Banner

NGHỊ QUYẾT SỐ 01/2024/NQ-HĐTP NGÀY 16 THÁNG 05 NĂM 2024 HƯỚNG DẪN ÁP DỤNG MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT TRONG GIẢI QUYẾT VỤ VIỆC VỀ HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH

NGHỊ QUYẾT SỐ 01/2024/NQ-HĐTP NGÀY 16 THÁNG 05 NĂM 2024 HƯỚNG DẪN ÁP DỤNG MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT TRONG GIẢI QUYẾT VỤ VIỆC VỀ HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH

Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị Quyết số 01/2024/NQ-HĐTP ngày 16 tháng 05 năm 2024 (“NQ 01”) về hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong giải uyết vụ việc về hôn nhân và gia đình. NQ 01 sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 07 năm 2024.

Một số điểm nổi bật của NQ 01 như sau:

1) Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con,  đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi mà không phân biệt vợ có thai, sinh con với ai.

Theo quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 2 NQ 01 quy định về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn quy định tại khoản 3 Điều 51 Luật Hôn nhân và Gia đình thì :

4. Trường hợp vợ đang có thai, sinh con thì chồng không có quyền yêu cầu ly hôn mà không phân biệt vợ có thai, sinh con với ai.

5. Trường hợp vợ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì chồng không có quyền yêu cầu ly hôn mà không phân biệt con đẻ, con nuôi.”

Theo quy định nêu trên thì người chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp người vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi mà không phân biệt vợ có con với ai. 

2) Các trường hợp được xem là “Hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được” là thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Không có tình nghĩa vợ chồng, ví dụ: vợ, chồng không thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau; vợ, chồng sống ly thân, bỏ mặc vợ hoặc chồng;

b) Vợ, chồng có quan hệ ngoại tình;

c) Vợ, chồng xúc phạm nhau, làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, tổn thất về tinh thần hoặc gây thương tích, tổn hại đến sức khỏe của nhau;

d) Không bình đẳng về quyền, nghĩa vụ giữa vợ, chồng; không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của vợ, chồng; không giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhau phát triển.

3) Hạn chế phân chia di sản của vợ, chồng trong trường hợp một bên chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết quy định tại khoản 3 Điều 66 của Luật Hôn nhân và gia đình

Việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của vợ hoặc chồng còn sống và gia đình theo quy định tại khoản 3 Điều 66 của Luật Hôn nhân và gia đình và Điều 661 của Bộ luật Dân sự là trường hợp người chết có để lại di sản, nhưng nếu chia di sản này cho người thừa kế thì vợ hoặc chồng còn sống và gia đình gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống như: không có chỗ ở, mất nguồn tư liệu sản xuất duy nhất...

Ví dụ 1: Trước khi kết hôn, anh A mua được một ngôi nhà cấp 4 có diện tích 35 m2. Sau đó anh A kết hôn với chị B và không nhập ngôi nhà này vào khối tài sản chung của vợ chồng. Sau khi sinh được một người con thì anh A chết và không để lại di chúc. Bố mẹ của anh A yêu cầu chia di sản thừa kế là ngôi nhà của anh A. Chị B và con không có chỗ ở nào khác và cũng chưa có điều kiện để tạo lập chỗ ở khác. Ngôi nhà này lại không thể chia được bằng hiện vật. Trong trường hợp này việc chia di sản thừa kế là ngôi nhà sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của chị B và con.

Ví dụ 2: Anh C và chị D kết hôn với nhau và mua được ngôi nhà có diện tích 35 m2. Sau khi sinh được một người con thì anh C chết và không để lại di chúc. Bố mẹ của anh C yêu cầu chia di sản do anh C để lại là phần nhà của anh C trong ngôi nhà này. Chị D và con không có chỗ ở nào khác, trong khi đó ngôi nhà này nếu chia bằng hiện vật thì không bảo đảm cho việc sinh hoạt tối thiểu của chị D và con; nếu buộc chị D phải thanh toán bằng tiền phần thừa kế mà bố mẹ anh C được hưởng thì chị D cũng không có khả năng. Trong trường hợp này, việc chia di sản thừa kế phần nhà của anh C trong ngôi nhà có diện tích 35 m2 sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của chị D và con.

