khai thu nhập.
- Doanh nghiệp sử dụng hóa đơn khống, gian lận để trốn thuế hoặc hợp thức hóa chi phí.
- Một số tổ chức cố tình chậm nộp, dây dưa nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.

Theo báo cáo năm 2024, cơ quan thuế đã xử lý hơn 670.000 trường hợp vi phạm nghĩa vụ thuế, thu hồi cho ngân sách nhà nước hơn 14.500 tỷ đồng.

V. Giải pháp tăng cường thực hiện nghĩa vụ thuế

1. Nâng cao nhận thức pháp luật: Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật thuế bằng nhiều hình thức đơn giản, dễ hiểu, phù hợp từng nhóm đối tượng.

2. Hỗ trợ kỹ thuật và chuyển đổi số: Cần có chính sách hỗ trợ hộ, cá nhân nhỏ tiếp cận công nghệ, miễn phí phần mềm hóa đơn điện tử trong giai đoạn đầu.

3. Tăng cường thanh tra, kiểm tra: Rà soát, phát hiện, xử lý kịp thời hành vi trốn, lách thuế, gian lận hóa đơn, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại điện tử, cho thuê tài sản.

4. Khuyến khích tự giác nộp thuế: Có chính sách khen thưởng, miễn giảm thuế đối với cá nhân, tổ chức có thành tích tốt trong thực hiện nghĩa vụ thuế.

VI. Kết luận

Nghĩa vụ kê khai, nộp thuế là một trong những biểu hiện rõ ràng nhất của tinh thần thượng tôn pháp luật và trách nhiệm công dân. Nhà nước đang từng bước cải cách hành chính thuế, ứng dụng công nghệ để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người nộp thuế.

Thuế không phải là gánh nặng, mà là sự đóng góp cần thiết để xây dựng đất nước. Trong một xã hội công bằng, phát triển bền vững, không ai nên bị “ưu ái miễn thuế”, cũng như không ai phải “gánh hộ” phần của người khác. Mỗi đồng thuế nộp đúng là một viên gạch xây dựng tương lai chung, góp phần làm cho Tổ quốc giàu đep, hùng cường.

Thông tin có trong bài viết này mang tính chất chung và chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin về quy định pháp luật. DB Legal sẽ không chịu trách nhiệm cho bất kỳ việc sử dụng hoặc áp dụng thông tin cho bất kỳ mục đích kinh doanh nào. Để có tư vấn pháp lý chuyên sâu, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi.

For more information: 

📞: +84 357 466 579

📧: contact@dblegal.vn

🌐Facebook:  DB Legal Vietnamese Fanpage or DB Legal English Fanpage 

🐦X(Twitter)

💼Linkedin

🎬Youtube

 

 

Liên hệ

Địa chỉ 1: Tầng 3, Tòa nhà Indochina Riverside Tower, 74 Bạch Đằng, Quận Hải Châu, Thành phố Đà Nẵng, Việt Nam

Địa chỉ 2: 28 Thanh Lương 20, Phường Hòa Xuân, Quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng

Hotline 1: (+84) 357 466 579

Hotline 2: (+84) 985 271 242

Điện thoại: (+84) 236.366.4674

Email: contact@dblegal.vn

zalo
facebook