Banner

Tội đưa hối lộ

26/01/2024 | Hình sự

Hối lộ đã trở thành một vấn đề vô cùng nhức nhối trong xã hội ngày nay. Đưa hối lộ là loại tội phạm tham nhũng có liên quan trực tiếp đến hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức trong bộ máy Nhà nước, gây ảnh hưởng xấu đến trật tự pháp luật và pháp chế xã hội. Vậy mức phạt đối với hành vi đưa hối lộ được quy định như thế nào? Bài viết dưới đây DB Legal sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này.

I. Cơ sở pháp lý

- Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

- Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.

II. Đưa hối lộ là gì?

Đưa hối lộ là hành vi người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.

III. Yếu tố cấu thành tội đưa hối lộ

1. Chủ thể

Chủ thể của tội phạm là người từ đủ 16 tuổi trở lên có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự.

2. Khách thể

Hành vi phạm tội xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế nhà nước.

3. Mặt chủ quan

Người phạm tội thực hiện tội phạm với lỗi cố ý.

4. Mặt khách quan

- Là hành vi đưa của hối lộ dưới bất kỳ hình thức nào cho người có chức vụ, quyền hạn. Việc đưa của hối lộ có thể do người phạm tội chủ động đưa cho người có chức vụ, quyền hạn nhưng cũng có thể đưa của hối lộ theo gợi ý, đòi hỏi của người có chức vụ, quyền hạn.

- Việc đưa hối lộ có thể thực hiện một cách trực tiếp, nhưng cũng có thể thực hiện một cách gián tiếp (qua người môi giới).

- Thời điểm hoàn thành tội phạm này được tính từ thời điểm một bên chấp nhận đề nghị hoặc yêu cầu của bên kia. Trên thực tế có trường hợp bên đưa hối lộ không có thỏa thuận trước với người có chức vụ, quyền hạn nhưng thực hiện việc đưa của hối lộ đồng thời với việc đưa ra yêu cầu đối với người có chức vụ, quyền hạn và người đó đã chấp nhận (tức vừa nhận của hối lộ vừa chấp nhận đề nghị của người đưa hối lộ), thì thời điểm hoàn thành tội phạm này tính từ thời điểm người có chức vụ, quyền hạn chấp nhận đề nghị của bên đưa hối lộ, đây cũng đồng thời là thời điểm hoàn thành tội nhận hối lộ.

- Hậu quả của tội phạm này là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, nếu của hối lộ chưa đến 2 triệu đồng thì chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi gây hậu quả nghiêm trọng.

IV. Mức phạt đối với tội đưa hối lộ

1. Mức hình phạt đối với tội đưa hối lộ theo Bộ luật Hình sự

Căn cứ Điều 364 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội đưa hối lộ như sau:

* Khung 1:

Người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào sau đây để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

+ Tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

+ Lợi ích phi vật chất.

* Khung 2:

 Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

+ Có tổ chức;

+ Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

+ Dùng tài sản của Nhà nước để đưa hối lộ;

+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

+ Phạm tội 02 lần trở lên;

+ Của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

* Khung 3:

Phạm tội trong trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm.

* Khung 4:

Phạm tội trong trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

* Hình phạt bổ sung:

- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

- Người nào đưa hoặc sẽ đưa hối lộ cho công chức nước ngoài, công chức của tổ chức quốc tế công, người có chức vụ trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước cũng bị xử lý theo quy định tại Điều 364 Bộ luật Hình sự 2015.

- Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

2. Mức phạt hành chính đối với hành vi đưa hối lộ

Căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 21 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về hành vi đưa hối lộ người thi hành công vụ:

“3. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực chống người thi hành công vụ;

b) Gây thiệt hại về tài sản, phương tiện của cơ quan nhà nước, của người thi hành công vụ;

c) Đưa tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác hoặc lợi ích phi vật chất hối lộ cho người thi hành công vụ.”

Như vậy, người có hành vi đưa hối lộ có thể bị xử lý vi phạm hành chính là phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng.

Để biết thêm thông tin chi tiết vui lòng liên hệ với chúng tôi

Local Office Numbers:
Hotline/Zalo/Whatsapp: +84 357 466 579
Email: contact@dblegal.vn

Liên hệ

Địa chỉ 1: Tầng 3, Tòa nhà Indochina Riverside Tower, 74 Bạch Đằng, Quận Hải Châu, Thành phố Đà Nẵng, Việt Nam

Địa chỉ 2: 28 Thanh Lương 20, Phường Hòa Xuân, Quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng

Hotline 1: (+84) 357 466 579

Hotline 2: (+84) 985 271 242

Điện thoại: (+84) 236.366.4674

Email: contact@dblegal.vn