Mất giấy chứng sinh bản gốc, thủ tục xin cấp lại giấy chứng sinh bản gốc.
Mỗi cá nhân được sinh ra tại Việt Nam đều có giấy chứng sinh. Bởi lẽ đây là một loại giấy tờ chứng nhận sự ra đời của một người, nó là căn cứ để làm giấy khai sinh cho trẻ hoặc làm căn cứ để thực hiện các thủ tục hành chính khác. Nhưng nếu bị mất giấy chứng sinh bản gốc thì có thể xin cấp lại được hay không? Thủ tục xin cấp lại giấy chứng sinh được thực hiện như thế nào? Hãy cùng DB Legal tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Mục lục:
I. Cơ sở pháp lý
- Luật Hộ tịch năm 2014.
- Thông tư số 17/2012/TT-BYT ngày 24/10/2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định cấp và sử dụng giấy chứng sinh.
- Thông tư số 34/2015/TT-BYT ngày 27/10/2015 sửa đổi bổ sung Thông tư số 17/2012/TT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định cấp và sử dụng giấy chứng sinh.
II. Giấy chứng sinh là gì?
- Giấy chứng sinh là một loại giấy tờ quan trọng do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo quy định của pháp luật cấp để chứng thực, xác nhận sự ra đời của một con người.
- Giấy chứng sinh được sử dụng làm căn cứ để thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ hoặc thực hiện các thủ tục khác chẳng hạn như thủ tục hưởng chế độ bảo hiểm xã hội khi chưa kịp thực hiện thủ tục làm giấy khai sinh.
III. Xin cấp lại Giấy chứng sinh đã làm mất có được không?
Căn cứ theo Khoản 3 Điều 2 Thông tư 17/2012/TT-BYT, giấy chứng sinh là loại giấy tờ có thể được cấp lại. Theo đó, có hai trường hợp được cấp lại giấy chứng sinh là:
- Sau khi được cấp mà phát hiện có nhầm lẫn.
- Giấy chứng sinh bị mất, rách, nát sau khi được cấp.
Như vậy, nếu mất giấy chứng sinh, cha mẹ hoàn toàn có thể xin cấp lại giấy chứng sinh.
IV. Thủ tục xin cấp lại Giấy chứng sinh
1. Thẩm quyền cấp lại Giấy chứng sinh
Thẩm quyền cấp lại Giấy chứng sinh được quy định tại Khoản 1 Điều 2 Thông tư 17/2012/TT-BYT như sau:
a) Bệnh viện đa khoa có khoa sản; Bệnh viện chuyên khoa phụ sản, Bệnh viện sản - nhi;
b) Nhà hộ sinh;
c) Trạm y tế cấp xã;
d) Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hợp pháp khác được phép cung cấp dịch vụ đỡ đẻ.
Như vậy việc cấp lại Giấy chứng sinh không phải cơ quan nào cũng có thẩm quyền cấp mà phải cấp đúng cơ quan như bệnh viện sản - nhi nơi được sinh ra cấp, trạm y tế nơi được sinh ra cấp…để Giấy chứng sinh có giá trị theo đúng pháp luật.
2. Thủ tục xin cấp lại Giấy chứng sinh
2.1. Thủ tục xin cấp lại Giấy chứng sinh trong trường hợp đã cấp Giấy chứng sinh mà phát hiện có nhầm lẫn khi ghi chép Giấy chứng sinh
Thủ tục xin cấp lại Giấy chứng sinh trong trường hợp đã cấp mà phát hiện có nhầm lẫn khi ghi chép Giấy chứng sinh được quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 2 Thông tư 17/2012/TT-BYT, cụ thể như sau:
- Bước 1: Bố, mẹ hoặc người thân thích của trẻ phải làm Đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng sinh theo mẫu quy định tại Phụ lục 03 ban hành kèm theo Thông tư 17/2012/TT-BYT, kèm theo giấy tờ chứng minh nội dung nhầm lẫn gửi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi đã cấp Giấy chứng sinh cho trẻ lần đầu.
