Banner

Lừa đảo chiếm đoạt tài sản - Vấn đề nhức nhối của xã hội hiện nay

15/05/2025 | Hình sự

Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng gia tăng với nhiều thủ đoạn tinh vi, phức tạp, gây thiệt hại nghiêm trọng cho cá nhân, tổ chức và toàn xã hội. Bài viết này sẽ làm rõ bản chất của tội phạm này, các quy định pháp luật liên quan, cùng với những vụ án và bản án tiêu biểu trong thực tiễn xét xử.

1. Lừa đảo là gì?

Lừa đảo là hành vi gian dối có chủ đích nhằm làm cho người khác hiểu sai bản chất sự việc, từ đó tự nguyện chuyển giao tài sản, quyền lợi hoặc thông tin cá nhân, dẫn đến hậu quả là người thực hiện hành vi chiếm đoạt được những lợi ích đó một cách bất hợp pháp. Lừa đảo có thể xảy ra trong nhiều bối cảnh như giao dịch dân sự, kinh doanh, tuyển dụng việc làm, đầu tư tài chính, thậm chí thông qua mạng xã hội hoặc qua điện thoại.

Bản chất của hành vi lừa đảo nằm ở việc tạo ra niềm tin giả khiến nạn nhân bị thuyết phục, mất cảnh giác, dẫn đến việc tự nguyện trao tài sản mà không nhận thức được mình đang bị lừa.

2. Thế nào là lừa đảo chiếm đoạt tài sản?

Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là một hình thức cụ thể của hành vi lừa đảo, trong đó đối tượng sử dụng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác một cách trái pháp luật. Khác với các loại chiếm đoạt tài sản bằng vũ lực (như cướp hoặc trộm), hành vi lừa đảo thường không có sự ép buộc trực tiếp, mà dựa trên sự gian dối để nạn nhân tự nguyện giao tài sản.Ví dụ: Một người giả danh là Nhân viên của một công ty kinh doanh hàng hóa gọi điện thông báo khách hàng trúng thưởng và yêu cầu nạn nhân chuyển "phí nhận thưởng", sau đó chiếm đoạt số tiền đó. Đây là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cần phân biệt sự khác nhau giữa tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” với tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”:

- Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là: Ý định chiếm đoạt tài sản nảy sinh sau khi nhận được tài sản từ người khác. Ví dụ A mượn xe của B để đi có việc, nhưng sau khi mượn được xe rồi, A nảy sinh lòng tham và đem xe của B đi bán lấy tiền rồi bỏ trốn.

- Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là: Ý định chiếm đoạt tài sản nảy sinh trước khi nhận được tài sản từ người khác. Ví dụ A có ý định chiếm đoạt chiếc xe máy của B, nhưng A nói dối với B là cần có việc gấp nên mượn xe đi xong việc sẽ trả xe ngay. Khi mượn được xe A đem xe đi bán lấy tiền rồi bỏ trốn.

3. Những quy định của pháp luật về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định cụ thể tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Theo đó, người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 triệu đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản, hoặc từng bị kết án về tội này, hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại.

Các mức hình phạt của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản bao gồm:

- Cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 3 năm (Khoản 1 Điều 174 BLHS);

- Phạt tù từ 02 năm đến 07 năm  (Khoản 2 Điều 174 BLHS);

- Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm (Khoản 3 Điều 174 BLHS);

- Phạt tù Từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân nếu chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500 triệu đồng trở lên (Khoản 4 Điều 174 BLHS).

Ngoài hình phạt tù, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản (Khoản 5 Điều 174 BLHS). Đồng thời còn bị buộc bồi thường thiệt hại cho nạn nhân.

4. Một số vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra trong thời gian gần đây:

- Ngày 20/10/2024, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công An tỉnh Bắc Kạn đã ra Quyết định tạm giữ đối với Nguyễn Văn Hậu (sinh năm 1992) và Nguyễn Tiến Nam ( sinh năm 1993). Hậu và Nam giả danh cán bộ Công an, lừa đảo chiếm đoạt của bị hại 1 tỷ đồng.

