Khai thuế cho thuê tài sản đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh
Nhiều cá nhân có tài sản (là nhà cửa, xe cộ...) cho thuê nhưng không khai thuế hay đăng kí kinh doanh. Hãy cùng DB Legal tìm hiểu về quy định khai thuế đối với việc cho thuê tài sản?
Mục lục:
- I. Cá nhân cho thuê tài sản (nhà cửa, xe cộ...) có cần đăng kí kinh doanh không?
- II. Khai thuế cho thuê tài sản đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh
- II.1. Nguyên tắc khai thuế cho thuê tài sản đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh
- II.2. Căn cứ tính thuế
- II.3. Khai thuế và nộp thuế
- III. Một số mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh
I. Cá nhân cho thuê tài sản (nhà cửa, xe cộ...) có cần đăng kí kinh doanh không?
Căn cứ điều 3 Nghị định 39/2007/NĐ-CP ngày 16/03/2007 của Chính phủ về hoạt động thương mại một cách độc lập thường xuyên không phải đăng kí kinh doanh
1. Cá nhân hoạt động thương mại là cá nhân tự mình hàng ngày thực hiện một, một số hoặc toàn bộ các hoạt động được pháp luật cho phép về mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác nhưng không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh và không gọi là “thương nhân” theo quy định của Luật Thương mại. Cụ thể bao gồm những cá nhân thực hiện các hoạt động thương mại sau đây:
a) Buôn bán rong (buôn bán dạo) là các hoạt động mua, bán không có địa điểm cố định (mua rong, bán rong hoặc vừa mua rong vừa bán rong), bao gồm cả việc nhận sách báo, tạp chí, văn hóa phẩm của các thương nhân được phép kinh doanh các sản phẩm này theo quy định của pháp luật để bán rong;
b) Buôn bán vặt là hoạt động mua bán những vật dụng nhỏ lẻ có hoặc không có địa điểm cố định;
c) Bán quà vặt là hoạt động bán quà bánh, đồ ăn, nước uống (hàng nước) có hoặc không có địa điểm cố định;
d) Buôn chuyến là hoạt động mua hàng hóa từ nơi khác về theo từng chuyến để bán cho người mua buôn hoặc người bán lẻ;
đ) Thực hiện các dịch vụ: đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh và các dịch vụ khác có hoặc không có địa điểm cố định;
e) Các hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh khác.
2. Kinh doanh lưu động là các hoạt động thương mại không có địa điểm cố định.
Như vậy, hoạt động cho thuê nhà (không lưu trú), cho thuê xe... là các hoạt động không thuộc trường hợp không phải đăng kí kinh doanh.
Vì vậy tổ chức, cá nhân muốn cho thuê nhà, thuê trọ phải thực hiện việc đăng kí kinh doanh (như thành lập doanh nghiệp hay đăng kí hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh)
Bạn đọc có thể xem cách thức đăng kí kinh doanh tại đây: Thành lập doanh nghiệp ; Đăng kí hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh
II. Khai thuế cho thuê tài sản đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh
II.1. Nguyên tắc khai thuế cho thuê tài sản đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh
Căn cứ Khoản 1, Điều 9, Thông tư 40/2021/TT-BTC
- Cá nhân cho thuê tài sản là cá nhân có phát sinh doanh thu từ cho thuê tài sản bao gồm: cho thuê nhà, mặt bằng, cửa hàng, nhà xưởng, kho bãi không bao gồm dịch vụ lưu trú; cho thuê phương tiện vận tải, máy móc thiết bị không kèm theo người điều khiển; cho thuê tài sản khác không kèm theo dịch vụ. Dịch vụ lưu trú không tính vào hoạt động cho thuê tài sản theo hướng dẫn tại khoản này gồm: cung cấp cơ sở lưu trú ngắn hạn cho khách du lịch, khách vãng lai khác; cung cấp cơ sở lưu trú dài hạn không phải là căn hộ cho sinh viên, công nhân và những đối tượng tương tự; cung cấp cơ sở lưu trú cùng dịch vụ ăn uống hoặc các phương tiện giải trí.
