Thủ tục đăng ký/Thông báo website thương mại điện tử với Bộ Công Thương
Hoạt động thương mại điện tử là việc tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động thương mại bằng phương tiện điện tử có kết nối với mạng Internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác. Còn Dịch vụ thương mại điện tử là hoạt động thương mại điện tử theo đó thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử thiết lập website thương mại điện tử để cung cấp môi trường cho thương nhân, tổ chức, cá nhân khác tiến hành hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ.
Mục lục:
- I. Các hình thức tổ chức hoạt động thương mại điện tử
- II. Trách nhiệm của thương nhân, tổ chức, cá nhân sở hữu website thương mại điện tử bán hàng
- III. Điều kiện thiết lập website thương mại điện tử bán hàng
- IV. Thủ tục thông báo thiết lập website thương mại điện tử bán hàng
- V. Trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử
- VI. Trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ khuyến mại trực tuyến
- VII. Trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ đấu giá trực tuyến
- VIII. Điều kiện thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử
- IX. Thủ tục đăng ký thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử
I. Các hình thức tổ chức hoạt động thương mại điện tử
1.Website thương mại điện tử bán hàng là website thương mại điện tử do các thương nhân, tổ chức, cá nhân thiết lập để phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ của mình.
2. Website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử là website thương mại điện tử do thương nhân, tổ chức thiết lập để cung cấp môi trường cho các thương nhân, tổ chức, cá nhân khác tiến hành hoạt động thương mại. Website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử bao gồm các loại sau:
a) Sàn giao dịch thương mại điện tử;
b) Website đấu giá trực tuyến;
c) Website khuyến mại trực tuyến;
d) Các loại website khác do Bộ Công Thương quy định.
3. Với các ứng dụng cài đặt trên thiết bị điện tử có nối mạng cho phép người dùng truy cập vào cơ sở dữ liệu của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác để mua bán hàng hóa, cung ứng hoặc sử dụng dịch vụ, tùy theo tính năng của ứng dụng đó mà thương nhân, tổ chức phải tuân thủ các quy định về website thương mại điện tử bán hàng hoặc website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử
II. Trách nhiệm của thương nhân, tổ chức, cá nhân sở hữu website thương mại điện tử bán hàng
1.Thông báo với Bộ Công Thương về việc thiết lập website thương mại điện tử bán hàng theo quy định nếu website có chức năng đặt hàng trực tuyến.
2. Thực hiện đầy đủ việc cung cấp thông tin trên website theo các quy định tại Mục này và chịu trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ của thông tin.
3. Tuân thủ các quy định về bảo vệ thông tin cá nhân của khách hàng quy định tại Mục 1 Chương V Nghị định 52/2013/NĐ-CP và các văn bản sửa đổi bổ sung.
4. Thực hiện các quy định, tại Mục 2 Chương II Nghị định 52/2013/NĐ-CP và các văn bản sửa đổi bổ sung nếu website có chức năng đặt hàng trực tuyến.
5. Thực hiện các quy định tại Mục 2 Chương V Nghị định 52/2013/NĐ-CP và các văn bản sửa đổi bổ sung nếu website có chức năng thanh toán trực tuyến.
6. Cung cấp thông tin về tình hình kinh doanh của mình khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ hoạt động thống kê thương mại điện tử, hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong thương mại điện tử.
7.Lưu trữ thông tin về các giao dịch được thực hiện qua website theo quy định của pháp luật về kế toán; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật.
III. Điều kiện thiết lập website thương mại điện tử bán hàng
Các thương nhân, tổ chức, cá nhân được thiết lập website thương mại điện tử bán hàng nếu đáp ứng các điều kiện sau:
1.Là thương nhân, tổ chức hoặc cá nhân đã được cấp mã số thuế cá nhân.
2. Đã thông báo với Bộ Công Thương về việc thiết lập website thương mại điện tử bán hàng theo quy định tại Điều 53 Nghị định này.
IV. Thủ tục thông báo thiết lập website thương mại điện tử bán hàng
1.Thương nhân, tổ chức, cá nhân tiến hành thông báo trực tuyến với Bộ Công Thương về việc thiết lập website thương mại điện tử bán hàng thông qua Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử trước khi chính thức bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ đến người dùng.
2. Thông tin phải thông báo bao gồm:
a) Tên miền của website thương mại điện tử;
b) Loại hàng hóa, dịch vụ giới thiệu trên website;
c) Tên đăng ký của thương nhân, tổ chức hoặc tên của cá nhân sở hữu website;
d) Địa chỉ trụ sở của thương nhân, tổ chức hoặc địa chỉ thường trú của cá nhân;
đ) Số, ngày cấp và nơi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của thương nhân, hoặc số, ngày cấp và đơn vị cấp quyết định thành lập của tổ chức; hoặc mã số thuế cá nhân của cá nhân;
e) Tên, chức danh, số chứng minh nhân dân, số điện thoại và địa chỉ thư điện tử của người đại diện thương nhân, người chịu trách nhiệm đối với website thương mại điện tử;
g) Các thông tin khác theo quy định của Bộ Công Thương.
V. Trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử
1. Đăng ký thiết lập website cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử theo quy định tại Mục 2 Chương IV Nghị định 52/2013/NĐ-CP và các văn bản sửa đổi bổ sung và công bố các thông tin về người sở hữu website theo quy định tại Điều 29 Nghị định này trên trang chủ website.
