Mức phạt đối với người điều khiển phương tiện không mang theo giấy tờ xe
Hiện nay khi tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện cần mang theo giấy tờ xe như bằng lái xe, bảo hiểm, giấy đăng ký xe…Nếu không có các giấy tờ chứng minh về điều kiện lái xe của mình thì chủ phương tiện sẽ bị xử phạt hành chính. Vậy mức phạt không mang theo giấy tờ xe hiện nay là bao nhiêu? Hãy cùng DB Legal tìm hiểu quy định pháp luật về vấn đề này qua bài viết dưới đây
Mục lục:
- I. Cơ sở pháp lý
- II. Khi điều khiển phương tiện thì cần mang theo giấy tờ gì?
- III. Mức phạt đối với người điều khiển phương tiện không mang theo giấy tờ xe
I. Cơ sở pháp lý
- Luật Giao thông đường bộ 2008.
- Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
- Nghị định 123/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng.
II. Khi điều khiển phương tiện thì cần mang theo giấy tờ gì?
Theo quy định tại Điều 58 Luật Giao thông đường bộ 2008, người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo các giấy tờ sau:
- Đăng ký xe.
- Giấy phép lái xe đối với người điều khiển xe cơ giới.
- Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới.
- Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
III. Mức phạt đối với người điều khiển phương tiện không mang theo giấy tờ xe
1. Mức phạt lỗi không có hoặc không mang Giấy đăng ký xe
1.1 Mức phạt đối với xe ô tô
- Trường hợp không có Giấy đăng ký xe theo quy định hoặc sử dụng Giấy đăng ký xe đã hết hạn sử dụng phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng khi điều khiển xe ô tô.
(Theo khoản 4 Điều 16 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi bởi khoản 9 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP).
- Trường hợp không mang theo giấy đăng kí xe, phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng khi điều khiển xe ô tô.
(Theo điểm b khoản 3 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP).
- Ngoài ra, áp dụng xử phạt bổ sung đối với các hành vi sau:
+ Thực hiện hành vi quy định tại điểm a, điểm b khoản 3; khoản 4; khoản 5; điểm c khoản 6; điểm a khoản 7 Điều 16 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi khoản 9 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP) bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.
+ Thực hiện hành vi quy định tại điểm a khoản 4, điểm b khoản 6 Điều 16 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi khoản 9 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP) trong trường hợp không có Giấy đăng ký xe hoặc sử dụng Giấy đăng ký xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, không đúng số khung, số máy của xe hoặc bị tẩy xóa (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) mà không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của phương tiện (không có giấy tờ, chứng từ chuyển quyền sở hữu xe hoặc giấy tờ, chứng từ nguồn gốc xe hợp pháp) thì bị tịch thu phương tiện.
(Theo điểm đ khoản 6 Điều 16 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi bởi Khoản 9 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP).
1.2 Mức phạt đối với xe mô tô, xe gắn máy
- Trường hợp không có Giấy đăng ký xe, phạt từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng khi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy không có Giấy đăng ký xe.
(Theo điểm a khoản 2 Điều 17 Nghị định 100/2019/NĐ/CP, sửa đổi bởi điểm m khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP).
- Trường hợp không mang theo giấy đăng ký xe, phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng khi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy.
(Theo điểm b khoản 2 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi bởi khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP).
- Ngoài ra, áp dụng xử phạt bổ sung đối với các hành vi sau:
Thực hiện hành vi quy định tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều 17 Nghị định 100/2019/NĐ-CP trong trường hợp không có Giấy đăng ký xe hoặc sử dụng Giấy đăng ký xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, không đúng số khung, số máy của xe hoặc bị tẩy xóa mà không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của phương tiện (không có giấy tờ, chứng từ chuyển quyền sở hữu xe hoặc giấy tờ, chứng từ nguồn gốc xe hợp pháp) thì bị tịch thu phương tiện.
(Theo điểm đ khoản 4 Điều 17 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
2. Mức phạt lỗi không có hoặc không mang Giấy phép lái xe
2.1 Mức phạt đối với xe ô tô
- Trường hợp không có Giấy phép lái xe hoặc sử dụng Giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc sử dụng Giấy phép lái xe bị tẩy xóa. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng khi điều khiển xe ô tô.
(Theo Điểm b Khoản 8 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi bởi Khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP).
- Trường hợp không mang theo giấy phép lái xe, phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng khi điều khiển xe ô tô.
(Theo Điểm a Khoản 3 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi bởi Khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP).
2.2 Mức phạt đối với xe mô tô, xe gắn máy
- Trường hợp không có Giấy phép lái xe:
+ Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh dưới 175 cm3.
(Theo Điểm a Khoản 5 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi bởi Khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP).
+ Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh từ 175 cm3 trở lên.
(Theo Điểm b Khoản 7 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi bởi Khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP).
- Trường hợp quên không mang Giấy phép lái xe bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng khi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy.
(Theo Điểm c Khoản 2 Điều 21, sửa đổi bởi Khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP).
3. Mức phạt lỗi không có hoặc không mang Giấy chứng nhận bảo hiểm
- Mức phạt đối với xe ô tô: Trường hợp không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng.
(Theo điểm b khoản 4 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi bởi Khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP).
- Mức phạt đối với xe mô tô, xe gắn máy: Trường hợp không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng.
(Theo điểm a khoản 2 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
4. Mức phạt lỗi không có hoặc không mang Giấy chứng nhận kiểm định
- Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi điều khiển xe không có Giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với loại xe có quy định phải kiểm định, trừ xe đăng ký tạm thời) hoặc có nhưng đã hết hạn sử dụng từ 01 tháng trở lên (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc).
(Theo điểm e khoản 5 Điều 16 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi bởi Khoản 9 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP).
- Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô không mang theo Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với loại xe có quy định phải kiểm định, kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc).
(Theo điểm c khoản 3 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi bởi Khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP).
- Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng;
Trên đây là mức phạt đối với người điều khiển phương tiện không mang theo giấy tờ xe. Nếu khách hàng có vấn đề gì thắc mắc cần hỗ trợ vui lòng liên hệ với DB Legal
Để biết thêm thông tin chi tiết vui lòng liên hệ với chúng tôi
Local Office Numbers: | |
Hotline/Zalo/Whatsapp: | +84 357 466 579 |
Email: | contact@dblegal.vn |
Bài viết liên quan:
- Thủ tục thành lập cơ sở giáo dục mầm non độc lập (Nhóm trẻ độc lập) tại Việt Nam
- Thủ Tục Thành Lập Trường Mầm Non tại Việt Nam
- Thủ tục đổi giấy phép lái xe hoặc bằng lái xe của nước ngoài tại Đà Nẵng
- Điều kiện kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô
- Thủ tục Đăng Ký Tổ chức Hội chợ, Triển lãm thương mại
- Thông báo Hoạt Động Khuyến Mại tại Việt Nam
- Thủ tục, điều kiện kinh doanh dịch vụ đại diện quyền sở hữu trí tuệ
- Mức phạt đối với trường hợp đỗ xe không đúng nơi quy định
- Điều kiện, trình tự thủ tục đăng ký tạm trú
- Quy định mới nhất về trình tự thủ tục đăng ký sang tên (đổi chủ) xe