Giấy phép con

Giấy phép môi trường? Trình tự thủ tục xin giấy phép môi trường trong kinh doanh, sản xuất hàng hoá, dịch vụ

26/08/2023 | Giấy phép con

Trách nhiệm bảo vệ môi trường của doanh nghiệp là yếu tố vừa ràng buộc, vừa là tự ý thức thực hiện trong quá trình tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Hiện nay, các cơ sở sản xuất kinh doanh ngày càng mở rộng về quy mô sản xuất, tăng công suất, tăng nguồn nhân lực, nguyên vật liệu nhờ thế mà đem lại nguồn lợi kinh tế. Tuy nhiên, hoạt động này lại chính là những nguyên nhân gây ra ô nhiễm, phát sinh nguy hại nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Nhằm hướng đến mục đích thực hiện chính sách phát triển kinh tế – xã hội đi đôi với bảo vệ môi trường, pháp luật quy định một số doanh nghiệp bắt buộc phải thực hiện lập kế hoạch bảo vệ môi trường. Vậy những đối tượng nào phải xin giấy phép môi trường và thủ tục như thế nào? DB Legal sẽ giải đáp các thắc mắc cho khách hàng qua bài viết dưới đây.

1. Cơ sở pháp lý

- Luật Bảo vệ môi trường 2020.

- Nghị định 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường.

2. Giấy phép môi trường là gì? Phân loại dự án theo tiêu chí môi trường

2.1. Giấy phép môi trường

- Giây phép môi trường là văn bản do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp cho tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được phép xả chất thải ra môi trường, quản lý chất thải, nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất kèm theo yêu cầu, điều kiện về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

 2.2. Phân loại dự án đầu tư theo tiêu chí môi trường:

* Dự án đầu tư nhóm I

là dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao, bao gồm:

a) Dự án thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với quy mô, công suất lớn; dự án thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại; dự án có nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất;

b) Dự án thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với quy mô, công suất trung bình nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường; dự án không thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với quy mô, công suất lớn nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường;

c) Dự án sử dụng đất, đất có mặt nước, khu vực biển với quy mô lớn hoặc với quy mô trung bình nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường;

d) Dự án khai thác khoáng sản, tài nguyên nước với quy mô, công suất lớn hoặc với quy mô, công suất trung bình nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường;

đ) Dự án có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất quy mô trung bình trở lên nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường;

e) Dự án có yêu cầu di dân, tái định cư với quy mô lớn.

* Dự án đầu tư nhóm II

là dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường, trừ dự án quy định tại nhóm I, bao gồm:

a) Dự án thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với quy mô, công suất trung bình;

b) Dự án thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với quy mô, công suất nhỏ nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường; dự án không thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với quy mô, công suất trung bình nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường;

c) Dự án sử dụng đất, đất có mặt nước, khu vực biển với quy mô trung bình hoặc với quy mô nhỏ nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường;

d) Dự án khai thác khoáng sản, tài nguyên nước với quy mô, công suất trung bình hoặc với quy mô, công suất nhỏ nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường;

đ) Dự án có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất với quy mô nhỏ nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường;

e) Dự án có yêu cầu di dân, tái định cư với quy mô trung bình.

* Dự án đầu tư nhóm III

là dự án ít có nguy cơ tác động xấu đến môi trường, trừ dự án quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này, bao gồm:

a) Dự án thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với quy mô, công suất nhỏ;

b) Dự án không thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường có phát sinh nước thải, bụi, khí thải phải được xử lý hoặc có phát sinh chất thải nguy hại phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải.

* Dự án đầu tư nhóm IV:

là dự án không có nguy cơ tác động xấu đến môi trường, gồm dự án không thuộc dự án nhóm I, II và III (nêu trên)

3. Đối tượng phải Xin giấy phép môi trường

Căn cứ theo quy định tại Điều 39 Luật Bảo vệ môi trường 2020 về đối tượng phải có giấy phép môi trường như sau: "Điều 39. Đối tượng phải có giấy phép môi trường:

 1. Dự án đầu tư nhóm I, nhóm II và nhóm III có phát sinh nước thải, bụi, khí thải xả ra môi trường phải được xử lý hoặc phát sinh chất thải nguy hại phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải khi đi vào vận hành chính thức.

