[Cập nhật 2025] Thủ tục thành lập Công ty Spa and Massage vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam
Dịch vụ massage, hay xoa bóp, đang chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ tại Việt Nam, đi kèm với nhu cầu ngày càng cao từ người dân. Điều này tạo ra một thị trường hấp dẫn cho các nhà đầu tư, bao gồm cả nhà đầu tư nước ngoài, mong muốn thành lập công ty kinh doanh dịch vụ massage. Tuy nhiên, để hoạt động kinh doanh này diễn ra hợp pháp và hiệu quả, việc tuân thủ các điều kiện pháp lý do Việt Nam quy định là vô cùng quan trọng. Trong bài viết này, DB Legal sẽ cung cấp một cái nhìn tổng quan về các khía cạnh pháp lý liên quan đến việc thành lập công ty kinh doanh dịch vụ massage có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, giúp nhà đầu tư có sự chuẩn bị tốt nhất.
Mục lục:
I. Căn cứ pháp lý:
- Biểu cam kết cụ thể về Thương Mại và Dịch Vụ WTO (GATS);
- Luật đầu tư số 61/2020/QH14 ngày 17 ngày 06 tháng 2020;
- Luật doanh nghiệp số 59/2020/QH14 ngày 17 tháng 6 năm 2020;
- Công văn số 579/KCB-PHCN&GĐ ngày 30 tháng 05 năm 2019 về quản lý dịch vụ xoa bóp của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh;
- Trả lời của Bộ kế hoạch đầu tư về kinh doanh dịch vụ massage có vốn đầu tư nước ngoài tại đây;
- Nghị định số 96/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 07 năm 2016 quy định về điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện;
- Nghị định số 56/2023/NĐ-CP ngày 24 tháng 07 năm 2023 sửa đổi bổ sung Nghị định số 96/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016
II. Phạm vi kinh doanh dịch vụ massage tại Việt Nam:
Theo quy định tại khoản 5 Điều 3 Nghị định 96/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016 ("NĐ 96") về định nghĩa về kinh doanh dịch vụ xoa bóp thì "Kinh doanh dịch vụ xoa bóp, gồm: Sử dụng phương pháp vật lý trị liệu để xoa bóp (massage), tẩm quất phục vụ sức khỏe con người."
Theo Bảng giải thích về các dịch vụ liệt kê trong hệ thống phân loại sản phẩm chủ yếu của liên hiệp quốc ("CPC") thì dịch vụ xoa bóp được phân loại vào mã CPC 97029: các dịch vụ chăm sóc sắc đẹp khác gồm: chăm sóc cá nhân, chăm sóc thân thể, nhổ lông, xoa bóp, ngoại trừ xoa bóp chữa bệnh, trị liệu với tia cực tím và tia hồng ngoại, tắm nắng và các dịch vụ chăm sóc sắc đẹp khác.
Như vậy, kinh doanh dịch vụ xoa bóp (massage) là sử dụng phương pháp vật lý trị liệu để xoa bóp, tẩm quất phục vụ sức khoẻ con người.
III. Nội dung hạn chế tiếp cận thị trường đối với dịch vụ massage (Xoa Bóp):
Căn cứ theo ý kiến trả lời của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại https://baochinhphu.vn/dich-vu-massage-khong-thuoc-nganh-nghe-bi-han-che-dau-tu-102227319.htm thì ngành nghề “Dịch vụ xoa bóp (massage)” không được quy định tại Biểu cam kết thương mại và dịch vụ của Việt Nam trong WTO, tuy nhiên không có quy định cấm, hạn chế đối với nhà đầu tư nước ngoài theo Điều 6 Luật Đầu tư năm 2014. Theo đó, trường hợp nhà đầu tư nước ngoài đầu tư kinh doanh dịch vụ xoa bóp tại Việt Nam thì sau khi nộp hồ sơ, cơ quan cấp phép sẽ lấy ý kiến chuyên ngành liên quan để thẩm định trước khi quyết định chấp thuận hay không chấp thuận dự án của nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, một trong những nguyên tắc cơ bản của GATS khi Việt Nam gia nhập WTO là "Tối Huệ Quốc", nghĩa là mỗi nước thành viên phải dành sự đối xử không phân biệt cho hàng hoá và dịch vụ đến từ các nước thành viên WTO khách nhau.
"Cụ thể, giữa khái niệm "toàn quyền" và "tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của GATS" có một ranh giới rất mờ mà các nhà quản lý phải chú ý đặc biệt. Lấy dịch vụ xuất bản làm ví dụ. Do không xuất hiện trong Biểu cam kết dịch vụ nên Việt Nam có "toàn quyền" trong việc đóng cửa thị trường này đối với các nhà xuất bản nước ngoài. Tuy nhiên, nếu Việt Nam đồng ý cấp phép cho một nhà xuất bản nước ngoài nào đó thì ngay lập tức, việc "tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của GATS" sẽ được áp dụng. Do một trong những nguyên tắc cơ bản của GATS là MFN (không phân biệt đối xử giữa các thành viên) nên Việt Nam sẽ phải cấp phép cho cả các nhà xuất bản nước ngoài khác nếu được yêu cầu. (trang 8, sách Cam kết về dịch vụ khi gia nhập WTO - Bình luận của người trong cuộc -Bộ Công Thương)".
