Doanh nghiệp tư nhân là gì? Trình tự thủ tục thành lập doanh nghiệp tư nhân
Trong các loại hình doanh nghiệp thì doanh nghiệp tư nhân là loại hình doanh nghiệp có quy mô, cơ cấu khá đơn giản và có nhiều ưu điểm như dễ tổ chức, dễ quản lý và điều hành các hoạt động, do đó nhiều cá nhân lựa chọn loại hình doanh nghiệp tư nhân để khởi nghiệp và định hướng phát triển kinh doanh. Vậy để thành lập doanh nghiệp tư nhân cần phải tuân theo trình tự, thủ tục như thế nào? DB Legal sẽ giải đáp thắc mắc này thông qua bài viết dưới đây
Mục lục:
1. Cơ sở pháp lý
- Luật Doanh nghiệp 2020.
- Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp.
2. Doanh nghiệp tư nhân là gì?
2.1. Doanh nghiệp tư nhân là gì?
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 188 Luật Doanh nghiệp 2020: Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.
Lưu ý: Doanh nghiệp tư nhân và hộ kinh doanh là hai khái niệm khác nhau, bạn đọc tham khảo bài viết phân biệt hai loại hình kinh doanh này: Tại đây
2.2. Điều kiện thành lập doanh nghiệp tư nhân:
- Ngành, nghề đăng ký kinh doanh không bị cấm đầu tư kinh doanh.
- Tên của doanh nghiệp không đặt trùng hay gây nhầm lẫn với tên doanh nghiệp đã được đăng ký.
- Có hồ sơ đăng ký kinh doanh hợp lệ.
- Chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân là cá nhân.
- Có nguồn vốn đầu tư chính xác.
2.3. Đặc điểm của doanh nghiệp tư nhân:
- Doanh nghiệp tư nhân do một cá nhân làm chủ.
- Trách nhiệm tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân là vô hạn, tức là chủ doanh nghiệp tư nhân phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản của doanh nghiệp bằng toàn bộ tài sản của mình.
- Doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân do không có sự độc lập về tài sản, tài sản của doanh nghiệp tư nhân cũng là tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân.
- Doanh nghiệp tư nhân không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.
- Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên hợp danh của công ty hợp danh.
- Doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.
3. Trình tự thủ tục thành lập doanh nghiệp tư nhân
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Căn cứ theo quy định tại Điều 21 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, hồ sơ thành lập doanh nghiệp tư nhân bao gồm:
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
- Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ doanh nghiệp tư nhân.
Bước 2: Nộp hồ sơ
Doanh nghiệp nộp hồ sơ bằng một trong hai phương thức:
- Nộp tại Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
- Nộp hồ sơ trực tuyến qua mạng thông tin điện tử tại Cổng Thông tin Đăng ký doanh nghiệp Quốc gia theo địa chỉ: https://dangkykinhdoanh.gov.vn.
Bước 3: Nhận kết quả
- Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
- Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ hoặc tên doanh nghiệp yêu cầu đăng ký không đúng theo quy định, Phòng Đăng ký kinh doanh phải thông báo bằng văn bản nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ. Phòng Đăng ký kinh doanh ghi toàn bộ yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đối với mỗi một bộ hồ sơ do doanh nghiệp nộp trong một Thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.
Bài viết trên đã giúp khách hàng hiểu rõ về doanh nghiệp tư nhân, điều kiện và thủ tục thành lập doanh nghiệp tư nhân. Nếu khách hàng có vấn đề gì thắc mắc cần hỗ trợ hoặc có nhu cầu thành lập doanh nghiệp, vui lòng liên hệ với DB Legal
Để biết thêm thông tin chi tiết vui lòng liên hệ với chúng tôi
Local Office Numbers: | |
Hotline/Zalo/Whatsapp: | +84 357 466 579 |
Email: | contact@dblegal.vn |
Bài viết liên quan:
- Thủ tục thành lập công ty du lịch lữ hành tại Việt Nam
- Thủ tục đăng ký/Thông báo website thương mại điện tử với Bộ Công Thương
- Thủ tục Đăng Ký Sàn Thương Mại Điện Tử tại Việt Nam
- Hiệp định về Dịch vụ trong khuôn khổ Hiệp định Thương Mại tự do Asean - Ấn Độ (AIFTA)
- Phạm Vi Nghề Nghiệp Của Luật Sư Việt Nam
- Đầu tư phát triển vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, thông tin và truyền thông, quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo tại Đà Nẵng
- Thành lập Khu Thương mại Tự do Đà Nẵng: Cánh Cửa Mở Rộng cho Đầu Tư
- Quy định về Thu hút Nhà đầu tư Chiến lược tại Thành phố Đà Nẵng
- Điều kiện, thủ tục thành lập Hội tại Việt Nam
- Các loại thuế đặc trưng mà doanh nghiệp tư nhân cần chú ý