Banner

Sản xuất Mỹ Phẩm tại Việt Nam

09/04/2025 | Doanh Nghiệp

Chị A có nguyện vọng thành lập một cơ sở cung cấp dịch vụ tẩy lông bằng phương pháp sugaring (sử dụng sáp đường) tại Việt Nam. Mô hình hoạt động được đề xuất bao gồm hai yếu tố chính: a. Sản xuất sáp đường tự chế ngay tại cơ sở (không bán ra ngoài). b. Cung cấp dịch vụ tẩy lông sử dụng loại sáp tự chế nói trên, phục vụ trực tiếp cho khách hàng tại cơ sở thuê. Chị A không có ý định phân phối hay kinh doanh sáp đường dưới dạng sản phẩm thương mại trên thị trường. Hoạt động chính vẫn là dịch vụ làm đẹp - tẩy lông. Tuy nhiên, do có yếu tố sản xuất và sử dụng nguyên liệu tự chế trong môi trường dịch vụ, chị A mong muốn được tư vấn các vấn đề pháp lý nhằm đảm bảo hoạt động kinh doanh đúng quy định pháp luật hiện hành.

Trả lời:

Cảm ơn chị đã gửi câu hỏi đến DB Legal. Liên quan đến các thắc mắc của chị, Chúng tôi xin phản hồi như sau:

Câu hỏi (1) : Tuân thủ pháp luật kinh doanh: Có những quy định hoặc giấy phép cụ thể nào cần thiết cho việc tự sản xuất và sử dụng sáp đường tự chế trong môi trường kinh doanh không? Những tiêu chuẩn về sức khỏe và an toàn nào cần được đáp ứng?

DB LEGAL trả lời:

1. Căn cứ pháp lý:

- Nghị định 93/2016/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 155/2018/NĐ-CP;

- Thông tư 06/2011/TT-BYT;

- Luật An toàn, Vệ sinh Lao động 2015;

- Nghị định 44/2016/NĐ-CP;

- Nghị định 113/2017/NĐ-CP;

- Thông tư 19/2016/TT-BYT.

2. Tư vấn cụ thể:

2.1 Tẩy lông bằng sáp đường tự chế, vậy sáp đường có được xem là loại mỹ phẩm hay không?

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định số 93/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016 (“ND93”) quy định về điều kiện sản xuất mỹ phẩm thì:

1. Sản phẩm mỹ phẩm là một chất hay chế phẩm được sử dụng để tiếp xúc với những bộ phận bên ngoài cơ thể con người (da, hệ thống lông tóc, móng tay, móng chân, môi và bên ngoài cơ quan sinh dục) hoặc răng và niêm mạc miệng với một hoặc nhiều mục đích chính sau: Làm sạch, làm thơm, thay đổi diện mạo, hình thức, điều chỉnh mùi cơ thể, giữ cơ thể trong điều kiện tốt.”

Theo như trình bày của chị thì chị sử dụng sáp đường để phủ lên da và tẩy lông cho khách hàng, việc sử dụng sáp đường (i) tiếp xúc với da; (ii) với mục đích làm sạch lông được xem là sản phẩm mỹ phẩm căn cứ theo quy định nêu trên

2.2 Điều kiện hoạt động của cơ sở sản xuất mỹ phẩm:

- Theo quy định tại Điều 3 ND 93 thì điều kiện hoạt động của cơ sở sản xuất mỹ phẩm là phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm;

- Theo quy định tại Điều 4 ND 93 về điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm như sau:

“1. Điều kiện về nhân sự: Người phụ trách sản xuất của cơ sở phải có kiến thức chuyên môn về một trong các chuyên ngành sau: Hóa học, sinh học, dược học hoặc các chuyên ngành khác có liên quan đáp ứng yêu cầu của công việc.

