Banner

Nội dung cơ bản về Hiệp định Chung về Thương mại Dịch vụ của WTO (GATS)

17/01/2025 | Doanh Nghiệp

Hiệp định Chung về Thương mại Dịch vụ của WTO được gọi tắt là GATS quy định các nguyên tắc chung về thương mại dịch vụ đối với các thành viên của tổ chức thương mại WTO. Các nguyên tắc trong Hiệp định này áp dụng bắt buộc đối với tất cả các nước Thành viên WTO. Nghĩa vụ cụ thể của mỗi nước thành viên trong việc mở cửa thị trường dịch vụ của nước mình (cho dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ từ các nước thành viên WTO khác) được nêu trong Biểu cam kết dịch vụ riêng của nước đó.

1) GATS là gì?

GATS – Tên viết tắt của Hiệp định chung về thương mại dịch vụ (General Agreement on Trade in Services) là một Hiệp định thuộc hệ thống WTO, ra đời năm 1995, quy định các nguyên tắc về thương mại dịch vụ. Các nguyên tắc trong Hiệp định này áp dụng bắt buộc đối với tất cả các nước Thành viên WTO. Tuy nhiên, đây chỉ là các nguyên tắc chung về thương mại dịch vụ. Nghĩa vụ cụ thể của mỗi nước thành viên trong việc mở cửa thị trường dịch vụ của nước mình (cho dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ từ các nước thành viên WTO khác) được nêu trong Biểu cam kết dịch vụ riêng của nước đó (Biểu này là kết quả của đàm phán mở cửa thị trường dịch vụ của nước đó khi gia nhập WTO). 

2) Các Nguyên Tắc của GATS?

Hoạt động thương mại dịch vụ nói chung phải theo các nguyên tắc cơ bản của WTO đối với thương mại hàng hóa, nhưng có sự vận dụng linh hoạt đối với các nước đang phát triển và đặc điểm kinh tế – xã hội của từng quốc gia. Các nguyên tắc cơ bản của WTO bao gồm:

- Nguyên tắc không phân biệt đối xử, gồm hai quy chế: Đãi ngộ tối huệ quốc (là các thành viên phải dành sự đối xử không phân biệt cho hàng hóa và dịch vụ đến từ các nước  WTO khác nhau) và Đối xử quốc gia (là mỗi nước thành viên phải đối xử với hàng hóa, dịch vụ đến từ các nước thành viên (sau khi đã hoàn tất các nghĩa vụ thuế quan) không kém lợi nhuận hơn hàng hóa, dịch vụ nội địa của mình.

- Nguyên tắc tiếp cận thị trường, bao gồm hai khía cạnh: Một là, các nước thành viên mở cửa thị trường cho nhau thông qua việc cắt giảm từng bước, tiến tới xóa bỏ hàng rào thuế quan và phi thuế quan, mở đường cho thương mại phát triển; hai là, các chính sách, luật lệ thương mại phải được công bố công khai, kịp thời, minh bạch để có thể dự báo được môi trường và triển vọng thương mại.

- Nguyên tắc cạnh tranh công bằng, đòi hỏi các nước thành viên WTO loại bỏ bảo hộ bằng các biện pháp phi thuế, vì nó làm "méo mó thương mại" như hạn ngạch, giấy phép, hạn chế số lượng nhập khẩu…mà chỉ sử dụng công cụ duy nhất là thuế, nhưng các biểu thuế phải được giảm dần trong quá trình hội nhập.

- Nguyên tắc áp dụng các hành động khẩn cấp trong trường hợp cần thiết, cho phép các nước thành viên khước từ một nghĩa vụ nào đó hoặc có những hành động khẩn cấp, cần thiết, được các nước thành viên khác thừa nhận để bảo vệ sản xuất và thị trường trong nước khi bị hàng nhập khẩu thái quá đe dọa hoặc bị phân biệt đối xử gây phương hại cho nước đó.

- Nguyên tắc ưu đãi dành cho các nước đang phát triển và chậm phát triển, nhằm tạo điều kiện cho các nước này từng bước thích nghi với các thể chế của WTO như kéo dài thời gian hoặc giảm mức độ thực hiện các cam kết.

3) Nội dung cơ bản của GATS:

3.1) Về phương pháp áp dụng dịch vụ:

Phương pháp "chọn - bỏ" (negative approach) là cam kết theo dạng "được làm tất cả những gì không bị hạn chế". Phương pháp "chọn - cho" (positive approach) là cam kết theo dạng "chỉ được làm những gì được phép làm".

WTO sử dụng phương pháp chọn - cho khi xác định phạm vi cam kết, tức là các dịch vụ được đưa vào Biểu cam kết dịch vụ. Theo đó, bên cam kết chỉ cam kết mở cửa thị trường cho các dịch vụ xuất hiện trong Biểu. Với những dịch vụ không xuất hiện trong Biểu, bên cam kết không có nghĩa vụ nào cả.

3.2) Về phương thức cung cấp dịch vụ:

GATS quy định 4 phương thức cung cấp dịch vụ, bao gồm: 1) cung cấp qua biên giới; 2) tiêu dùng ngoài lãnh thổ; 3) hiện diện thương mại; 4) hiện diện thể nhân.