- Ngày 20/02/2025,Công an thành phố Hà Nội đã khởi tố 11 đối tượng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thu giữ và phong tỏa 19 bất động sản, 19 ô tô và tiền trong tài khoản khoảng 35 tỷ đồng. Tổng giá trị các tài sản đã thu giữ và phong tỏa trong đường dây lừa đảo núp bóng chuyên gia tài chính, kinh doanh tiền ảo này là khoảng 500 tỷ đồng.

- Ngày 20/3/2025, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công An tỉnh Nghệ An đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Quang Chinh (sinh năm 2001), trú tại xã Gia Hanh,, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nguyễn Quang Chinh lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng cách sử dụng ứng dụng trên điện thoại tạo phiếu thanh toán chuyển tiền giả với số tiền 10 triệu đồng từ một tài khoản khác đến tài khoản của chị C và đưa cho chị C xem. Sau đó, Chinh yêu cầu chị C chuyển số tiền nói trên lại cho Chinh.. Toàn bộ số tiền trên Chinh sử dụng để tiêu xài.

5. Một số bản án hình sự cụ thể về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản:

- Bản án số 02/2024/HS-ST ngày 09/01/2024 củaTòa án nhân dân thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên xử phạt bị cáo Hoàng Thị Hồng T 12 năm 06 tháng tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài san;

- Bản án số 104/2024/HS-ST ngày 13/6/2024 của Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa. Tòa án xử phạt bị cáo Nguyễn Đăng L 12 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản;

-  Bản án số 13/2024/HS-ST ngày 20/3/2024 của Tòa án nhân dân huyện Ngọc Hồi,  tỉnh Kon Tum. Tòa án xử phạt bị cáo Lê Thanh H 12 tháng cải tạo không giam giữ.

Những bản án trên là lời cảnh tỉnh nghiêm khắc đối với các đối tượng đang có ý định thực hiện hành vi tương tự.

6. Kết luận

Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản là mối đe dọa ngày càng lớn đối với đời sống xã hội. Dù không sử dụng vũ lực, nhưng hậu quả của hành vi này là vô cùng nghiêm trọng, gây thiệt hại cả về vật chất lẫn tinh thần cho người bị hại. Trước sự gia tăng của loại tội phạm này, pháp luật Việt Nam đã có những quy định nghiêm minh, thể hiện sự quyết tâm trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân và giữ gìn kỷ cương phép nước, trật tự, an toàn xã hội.

Tuy nhiên, pháp luật chỉ phát huy hiệu quả khi mỗi cá nhân trong cộng đồng nâng cao nhận thức, chủ động phòng ngừa, không dễ dàng tin tưởng các lời mời gọi, thông tin không rõ ràng. Đồng thời, cần tố giác kịp thời những hành vi nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo để góp phần bảo vệ bản thân và cộng đồng.

Xem thêm về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại đây.

Thông tin có trong bài viết này mang tính chất chung và chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin về quy định pháp luật. DB Legal sẽ không chịu trách nhiệm cho bất kỳ việc sử dụng hoặc áp dụng thông tin cho bất kỳ mục đích kinh doanh nào. Để có tư vấn pháp lý chuyên sâu, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi.

For more information: 

📞: +84 357 466 579

📧: contact@dblegal.vn

🌐Facebook:  DB Legal Vietnamese Fanpage or DB Legal English Fanpage 

🐦X(Twitter)

💼Linkedin

🎬Youtube

 

Liên hệ

Địa chỉ 1: Tầng 3, Tòa nhà Indochina Riverside Tower, 74 Bạch Đằng, Quận Hải Châu, Thành phố Đà Nẵng, Việt Nam

Địa chỉ 2: 28 Thanh Lương 20, Phường Hòa Xuân, Quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng

Hotline 1: (+84) 357 466 579

Hotline 2: (+84) 985 271 242

Điện thoại: (+84) 236.366.4674

Email: contact@dblegal.vn

zalo
facebook