2. Điều kiện về cơ sở vật chất:

a) Có địa điểm, diện tích, nhà xưởng, trang thiết bị đáp ứng với yêu cầu về dây chuyền sản xuất, loại sản phẩm mỹ phẩm mà cơ sở đó dự kiến sản xuất như đã nêu trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm;

b) Kho bảo quản nguyên liệu, vật liệu đóng gói và thành phẩm phải bảo đảm có sự tách biệt giữa nguyên liệu, vật liệu đóng gói và thành phẩm; có khu vực riêng để bảo quản các chất dễ cháy nổ, các chất độc tính cao, nguyên, vật liệu và sản phẩm bị loại, bị thu hồi và bị trả lại.

3. Có hệ thống quản lý chất lượng đáp ứng các yêu cầu sau:

a) Nguyên liệu, phụ liệu, bán thành phẩm dùng trong sản xuất mỹ phẩm phải đạt tiêu chuẩn chất lượng của nhà sản xuất;

b) Nước dùng trong sản xuất mỹ phẩm tối thiểu phải đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước ăn uống do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành;

c) Có quy trình sản xuất cho từng sản phẩm;

d) Có bộ phận kiểm tra chất lượng để kiểm tra chất lượng của nguyên liệu, bán thành phẩm, sản phẩm chờ đóng gói và thành phẩm.”

Như vậy, để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm thì các cơ sở sản xuất cần lưu ý phải đáp ứng tất cả các điều kiện về nhân sự, cơ sở vật chất và hệ thống quản lý chất lượng theo quy định.

2.3 Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm:

Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm  được quy định tại Điều 7 ND 93 như sau:

“a) Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm theo Mẫu số 02 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Sơ đồ mặt bằng và thiết kế của cơ sở sản xuất;

c) Danh mục thiết bị hiện có của cơ sở sản xuất.”

Trong trường hợp sản phẩm làm ra chỉ cung cấp cho dịch vụ tại cơ sở, sản phẩm không lưu hành kinh doanh thì không cần đăng ký/công bố với DAV (Khoản 1 Điều 3 Thông tư 06/2011/TT-BYT).

3. Kết luận:

Như vậy, mặc dù sản phẩm sáp đường chỉ được sử dụng nội bộ tại cơ sở cung cấp dịch vụ và không lưu hành trên thị trường, hoạt động sản xuất vẫn phải tuân thủ các quy định về điều kiện sản xuất mỹ phẩm nếu sáp đường được xem là một dạng mỹ phẩm theo quy định pháp luật. Do đó cần:

- Xem xét việc đáp ứng các điều kiện về nhân sự, cơ sở vật chất và hệ thống quản lý chất lượng theo quy định tại Nghị định 93/2016/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung);

- Lập hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm, trừ khi có thể chứng minh sản phẩm không thuộc phạm vi điều chỉnh;

- Tuân thủ đầy đủ các quy định về an toàn lao động và xử lý chất thải hóa chất, đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho người lao động và khách hàng.

Câu hỏi (2):  Phương án thay thế: Nếu việc sản xuất sáp đường tự chế không được phép, có những phương pháp hoặc sản phẩm thay thế nào được khuyến nghị để tuân thủ luật kinh doanh địa phương?

DB LEGAL:

Trong trường hợp việc sản xuất sáp đường tự chế tại cơ sở không đáp ứng được các điều kiện pháp lý theo quy định tại Nghị định số 93/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 155/2018/NĐ-CP về điều kiện sản xuất mỹ phẩm, hoặc việc xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm gặp khó khăn, khách hàng có thể cân nhắc các phương án thay thế sau để đảm bảo hoạt động kinh doanh tuân thủ pháp luật:

(i) Sử dụng sản phẩm sáp đường có nguồn gốc rõ ràng từ các cơ sở đã được cấp phép, có thể mua sáp đường từ các nhà sản xuất, doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm hoặc từ các đơn vị nhập khẩu hợp pháp sản phẩm mỹ phẩm đã được công bố tại Việt Nam.

Khi sử dụng các sản phẩm này, cơ sở kinh doanh chỉ cần đảm bảo lưu trữ hóa đơn, chứng từ hợp lệ để chứng minh nguồn gốc sản phẩm và thực hiện bảo quản, sử dụng đúng hướng dẫn của nhà sản xuất.

Đây là phương án phổ biến, ít rủi ro pháp lý, mà không cần đầu tư cho quy trình sản xuất.