4) Nghĩa vụ cấp dưỡng cho con quy định tại khoản 2 Điều 82 của Luật Hôn nhân và gia đình

1. Trường hợp người trực tiếp nuôi con không yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cấp dưỡng thì Tòa án giải thích cho họ việc yêu cầu cấp dưỡng cho con là nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con. Nếu xét thấy người trực tiếp nuôi con có khả năng, điều kiện nuôi dưỡng và việc họ không yêu cầu cấp dưỡng là tự nguyện thì Tòa án không buộc bên kia phải cấp dưỡng cho con.

2. Tiền cấp dưỡng cho con là toàn bộ chi phí cho việc nuôi dưỡng, học tập của con và do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên không thoả thuận được thì Tòa án quyết định mức cấp dưỡng căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng. Mức cấp dưỡng do Tòa án quyết định nhưng không thấp hơn một nửa tháng lương tối thiểu vùng tại nơi người cấp dưỡng đang cư trú cho mỗi tháng đối với mỗi người con.

3. Trường hợp các bên không thỏa thuận được phương thức cấp dưỡng thì Tòa án quyết định phương thức cấp dưỡng hàng tháng hoặc phương thức khác phù hợp với nhu cầu, lợi ích của con và điều kiện kinh tế của người cấp dưỡng.

4. Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình phát sinh kể từ thời điểm cha, mẹ không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

5) Giải quyết vụ án ly hôn có bị đơn là người Việt Nam ở nước ngoài nhưng không rõ địa chỉ

Trong vụ án ly hôn, người Việt Nam ở trong nước xin ly hôn với người Việt Nam ở nước ngoài và nguyên đơn chỉ cung cấp được địa chỉ nơi cư trú cuối cùng ở Việt Nam của bị đơn mà không cung cấp được địa chỉ của bị đơn ở nước ngoài thì Tòa án giải quyết như sau:

1. Trường hợp qua người thân thích của bị đơn có căn cứ xác định họ có liên hệ với người thân thích ở trong nước nhưng người thân thích của họ không cung cấp địa chỉ của bị đơn cho Tòa án, không thực hiện yêu cầu của Tòa án thông báo cho bị đơn biết thì được coi là cố tình giấu địa chỉ.

Trường hợp Tòa án đã yêu cầu đến lần thứ hai mà người thân thích của họ không cung cấp địa chỉ của bị đơn cho Tòa án, không thực hiện yêu cầu của Tòa án thông báo cho bị đơn biết thì Tòa án tiếp tục giải quyết, xét xử vắng mặt bị đơn theo thủ tục chung.

2. Sau khi xét xử, Tòa án gửi cho người thân thích của bị đơn bản sao bản án, quyết định để họ chuyển cho bị đơn, đồng thời tiến hành niêm yết công khai bản sao bản án, quyết định tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú cuối cùng của bị đơn và nơi người thân thích của bị đơn cư trú để đương sự có thể thực hiện quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật tố tụng.

Toàn văn của Nghị Quyết xin vui lòng đọc tại đây

 

 

Lưu ý: Mọi thông tin trong tài liệu này là thông tin chung và không nhằm mục đích cung cấp tư vấn cho trường hợp cụ thể cho bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào. Chúng tôi không đảm bảo về giá trị pháp lý của tài liệu trong trường hợp có sự thay đổi của pháp luật, do đó nếu Quý khách hàng cần tư vấn phù hợp từ các chuyên gia, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi thông qua email: contact@dblegal.vn

Liên hệ

Địa chỉ 1: Tầng 3, Tòa nhà Indochina Riverside Tower, 74 Bạch Đằng, Quận Hải Châu, Thành phố Đà Nẵng, Việt Nam

Địa chỉ 2: 28 Thanh Lương 20, Phường Hòa Xuân, Quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng

Hotline 1: (+84) 357 466 579

Hotline 2: (+84) 985 271 242

Điện thoại: (+84) 236.366.4674

Email: contact@dblegal.vn

zalo
facebook