 2. Dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp hoạt động trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành có tiêu chí về môi trường như đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này.

 3. Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này thuộc trường hợp dự án đầu tư công khẩn cấp theo quy định của pháp luật về đầu tư công được miễn giấy phép môi trường."

 Như vậy, đối với các cơ sở kinh doanh, sản xuất hàng hóa, dịch vụ thuộc trường hợp nêu trên thì sẽ phải xin cấp giấy phép môi trường trước khi đi vào hoạt động để thay thế cho kế hoạch bảo vệ môi trường.

Các thủ tục phải thực hiện với các loại dự án về bảo vệ môi trường

Dự án

Tính chất

Đánh giá sơ bộ tác động môi trường

Đánh giá tác động môi trường

Giấy phép môi trường

Nhóm I

Dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao

Bắt buộc

Bắt buộc

Bắt buộc

Nhóm II

Dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường,

 

Bắt buộc với các dự án quy định tại điểm c, d, đ, e (nêu ở nhóm II)

Bắt buộc

Nhóm III

Dự án ít có nguy cơ tác động xấu đến môi trường,

 

 

Bắt buộc (đôi với dự án có phát sinh nước thải, bụi, khí thải xa ra mô trường hoặc phát sinh chất thải nguy hại ra môi trường)

Nhóm IV

Dự án không có nguy cơ tác động xấu đến môi trường

 

 

 

 

4. Trình tự, thủ tục xin cấp phép môi trường trong kinh doanh, sản xuất hàng hoá, dịch vụ.

Theo quy định tại Nghị định 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường thì trình tự, thủ tục cấp giấy phép môi trường như sau:

4.1. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường bao gồm:

- Văn bản đề nghị cấp giấy phép môi trường.

- Báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường.

- Tài liệu pháp lý và kỹ thuật khác của dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp.

Trong đó: Tài liệu pháp lý và kỹ thuật khác được quy định như sau: Đối với dự án đầu tư không thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường: bản sao báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc tài liệu tương đương với báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, đầu tư công, đầu tư theo phương thức đối tác công tư, xây dựng; Đối với dự án đầu tư, cơ sở không thuộc quy định tại điểm a khoản này: chủ dự án, cơ sở không phải nộp tài liệu pháp lý và kỹ thuật khác trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường.

 4.2. Thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường 

 Thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường đối với cơ sở kinh doanh, sản xuất hàng hóa, dịch vụ được quy định như sau: “Chủ cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp tự quyết định thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường để bảo đảm thời điểm phải có giấy phép môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định này nhưng chậm nhất trước 45 ngày đối với trường hợp thuộc thẩm quyền cấp giấy phép môi trường của cấp bộ, trước 30 ngày đối với trường hợp thuộc thẩm quyền cấp giấy phép môi trường của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện, tính đến thời điểm phải có giấy phép môi trường”.

 4.3. Trình tự giải quyết

Bước 1: Chủ cơ sở kinh doanh, sản xuất hàng hóa, dịch vụ nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường cho cơ quan cấp giấy phép môi trường và thực hiện việc nộp phí thẩm định cấp giấy phép môi trường theo quy định.

Bước 2: Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ (trừ trường hợp quy định tại khoản 8 Điều này), cơ quan cấp giấy phép môi trường thực hiện các nội dung sau:

a) Công khai nội dung báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường trên trang thông tin điện tử của cơ quan cấp phép hoặc cơ quan được ủy quyền, trừ thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật;

b) Gửi văn bản tham vấn ý kiến đến cơ quan quản lý nhà nước quản lý công trình thủy lợi (nếu xả nước thải vào công trình thủy lợi), cơ sở kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp (nếu cơ sở nằm trong khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp đó). Cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản về việc cấp giấy phép môi trường trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến, trừ trường hợp quy định tại khoản 9 Điều này; trường hợp quá thời hạn nêu trên mà không có văn bản trả lời thì được coi là đồng thuận với việc cấp giấy phép môi trường.