- Bước 2: Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được các giấy tờ hợp lệ, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm thu hồi Giấy chứng sinh có nhầm lẫn để hủy, đơn và giấy tờ chứng minh được lưu cùng với bản lưu cũ tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Giấy chứng sinh được cấp lại phải ghi rõ số, quyển số của Giấy chứng sinh cũ và đóng dấu “Cấp lại”.
+ Trong trường hợp cần phải xác minh, thì thời hạn xác minh không quá 03 ngày làm việc.
+ Giấy tờ chứng minh nội dung nhầm lẫn: đối với trường hợp nhầm lẫn về họ tên mẹ hoặc người nuôi dưỡng, năm sinh, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, số chứng minh nhân dân, dân tộc thì gửi kèm bản phô tô Giấy chứng minh nhân dân (mang theo bản chính để đối chiếu); đối với trường hợp nhầm lẫn về nơi đăng ký tạm trú thì kèm theo xác nhận của Công an khu vực về nơi đăng ký tạm trú.
- Bước 3: Trả Giấy chứng sinh cho gia đình trẻ tại cơ sở y tế.
2.2. Thủ tục xin cấp lại Giấy chứng sinh trong trường hợp bị mất, rách, nát
Thủ tục xin cấp lại Giấy chứng sinh bị mất, rách, nát được quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 2 Thông tư 17/2012/TT-BYT, cụ thể như sau:
- Bước 1: Bố, mẹ hoặc người thân thích của trẻ phải làm Đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng sinh theo mẫu quy định tại Phụ lục 03 ban hành kèm theo Thông tư 17/2012/TT-BYT. Đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng sinh có xác nhận của Tổ trưởng Tổ dân phố hoặc trưởng thôn về việc sinh và đang sinh sống tại địa bàn khu dân cư gửi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi đã cấp Giấy chứng sinh cho trẻ lần đầu.
- Bước 2: Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm cấp lại Giấy chứng sinh mới như trường hợp cấp Giấy chứng sinh có nhầm lẫn.
Trong trường hợp cần phải xác minh, thì thời hạn xác minh không được quá 03 ngày làm việc.
- Bước 3: Trả Giấy chứng sinh cho gia đình trẻ tại cơ sở y tế.
Trên đây là quy định của pháp luật về thủ tục xin cấp lại Giấy chứng sinh. Nếu khách hàng có thắc mắc cần giải đáp vui lòng liên hệ với chúng tôi theo thông tin phía dưới.
Công ty Luật TNHH MTV DB (DB Legal) là Công ty Luật Việt Nam cung cấp các dịch vụ pháp lý uy tín, chuyên nghiệp. Với đội ngũ nhân sự trách nhiệm, có chuyên môn cao, DB Legal là đối tác tin cậy cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp trong các vấn đề pháp lý tại Việt Nam.
Để biết thêm thông tin chi tiết vui lòng liên hệ với chúng tôi
Local Office Numbers: | |
Hotline/Zalo/Whatsapp: | +84 357 466 579 |
Email: | contact@dblegal.vn |
Bài viết liên quan:
- Thủ tục thành lập cơ sở giáo dục mầm non độc lập (Nhóm trẻ độc lập) tại Việt Nam
- Thủ Tục Thành Lập Trường Mầm Non tại Việt Nam
- Thủ tục đổi giấy phép lái xe hoặc bằng lái xe của nước ngoài tại Đà Nẵng
- Điều kiện kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô
- Thủ tục Đăng Ký Tổ chức Hội chợ, Triển lãm thương mại
- Thông báo Hoạt Động Khuyến Mại tại Việt Nam
- Thủ tục, điều kiện kinh doanh dịch vụ đại diện quyền sở hữu trí tuệ
- Mức phạt đối với trường hợp đỗ xe không đúng nơi quy định
- Điều kiện, trình tự thủ tục đăng ký tạm trú
- Mức phạt đối với người điều khiển phương tiện không mang theo giấy tờ xe