(Lưu ý, dịch vụ lưu trú như cho thuê nhà để ở, cho thuê trọ không tính vào hoạt động cho thuê tài sản theo quy định tại khoản 1, Điều 9, Thông tư 40/2021/TT-BTC)
Bạn đọc có thể tham khảo các quy định về cho thuê nhà để ở, thuê trọ: Tại đây
- Cá nhân cho thuê tài sản khai thuế theo từng lần phát sinh kỳ thanh toán (từng lần phát sinh kỳ thanh toán được xác định theo thời điểm bắt đầu thời hạn cho thuê của từng kỳ thanh toán) hoặc khai thuế theo năm dương lịch. Cá nhân khai thuế theo từng hợp đồng hoặc khai thuế cho nhiều hợp đồng trên một tờ khai nếu tài sản cho thuê tại địa bàn có cùng cơ quan thuế quản lý. -> Như vậy, cá nhân có thể chọn khai theo từng lần phát sinh khoản thanh toán của Khách hoặc khai theo năm dương lịch
- Cá nhân chỉ có hoạt động cho thuê tài sản và thời gian cho thuê không trọn năm, nếu phát sinh doanh thu cho thuê từ 100 triệu đồng/năm trở xuống thì thuộc diện không phải nộp thuế GTGT, không phải nộp thuế TNCN. Trường hợp bên thuê trả tiền thuê tài sản trước cho nhiều năm thì mức doanh thu để xác định cá nhân phải nộp thuế hay không phải nộp thuế là doanh thu trả tiền một lần được phân bổ theo năm dương lịch (Khoản 3, Điều 1, Thông tư 100/2021/TT-BTC)
- Trường hợp bên thuê tài sản trả tiền trước cho nhiều năm thì cá nhân cho thuê tài sản khai thuế, nộp thuế một lần đối với toàn bộ doanh thu trả trước. Số thuế phải nộp một lần là tổng số thuế phải nộp của từng năm dương lịch theo quy định. Trường hợp có sự thay đổi về nội dung hợp đồng thuê tài sản dẫn đến thay đổi doanh thu tính thuế, kỳ thanh toán, thời hạn thuê thì cá nhân thực hiện khai điều chỉnh, bổ sung theo quy định của Luật Quản lý thuế cho kỳ tính thuế có sự thay đổi
II.2. Căn cứ tính thuế
a) Doanh thu tính thuế
Doanh thu tính thuế GTGT và doanh thu tính thuế TNCN đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là doanh thu bao gồm thuế (trường hợp thuộc diện chịu thuế) của toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiền cung ứng dịch vụ phát sinh trong kỳ tính thuế từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả các khoản thưởng, hỗ trợ đạt doanh số, khuyến mại, chiết khấu thương mại, chiết khấu thanh toán, chi hỗ trợ bằng tiền hoặc không bằng tiền; các khoản trợ giá, phụ thu, phụ trội, phí thu thêm được hưởng theo quy định; các khoản bồi thường vi phạm hợp đồng, bồi thường khác (chỉ tính vào doanh thu tính thuế TNCN); doanh thu khác mà hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được hưởng không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền
b) Thuế suất cho thuê tài sản (Tham khảo thêm chi tiết tại đây)
Thuế suất GTGT cho thuê tài sản: 5%
Thuế suất TNCN cho thuê tài sản: 5%
c) Xác định số thuế phải nộp
Số thuế GTGT phải nộp = Doanh thu tính thuế GTGT x Tỷ lệ thuế GTGT
Số thuế TNCN phải nộp = Doanh thu tính thuế TNCN x Tỷ lệ thuế TNCN
II.3. Khai thuế và nộp thuế
a) Hồ sơ khai thuế
Mẫu số 01/TTS ban hành kèm theo thông tư số 40/2021/TT-BTC
Kèm theo bảng kê mẫu số 01-1/BK-TTS và 01-2/BK-TTS ban hành theo 40/2021/TT-BTC
b) Thời gian nộp hồ sơ khai thuế và nộp thuế
Trong vòng 10 ngày kể từ ngày phát sinh kỳ cho thuê/ thanh toán
III. Một số mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh
III.1. Xử phạt không đăng kí kinh doanh
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng (căn cứ Khoản 1, Điều 62 Nghị Định 122/2021/NĐ-CP)
III.2. Xử phạt vi phạm chế độ thông tin báo cáo đối với hộ kinh doanh
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau (Căn cứ Khoản 1, Điều 63 Nghị Định 122/2021/NĐ-CP) :
a) Không báo cáo tình hình kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện;
b) Thay đổi chủ hộ kinh doanh nhưng không gửi hồ sơ thông báo thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đã đăng ký;
c) Tạm ngừng kinh doanh, tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo nhưng không gửi thông báo bằng văn bản cho cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đã đăng ký;
d) Chuyển địa điểm kinh doanh nhưng không thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện;
đ) Chấm dứt hoạt động kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh mà không thông báo hoặc không nộp lại bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện;
e) Thay đổi ngành, nghề kinh doanh nhưng không gửi thông báo đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi hộ kinh doanh đặt trụ sở chính;
g) Hoạt động kinh doanh tại nhiều địa điểm nhưng không thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt trụ sở hộ kinh doanh, cơ quan thuế, cơ quan quản lý thị trường.
III.3. Xử phạt vi phạm hành chính một số hành vi về thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh
Căn cứ: Nghị định 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 Quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế và hóa đơn
- Vi phạm hành chính trong chậm thay đổi thông tin đăng kí thuế : Xem tại đây
- Vi phạm hành chính trong chậm nộp tờ khai thuế: Xem tại đây
Lưu ý: Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân, trừ mức phạt tiền đối với hành vi quy định tại Điều 16, Điều 17 và Điều 18 Nghị định 125/2020/NĐ-CP. Người nộp thuế là hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thì áp dụng mức phạt đối với cá nhân
Để biết thêm thông tin chi tiết vui lòng liên hệ với chúng tôi
Local Office Numbers: | |
Hotline/Zalo/Whatsapp: | +84 357 466 579 |
Email: | contact@dblegal.vn |
Bài viết liên quan:
- Thủ tục đăng ký/Thông báo website thương mại điện tử với Bộ Công Thương
- Thủ tục Đăng Ký Sàn Thương Mại Điện Tử tại Việt Nam
- Hiệp định về Dịch vụ trong khuôn khổ Hiệp định Thương Mại tự do Asean - Ấn Độ (AIFTA)
- Phạm Vi Nghề Nghiệp Của Luật Sư Việt Nam
- Đầu tư phát triển vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, thông tin và truyền thông, quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo tại Đà Nẵng
- Thành lập Khu Thương mại Tự do Đà Nẵng: Cánh Cửa Mở Rộng cho Đầu Tư
- Quy định về Thu hút Nhà đầu tư Chiến lược tại Thành phố Đà Nẵng
- Điều kiện, thủ tục thành lập Hội tại Việt Nam
- Các loại thuế đặc trưng mà doanh nghiệp tư nhân cần chú ý
- Doanh nghiệp tư nhân là gì? Trình tự thủ tục thành lập doanh nghiệp tư nhân