(ii) Hợp tác gia công sản phẩm với cơ sở đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm. Nếu khách hàng vẫn muốn sử dụng công thức sáp đường riêng (ví dụ: công thức thủ công do chính khách hàng nghiên cứu), có thể lựa chọn hình thức thuê gia công tại một cơ sở sản xuất mỹ phẩm đã được cấp phép.

Hình thức này không đòi hỏi phải tự xin giấy phép sản xuất, mà chỉ cần ký hợp đồng gia công và chịu trách nhiệm về nhãn hàng hóa nếu có nhu cầu sử dụng sản phẩm mang thương hiệu riêng (dù không lưu hành).

Tuy nhiên, vẫn cần tuân thủ các quy định về ghi nhãn, công bố sản phẩm mỹ phẩm, dù chỉ sử dụng nội bộ trong một số trường hợp.

(iii) Xem xét sử dụng các phương pháp tẩy lông khác đã phổ biến và được pháp luật cho phép. Trong trường hợp không sử dụng được sáp đường, có thể chuyển hướng sang các phương pháp tẩy lông khác như:

- Waxing (sáp nóng/lạnh truyền thống);

- Threading (tẩy lông bằng chỉ);

- Tẩy lông bằng kem hoặc gel có công bố sản phẩm hợp lệ;

- Tẩy lông bằng công nghệ cao (laser, IPL,...) - tuy nhiên nhóm này thường yêu cầu giấy phép hoạt động cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nếu áp dụng thiết bị y tế.

Việc lựa chọn phương án phù hợp sẽ phụ thuộc vào mô hình kinh doanh, nguồn lực tài chính và mục tiêu phát triển. Trong mọi trường hợp, việc ưu tiên tuân thủ pháp luật, bảo đảm an toàn sức khỏe cho khách hàng và nhân viên là điều kiện tiên quyết để kinh doanh lâu dài và tránh các rủi ro pháp lý về sau.

Câu hỏi (3): Đăng ký kinh doanh: Các bước và yêu cầu cần thiết để đăng ký và vận hành hợp pháp một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tẩy lông bằng phương pháp sugaring tại Đà Nẵng là gì?

DB LEGAL:

Trình tự thực hiện

Nội dung liên quan

Bước 1: Lựa chọn loại hình kinh doanh

Tùy vào nhu cầu và quy mô hoạt động, có thể lựa chọn:

- Hộ kinh doanh cá thể (quy mô nhỏ, 1 địa điểm, ít hơn hoặc bằng 10 lao động).

- Doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty TNHH một thành viên (nếu muốn mở rộng quy mô).

Bước 2: Đăng ký kinh doanh

a. Đối với Hộ kinh doanh:

- Hồ sơ cần chuẩn bị:

+ Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh (theo mẫu);

+ Bản sao CCCD/hộ chiếu của cá nhân đăng ký;

+ Hợp đồng thuê mặt bằng hoặc giấy tờ chứng minh quyền sử dụng địa điểm;

+ Bản kê khai ngành nghề kinh doanh (mã ngành: 9610 - Dịch vụ chăm sóc da, làm đẹp).

- Cơ quan tiếp nhận hồ sơ: UBND cấp quận/huyện nơi đặt địa điểm kinh doanh (Phòng Tài chính – Kế hoạch).

- Thời gian dự kiến có kết quả: 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

- Kết quả cần đạt được: Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.

b. Đối với Doanh nghiệp:

- Hồ sơ cần chuẩn bị:

+ Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;

+ Điều lệ công ty;

+ Danh sách thành viên (nếu là công ty TNHH hai thành viên trở lên);

+ Bản sao CCCD của người đại diện theo pháp luật;

+ Văn bản ủy quyền (nếu nộp hồ sơ qua dịch vụ).