Đối với, cơ sở xả trực tiếp từ 10.000 m3/ngày (24 giờ) nước thải trở lên (trừ nước làm mát thiết bị, nước nuôi trồng thủy sản) vào sông, hồ liên tỉnh, sông, hồ giáp ranh giữa các tỉnh hoặc xả trực tiếp nước thải ra biển ven bờ, cơ quan cấp giấy phép môi trường lấy ý kiến tham vấn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh liền kề có sông, hồ liên tỉnh, sông, hồ giáp ranh hoặc biển ven bờ của tỉnh liền kề để phối hợp giải quyết những vấn đề bảo vệ môi trường trong khu vực,.

Bước 3: Tổ chức thẩm định cấp giấy phép môi trường theo quy định như sau:

Đối với trường hợp cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp đang hoạt động, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép môi trường không thành lập hội đồng thẩm định, tổ thẩm định mà chỉ thành lập đoàn kiểm tra đối với trường hợp thuộc thẩm quyền cấp giấy phép môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; tổ chức kiểm tra thực tế đối với trường hợp thuộc thẩm quyền cấp giấy phép môi trường của Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Hội đồng thẩm định, đoàn kiểm tra có ít nhất 07 thành viên đối với trường hợp thuộc thẩm quyền cấp giấy phép môi trường của cơ quan trung ương, ít nhất 05 thành viên đối với trường hợp thuộc thẩm quyền cấp giấy phép môi trường của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Tổ thẩm định có ít nhất 03 thành viên, trong đó Tổ trưởng là đại diện của cơ quan thẩm định.

Cơ cấu, thành phần của Hội đồng thẩm định, đoàn kiểm tra gồm: 01 chủ tịch hội đồng hoặc trưởng đoàn kiểm tra; 01 phó chủ tịch hội đồng hoặc phó trưởng đoàn kiểm tra trong trường hợp cần thiết; 01 thành viên thư ký; đại diện cơ quan, tổ chức có liên quan; đại diện cơ quan nhà nước quản lý công trình thủy lợi, chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp (nếu có); các chuyên gia, cán bộ, công chức trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và lĩnh vực hoạt động của cơ sở.

Thành viên hội đồng thẩm định, đoàn kiểm tra, tổ thẩm định có trách nhiệm nghiên cứu hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường, viết bản nhận xét, đánh giá về các nội dung quy định tại Điều 40 Luật Bảo vệ môi trường và chịu trách nhiệm trước pháp luật về ý kiến nhận xét, đánh giá của mình.

Chuyên gia tham gia xây dựng báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường của cơ sở không được tham gia hội đồng thẩm định, tổ thẩm định, đoàn kiểm tra cấp giấy phép môi trường của cơ sở đó.

Bước 4: Căn cứ kết quả thẩm định của hội đồng thẩm định, tổ thẩm định hoặc kết quả của đoàn kiểm tra, kết quả kiểm tra thực tế, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép môi trường xem xét, cấp giấy phép môi trường cho cơ sở kinh doanh, sản xuất hàng hóa, dịch vụ tập trung trong trường hợp đủ điều kiện cấp giấy phép môi trường hoặc có văn bản thông báo trả hồ sơ cho cơ sở và nêu rõ lý do trong trường hợp không đủ điều kiện cấp giấy phép môi trường.

Trên đây là toàn bộ các quy định về kế hoạch bảo vệ môi trường và trình tự thủ tục lập kế hoạch bảo vệ môi trường trong kinh doanh, sản xuất hàng hoá, dịch vụ. Nếu khách hàng có vấn đề gì thắc mắc cần hỗ trợ hoặc có nhu cầu thành lập doanh nghiệp, vui lòng liên hệ với DB Legal.

Để biết thêm thông tin chi tiết vui lòng liên hệ với chúng tôi

Local Office Numbers:
Hotline/Zalo/Whatsapp: +84 357 466 579
Email: contact@dblegal.vn

Liên hệ

Địa chỉ 1: Tầng 3, Tòa nhà Indochina Riverside Tower, 74 Bạch Đằng, Quận Hải Châu, Thành phố Đà Nẵng, Việt Nam

Địa chỉ 2: 28 Thanh Lương 20, Phường Hòa Xuân, Quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng

Hotline 1: (+84) 357 466 579

Hotline 2: (+84) 985 271 242

Điện thoại: (+84) 236.366.4674

Email: contact@dblegal.vn