Các loại thuế đặc trưng mà doanh nghiệp tư nhân cần chú ý
Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) là một trong những loại hình doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020. Để doanh nghiệp có thể hoạt động ổn định và hợp pháp, một trong những nghĩa vụ mà doanh nghiệp cần phải thực hiện chính là nghĩa vụ đóng thuế cho nhà nước. Tuy nhiên, trên thực tế không phải ai cũng biết các loại thuế đặc thù được áp dụng cho doanh nghiệp tư nhân trong quá trình hoạt động. Điều này làm cho các chủ doanh nghiệp lo lắng. Bài viết dưới đây DB Legal sẽ giải đáp các thắc mắc cho khách hàng về các loại thuế đặc thù áp dụng cho DNTN
Mục lục:
1. Cơ sở pháp lý
- Luật Doanh nghiệp 2020.
- Nghị định số 139/2016/NĐ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ quy định về lệ phí môn bài; Thông tư 302/2016 hướng dẫn về lệ phí môn bài; Thông tư 65/2020/TT- BTC sửa đổi bổ sung một số điều Thông tư 302/2016 hướng dẫn về lệ phí môn bài.
- Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008.
- Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008.
- Nghị định 218/2013/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.
2. Các loại thuế đặc thù áp dụng cho doanh nghiệp tư nhân
2.1. Thuế môn bài (Lệ phí môn bài)
Theo quy định tại Điều 2, Nghị định số 139/2016/NĐ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ quy định về lệ phí môn bài; Thông tư 302/2016 hướng dẫn về lệ phí môn bài và Thông tư 65/2020/TT- BTC sửa đổi bổ sung điều TT 302/2016 hướng dẫn về lệ phí môn bài thì người nộp lệ phí môn bài là: “Người nộp lệ phí môn bài là tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ quy định tại Điều 2 Nghị định số 139/2016/NĐ-CP ngày 04/10/2016 của Chính phủ quy định về lệ phí môn bài, trừ các trường hợp quy định tại Điều 3 Nghị định số 139/2016/NĐ-CP ngày 04/10/2016 của Chính phủ và khoản 1 Điều 1 Nghị định số 22/2020/NĐ-CP ngày 24/02/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2016/NĐ-CP ngày 04/10/2016 của Chính phủ quy định về lệ phí môn bài.”. Như vậy, có thể hiểu thuế môn bài hay lệ phí môn bài là khoản mà doanh nghiệp tư nhân phải nộp trong quá trình gia nhập vào thị trường cũng như xác nhận thành lập doanh nghiệp.
Mức thu lệ phí môn bài hiện nay đối với doanh nghiệp tư nhận được quy định tại Điều 4 Nghị định 139/2016/NĐ-CP sửa đổi bởi Nghị định 22/2020/NĐ-CP quy định về mức thu lệ phí môn bài và được hướng dẫn bởi Thông tư 302/106 hướng dẫn về lệ phí môn bài, cụ thể như sau:
a) Doanh nghiệp có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng: 3.000.000 (ba triệu) đồng/năm;
b) Doanh nghiệp có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư từ 10 tỷ đồng trở xuống: 2.000.000 (hai triệu) đồng/năm;
c) Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế khác: 1.000.000 (một triệu) đồng/năm.
Mức thu lệ phí môn bài trên căn cứ vào vốn điều lệ ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc ghi trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Trường hợp không có vốn điều lệ thì căn cứ vào vốn đầu tư ghi trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc văn bản quyết định chủ trương đầu tư.
Bạn đọc có thể tham khảo thêm chi tiết về Lệ Phí Môn bài: Tại Đây
2.2. Thuế giá trị gia tăng (Thuế GTGT)
Theo quy định tại Điều 4 Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008 quy định người nộp thuế là:“Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng và tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa chịu thuế giá trị gia tăng”. Như vậy thuế giá trị gia tăng là thuế được tính trên tất cả hàng hóa, sản phẩm và dịch vụ mà doanh nghiệp kinh doanh. Loại thuế này sẽ được áp dụng tùy vào từng loại dịch vụ, sản phẩm và hàng hóa của doanh nghiệp đó.
* Cách tính thuế giá trị gia tăng
Có 2 phương thức tính thuế giá trị gia tăng:
- Phương pháp khấu trừ: Số thuế giá trị gia tăng phải nộp = Thuế giá trị gia tăng đầu ra – Thuế giá trị gia tăng đầu vào được khẩu trừ
- Phương pháp trực tiếp: Số thuế giá trị gia tăng phải nộp = Giá trị gia tăng của hàng hóa x Thuế suất giá trị gia tăng của hàng hóa đó
Hiện nay, đối với doanh nghiệp tư nhân mới thành lập thường áp dụng phương pháp khấu trừ. Với các doanh nghiệp mới đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, việc khai thuế giá trị gia tăng sẽ được thực hiện theo quý.
Sau khi doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đủ 12 tháng, từ năm tiếp theo sẽ căn cứ theo mức doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ của năm trước liền kề (đủ 12 tháng) để thực hiện khai thuế giá trị gia tăng theo quý hoặc theo tháng trong các hạng mục thuế doanh nghiệp tư nhân.
Theo khoản 3 Ðiều 10 Thông tư 156/2013/TT-BTC, hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng được nộp trong thời hạn như sau:
- Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế tháng chậm nhất là ngày thứ 20 của tháng tiếp tháng phát sinh nghĩa vụ thuế.
- Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế quý, tạm tính theo quý chậm nhất là ngày thứ 30 quý tiếp theo quý phát sinh nghĩa vụ thuế.
- Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế năm chậm nhất là ngày thứ 30 của tháng đầu tiên của năm dương lịch.
Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế theo từng lần phát sinh nghĩa vụ thuế chậm nhất là ngày thứ 10, kể từ ngày phát sinh nghĩa vụ thuế.
Thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế năm chậm nhất là ngày thứ 90, kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính.
Bạn đọc tham khảo thêm chi tiết về quy định, các tính thuế GTGT Tại Đây
2.3. Thuế thu nhập doanh nghiệp (Thuế TNDN)
Theo quy định tại Điều 2 Luật thuế thu nhập doanh nghiệp thì: “1. Người nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế theo quy định của Luật này (sau đây gọi là doanh nghiệp), bao gồm: a) Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam…”
Như vậy theo quy định trên thì Doanh nghiệp tư nhân được thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 cho nên doanh nghiệp tư nhân thuộc đối tượng phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp.
Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 1 Thông tư 96/2015/TT-BTC thì thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp được xác định theo công thức sau:
Thuế TNDN phải nộp = (Thu nhập tính thuế - Phần trích lập quỹ KH&CN (nếu có) ) x Thuế suất thuế TNDN
Bạn đọc tham khảo chi tiết, cách tính, thuế suất và các quy định liên quan của Thuế TNDN tại đây
2.4. Thuế thu nhập cá nhân
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 thì doanh nghiệp tư nhân là loại hình doanh nghiệp mà chủ doanh nghiệp tư nhân phải chịu trách nhiệm vô hạn bằng tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp, và không có sự tách bạch rõ ràng giữa tài sản của chủ doanh nghiệp và tài sản của doanh nghiệp. Chính vì vậy, phần lợi nhuận thu được từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân cũng được xác định là thu nhập của chủ doanh nghiệp tư nhân.
Đồng thời căn cứ theo quy định Luật thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 sửa đổi năm 2013 thì doanh nghiệp tư nhân được xác định là một trong những đối tượng phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Do vậy, sau khi nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, nếu như chủ doanh nghiệp tư nhân còn phải nộp thuế thu nhập cá nhân nữa thì điều đó đồng nghĩa với việc cùng một khoản thu nhập mà chủ doanh nghiệp phải nộp thuế tới hai lần.
Mặt khác, căn cứ theo quy định tại Khoản 3 Điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính: “Thu nhập từ tiền lương, tiền công hàng tháng là khoản thu nhập phải nộp thuế thu nhập cá nhân”. Và Thông tư cũng quy định: “Thu nhập từ tiền lương, tiền công là thu nhập người lao động nhận được từ người sử dụng lao động”.
Theo quy định tại Điều 90 Bộ luật lao động 2012 thì: “Tiền lương là khoản tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động để thực hiện công việc theo thỏa thuận”. Như vậy, tiền lương bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
Như vậy, theo quy định trên đối với các khoản thu nhập từ việc quản lý doanh nghiệp tư nhân của chủ doanh nghiệp tư nhân do chính họ làm ra thì đó không phải là thu nhập từ tiền lương tiền công mà là khoản thu nhập hàng tháng phát sinh từ việc quản lý doanh nghiệp tư nhân và khoản thu nhập này không phải chịu thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, những khoản thu nhập phát sinh khác không liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp tư nhân như: thu nhập từ trúng thưởng, thu nhập từ thừa kế, quà tặng.... thuộc diện phải chịu thuế thu nhập cá nhân thì chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn phải có nghĩa vụ đóng thuế theo quy định của pháp luật.
Các quy định về thuế TNCN khác bạn đọc tham khảo Tại Đây
Trên đây là các loại thuế đặc trưng mà doanh nghiệp tư nhân cần chú ý, ngoài ra tùy vào lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh mà DNTN có thể phải đóng thêm các loại thuế như: Thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất nhập khẩu, thuế môi trường...
Trên đây là toàn bộ các quy định của pháp luật về các loại thuế đặc thù được áp dụng cho doanh nghiệp tư nhân trong quá trình hoạt động. Nếu khách hàng có vấn đề gì thắc mắc cần hỗ trợ hoặc có nhu cầu thành lập doanh nghiệp, vui lòng liên hệ với DB Legal.
Để biết thêm thông tin chi tiết vui lòng liên hệ với chúng tôi
Local Office Numbers: | |
Hotline/Zalo/Whatsapp: | +84 357 466 579 |
Email: | contact@dblegal.vn |
Bài viết liên quan:
- Thủ tục thành lập công ty du lịch lữ hành tại Việt Nam
- Thủ tục đăng ký/Thông báo website thương mại điện tử với Bộ Công Thương
- Thủ tục Đăng Ký Sàn Thương Mại Điện Tử tại Việt Nam
- Hiệp định về Dịch vụ trong khuôn khổ Hiệp định Thương Mại tự do Asean - Ấn Độ (AIFTA)
- Phạm Vi Nghề Nghiệp Của Luật Sư Việt Nam
- Đầu tư phát triển vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, thông tin và truyền thông, quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo tại Đà Nẵng
- Thành lập Khu Thương mại Tự do Đà Nẵng: Cánh Cửa Mở Rộng cho Đầu Tư
- Quy định về Thu hút Nhà đầu tư Chiến lược tại Thành phố Đà Nẵng
- Điều kiện, thủ tục thành lập Hội tại Việt Nam
- Doanh nghiệp tư nhân là gì? Trình tự thủ tục thành lập doanh nghiệp tư nhân