- Cơ quan tiếp nhận hồ sơ: Phòng Đăng ký kinh doanh Sở Tài chính Thành phố Đà Nẵng, hoặc thông qua Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

- Thời gian dự kiến có kết quả: 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

- Kết quả cần đạt được: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Bước 3: Khắc dấu, mở tài khoản ngân hàng, kê khai thuế ban đầu

- Hồ sơ cần chuẩn bị:

+ Giấy Đăng ký kinh doanh vừa được cấp;

+ CCCD người đại diện pháp luật;

- Cơ quan tiếp nhận:

+ Ngân hàng (mở tài khoản);

+ Cơ quan thuế quản lý địa bàn (kê khai thuế môn bài, thuế GTGT,...).

- Thời gian dự kiến có kết quả:

+ Tài khoản ngân hàng: trong ngày;

+ Mã số thuế và khai thuế ban đầu: 3–5 ngày làm việc.

- Kết quả cần đạt được:

+ Có tài khoản ngân hàng khai báo với Sở Tài chính Thành phố Đà Nẵng;

+ Mã số thuế và thông tin thuế điện tử hợp lệ để hoạt động.

Bước 4: Đáp ứng điều kiện pháp lý khi hoạt động dịch vụ làm đẹp

- Hồ sơ cần chuẩn bị (lưu nội bộ hoặc xuất trình khi được kiểm tra):

+ Chứng chỉ đào tạo nghề chăm sóc da của người thực hiện dịch vụ;

+ Hồ sơ nhân sự, hợp đồng lao động;

+ Quy trình vệ sinh, khử trùng dụng cụ;

+ Hợp đồng mua hóa mỹ phẩm từ đơn vị có giấy phép;

+ Biên bản kiểm tra an toàn PCCC;

+ Sổ theo dõi khách hàng, vệ sinh, xử lý rác thải.

- Cơ quan kiểm tra:

+ Phòng Y tế quận/huyện;

+ Thanh tra Sở Y tế;

+ Quản lý thị trường (trong các đợt kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất).

- Kết quả cần đạt được: Không bị xử phạt hành chính khi kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất, được ghi nhận là cơ sở đủ điều kiện hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ làm đẹp.

Kết luận:

Việc đăng ký kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ tẩy lông bằng sugaring hiện không nằm trong danh mục ngành nghề cấm hay có điều kiện đặc thù. Tuy nhiên, cần bảo đảm:

-            Chọn loại hình kinh doanh phù hợp (hộ cá thể/doanh nghiệp);

-             Đăng ký đúng ngành nghề “Dịch vụ chăm sóc sắc đẹp”;

-             Tuân thủ các quy định về vệ sinh, nhân sự, an toàn lao động;

-             Không thực hiện các kỹ thuật có tính chất y tế nếu không có giấy phép chuyên ngành.

Trên đây là ý kiến tư vấn của DB Legal liên quan đến yêu cầu tư vấn của Quý khách hàng dựa trên cơ sở quy định pháp luật. Hy vọng ý kiến tư vấn của Chúng tôi sẽ hữu ích cho Quý khách hàng. Trường hợp khách hàng cần trao đổi thêm thì có thể liên hệ trực tiếp với chúng tôi.

 

Để đọc toàn văn bài viết, vui lòng xem tại đây .

Để đọc bài tiếng Anh, vui lòng xem tại đây.

 

Thông tin có trong bài viết này mang tính chất chung và chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin về quy định pháp luật. DB Legal sẽ không chịu trách nhiệm cho bất kỳ việc sử dụng hoặc áp dụng thông tin cho bất kỳ mục đích kinh doanh nào. Để có tư vấn pháp lý chuyên sâu, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi:

📞: +84 357 466 579

📧: contact@dblegal.vn

🌐Facebook:  DB Legal Vietnamese Fanpage or DB Legal English Fanpage 

🐦X(Twitter)

💼Linkedin

🎬Youtube

 

 

Liên hệ

Địa chỉ 1: Tầng 3, Tòa nhà Indochina Riverside Tower, 74 Bạch Đằng, Quận Hải Châu, Thành phố Đà Nẵng, Việt Nam

Địa chỉ 2: 28 Thanh Lương 20, Phường Hòa Xuân, Quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng

Hotline 1: (+84) 357 466 579

Hotline 2: (+84) 985 271 242

Điện thoại: (+84) 236.366.4674

Email: contact@dblegal.vn

zalo
facebook