Như vậy, trong trường hợp dịch vụ xoa bóp (CPC 97029 - mã ngành: 9610) đã được cấp phép hoạt động cho một nhà đầu tư nước ngoài là thành viên WTO thì Việt Nam cũng phải mở cửa ngành nghề này cho các nhà đầu tư đến từ quốc gia khác theo nguyên tắc Tối Huệ Quốc.
Quan trọng hơn là tuỳ thuộc vào quốc tịch của nhà đầu tư mà có thể kiểm tra các thoả thuận đã được ký kết giữa Việt Nam và quốc gia đó để có tư vấn chuyên sâu hơn về nội dung hạn chế tiếp cận thị trường. Khác với quy tắc "chọn" và "cho" của Biểu cam kết thương mại và dịch vụ của Việt Nam trong WTO, một số hiệp định thương mại mới như CPTTP được xây dựng theo phương pháp "chọn" và "bỏ", nghĩa là bên cam kết sẽ liệt kê toàn bộ dịch vụ hạn chế áp dụng cho các thành viên. Ngoài các dịch vụ hạn chế này thì các thành viên được phép đầu tư kinh doanh những ngành nghề ngoài danh sách hạn chế đã được liệt kê.
IV. Thủ tục đầu tư kinh doanh của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam như thế nào?
Theo quy định từ Điều 21 đến Điều 28 của Luật Đầu tư 2020 về hình thức đầu tư tại Việt Nam gồm các nội dung sau:
Nhà đầu tư nước ngoài có thể lựa chọn các hình thức đầu tư sau đây để hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
1. Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế:
a) Nhà đầu tư nước ngoài thành lập tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Điều 9 của Luật này;
b) Trước khi thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trừ trường hợp thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ khác có giá trị pháp lý tương đương, tổ chức kinh tế do nhà đầu tư nước ngoài thành lập là nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
2. Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp.
Việc nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế phải đáp ứng các quy định, điều kiện sau đây:
a) Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Điều 9 của Luật đầu tư.
b) Bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Luật này;
c) Quy định của pháp luật về đất đai về điều kiện nhận quyền sử dụng đất, điều kiện sử dụng đất tại đảo, xã, phường, thị trấn biên giới, xã, phường, thị trấn ven biển.
3. Thực hiện dự án đầu tư:
Nhà đầu tư nước ngoài hoạt động kinh doanh thông qua việc thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam.
4. Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC.
- Hợp đồng BCC được ký kết giữa các nhà đầu tư trong nước thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự.
- Hợp đồng BCC được ký kết giữa nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài hoặc giữa các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định tại Điều 38 của Luật Đầu tư.
- Các bên tham gia hợp đồng BCC thành lập ban điều phối để thực hiện hợp đồng BCC. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ban điều phối do các bên thỏa thuận.
5. Các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới theo quy định của Chính phủ.
Nhà đầu tư nước ngoài thực hiện đầu tư theo loại hình tổ chức kinh tế mới theo quy định của chính phủ.
V. Kết luận:
Việc gia nhập thị trường dịch vụ massage tại Việt Nam với vốn đầu tư nước ngoài đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt pháp lý bởi vì ngành nghề này chưa được mở cửa đối với nhà đầu tư nước ngoài theo Biểu cam kết cụ thể về Thương Mại và Dịch Vụ WTO (GATS). DB Legal tự hào là đối tác pháp lý tin cậy, sẵn sàng cung cấp dịch vụ tư vấn toàn diện, hỗ trợ nhà đầu tư trong suốt quá trình thành lập công ty, xin giấy phép hoạt động và giải quyết mọi vấn đề pháp lý phát sinh.
Để xem toàn văn bài viết: tại đây.
For English, please click here and here.
Thông tin có trong bài viết này mang tính chất chung và chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin về quy định pháp luật. DB Legal sẽ không chịu trách nhiệm cho bất kỳ việc sử dụng hoặc áp dụng thông tin cho bất kỳ mục đích kinh doanh nào. Để có tư vấn pháp lý chuyên sâu, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi:
📞: +84 357 466 579
📧: contact@dblegal.vn
🌐Facebook: DB Legal Vietnamese Fanpage or DB Legal English Fanpage
Bài viết liên quan:
- [Cập nhật 2025] Thủ tục thành lập Hair Salon hay Hair Beauty vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam
- [Cập nhật 2025] Thủ tục thành lập bệnh viên vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (CPC 9311)
- Thủ tục thành lập công ty sản xuất, phân phối mỹ phẩm có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam
- C/O (Certificate of Origin) "Chìa khóa vàng" cho hoạt động xuất nhập khẩu và hưởng ưu đãi thuế
- Sản xuất Mỹ Phẩm tại Việt Nam
- [Cập nhật 2025] Thủ tục thành lập khách sạn/Resort vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (CPC 64110)
- [Cập nhật 2025] Thủ tục thành lập công ty sản xuất phim vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (CPC 96112, trừ băng hình)
- [Cập nhật 2025] Thủ tục thành lập công ty chuyển phát vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam
- [Cập nhật 2025] Điều kiện thành lập công ty vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực Logistics tại Việt Nam
- [Cập nhật 2025] Hướng dẫn thủ tục cập nhật địa chỉ công ty khi thay đổi địa giới hành chính