Phương thức cung cấp qua biên giới (gọi tắt là Phương thức 1) là phương thức theo đó dịch vụ được cung cấp từ lãnh thổ của một Thành viên này sang lãnh thổ của một Thành viên khác, tức là không có sự di chuyển của người cung cấp và người tiêu thụ dịch vụ sang lãnh thổ của nhau. Ví dụ, các dịch vụ tư vấn có thể cung cấp theo phương thức này.
Phương thức tiêu dùng ngoài lãnh thổ (gọi tắt là Phương thức 2) là phương thức theo đó người tiêu dùng của một Thành viên di chuyển sang lãnh thổ của một Thành viên khác để tiêu dùng dịch vụ. Ví dụ, khách du lịch nước ngoài sang Việt Nam.

Phương thức hiện diện thương mại (gọi tắt là Phương thức 3) là phương thức theo đó nhà cung cấp dịch vụ của một Thành viên thiết lập các hình thức hiện diện như công ty 100% vốn nước ngoài, công ty liên doanh, chi nhánh v.v…trên lãnh thổ của một Thành viên khác để cung cấp dịch vụ. Ví dụ, ngân hàng Hoa Kỳ thành lập chi nhánh để kinh doanh tại Việt Nam.

Phương thức hiện diện thể nhân (gọi tắt là Phương thức 4) là phương thức theo đó thể nhân cung cấp dịch vụ của một Thành viên di chuyển sang lãnh thổ của một Thành viên khác để cung cấp dịch vụ. Ví dụ, các nghệ sĩ nước ngoài sang Việt Nam biểu diễn nghệ thuật. 

3.3) Mức độ cam kết

Do các điều kiện được sử dụng trong Biểu cam kết của mỗi Thành viên sẽ tạo ra các cam kết có tính ràng buộc pháp lý nên cần chính xác trong việc thể hiện có hay không có các hạn chế về tiếp cận thị trường và về đối xử quốc gia. Phụ thuộc vào mức độ hạn chế mà mỗi Thành viên có thể đưa ra, thường có bốn trường hợp sau:

3.3.1) Cam kết toàn bộ:

Các Thành viên không đưa ra bất cứ hạn chế nào về tiếp cận thị trường hay đối xử quốc gia đối với một hoặc nhiều dịch vụ hay đối với một hoặc nhiều phương thức cung cấp dịch vụ. Khi đó, các Thành viên sẽ thể hiện trong Biểu cam kết của mình cụm từ “Không hạn chế” vào các cột và phương thức cung cấp dịch vụ thích hợp. Tuy vậy, các hạn chế được liệt kê trong phần cam kết chung vẫn được áp dụng.

3.3.2) Cam kết kèm theo những hạn chế

Các Thành viên chấp nhận mở cửa thị trường cho một hoặc nhiều ngành dịch vụ nhưng liệt kê tại các cột tương ứng của Biểu cam kết các biện pháp hạn chế áp dụng cho nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài. Khi đó, các Thành viên sẽ thể hiện trong Biểu cam kết của mình các cụm từ như “Không hạn chế, ngoại trừ ….” hoặc “Chưa cam kết, ngoại trừ….”. Xuất phát từ nguyên tắc chọn - bỏ, nếu chỉ liệt kê biện pháp mà không kèm theo một trong hai cụm từ trên thì đương nhiên hiểu là "Không hạn chế, ngoại trừ ..".

3.3.3) Không cam kết

Các Thành viên có thể duy trì khả năng đưa ra mọi biện pháp hạn chế tiếp cận thị trường và đối xử quốc gia đối với một hoặc nhiều phương thức cung cấp dịch vụ cụ thể. Khi đó, các Thành viên sẽ thể hiện trong Biểu cam kết cụm từ “Chưa cam kết”. Trong trường hợp này, các cam kết liệt kê trong phần cam kết chung vẫn được áp dụng.

3.3.4) Không cam kết vì không có tính khả thi kỹ thuật

Trong một số trường hợp, một phương thức cung cấp dịch vụ có thể là không khả thi về mặt kỹ thuật. Ví dụ, dịch vụ xây nhà cung cấp qua biên giới. Khi đó, các Thành viên sẽ thể hiện cụm từ “Chưa cam kết" nhưng ghi chú là "do không khả thi về mặt kỹ thuật"

 

Thông tin có trong bài viết này mang tính chất chung và chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin về quy định pháp luật. DB Legal sẽ không chịu trách nhiệm cho bất kỳ việc sử dụng hoặc áp dụng thông tin cho bất kỳ mục đích kinh doanh nào. Để có tư vấn pháp lý chuyên sâu, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi.

Local Office Numbers:
Hotline/Zalo/Whatsapp: +84 357 466 579
Email: contact@dblegal.vn
 
 

Liên hệ

Địa chỉ 1: Tầng 3, Tòa nhà Indochina Riverside Tower, 74 Bạch Đằng, Quận Hải Châu, Thành phố Đà Nẵng, Việt Nam

Địa chỉ 2: 28 Thanh Lương 20, Phường Hòa Xuân, Quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng

Hotline 1: (+84) 357 466 579

Hotline 2: (+84) 985 271 242

Điện thoại: (+84) 236.366.4674

Email: contact@dblegal.vn

zalo
facebook