2. Xây dựng và công bố công khai trên website quy chế hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử theo quy định tại Điều 38 Nghị định 52/2013/NĐ-CP và các văn bản sửa đổi bổ sung; theo dõi và bảo đảm việc thực hiện quy chế đó trên sàn giao dịch thương mại điện tử.
3.Yêu cầu người bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử cung cấp thông tin theo quy định tại Điều 29 Nghị định 52/2013/NĐ-CP và các văn bản sửa đổi bổ sung khi đăng ký sử dụng dịch vụ. Với người bán nước ngoài, các tên riêng được phiên âm tiếng Việt hoặc thể hiện bằng ký tự La tinh.
4. Có cơ chế kiểm tra, giám sát để đảm bảo việc cung cấp thông tin của người bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử được thực hiện chính xác, đầy đủ.
5. Lưu trữ thông tin đăng ký của các thương nhân, tổ chức, cá nhân tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử và thường xuyên cập nhật những thông tin thay đổi, bổ sung có liên quan.
6. Thiết lập cơ chế cho phép thương nhân, tổ chức, cá nhân tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử thực hiện được quy trình giao kết hợp đồng theo quy định tại Mục 2 Chương II Nghị định này nếu website có chức năng đặt hàng trực tuyến.
7. Áp dụng các biện pháp cần thiết để đảm bảo an toàn thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh của thương nhân, tổ chức, cá nhân và thông tin cá nhân của người tiêu dùng.
8.Có biện pháp xử lý kịp thời khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh về hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật trên sàn giao dịch thương mại điện tử:
a) Ngăn chặn và loại bỏ khỏi website những thông tin mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật;
b) Gỡ bỏ thông tin về hàng hóa, dịch vụ vi phạm pháp luật trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;
c) Phối hợp với các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ rà soát và gỡ bỏ các sản phẩm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy trình, thủ tục công bố tại Quy chế hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử;
d) Cảnh cáo hoặc từ chối cung cấp dịch vụ có thời hạn hoặc vĩnh viễn đối với những cá nhân, thương nhân, tổ chức có hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật;
đ) Các biện pháp khác theo Quy chế hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử.
9.Hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước điều tra, xử lý các hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật và giải quyết tranh chấp, khiếu nại.
a) Cung cấp thông tin về đối tượng có dấu hiệu, hành vi vi phạm pháp luật trên sàn giao dịch thương mại điện tử cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khi phát hiện hoặc nhận được các thông tin nêu trên;
b) Thường xuyên cập nhật từ khóa theo khuyến cáo từ cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và lọc thông tin theo từ khóa trước khi thông tin về hàng hóa, dịch vụ hiển thị trên website;
c) Tiếp nhận, phản hồi thông tin để giải quyết khiếu nại, phản ánh và tranh chấp liên quan đến sàn giao dịch thương mại điện tử tại Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử của Bộ Công Thương tại địa chỉ online.gov.vn.
10. Công bố công khai cơ chế giải quyết các tranh chấp phát sinh trong quá trình giao dịch trên sàn giao dịch thương mại điện tử. Khi khách hàng trên sàn giao dịch thương mại điện tử phát sinh mâu thuẫn với người bán hoặc bị tổn hại lợi ích hợp pháp, phải cung cấp cho khách hàng thông tin về người bán, tích cực hỗ trợ khách hàng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
11.Đối với những sàn giao dịch thương mại điện tử có chức năng đặt hàng trực tuyến, ngoài các nghĩa vụ trên, thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử có trách nhiệm:
a) Chỉ định đầu mối tiếp nhận yêu cầu và cung cấp thông tin trực tuyến cho cơ quan quản lý nhà nước về các đối tượng có dấu hiệu vi phạm pháp luật; đầu mối này sẽ cung cấp thông tin trong vòng 24 giờ kể từ thời điểm tiếp nhận yêu cầu để kịp thời phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo;
b) Đại diện cho người bán nước ngoài trên sàn giao dịch thương mại điện tử giải quyết các khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến hàng hóa, dịch vụ do thương nhân nước ngoài cung cấp và có trách nhiệm thông báo nghĩa vụ thuế của người bán nước ngoài khi tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử theo quy định của pháp luật Việt Nam;
c) Là đầu mối tiếp nhận và giải quyết các khiếu nại của người tiêu dùng trong trường hợp một giao dịch thực hiện trên sàn giao dịch thương mại điện tử có nhiều hơn 02 bên tham gia;
d) Lưu trữ thông tin về các giao dịch đặt hàng được thực hiện trên sàn giao dịch thương mại điện tử theo quy định của pháp luật về kế toán;
đ) Liên đới bồi thường thiệt hại trong trường hợp vi phạm nghĩa vụ quy định tại các khoản 8, khoản 9 Điều này mà gây thiệt hại.
VI. Trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ khuyến mại trực tuyến
1. Đăng ký thiết lập website cung cấp dịch vụ khuyến mại trực tuyến theo quy định tại Mục 2 Chương IV Nghị định 52/2013/NĐ-CP và các văn bản sửa đổi bổ sung.
2. Tuân thủ các quy định của Luật thương mại và các quy định pháp luật có liên quan về hoạt động khuyến mại.
3. Tuân thủ các quy định về bảo vệ thông tin cá nhân của khách hàng quy định tại Mục 1 Chương V Nghị định 52/2013/NĐ-CP và các văn bản sửa đổi bổ sung.
4. Thực hiện các quy định tại Mục 2 Chương II Nghị định 52/2013/NĐ-CP và các văn bản sửa đổi bổ sung nếu website có chức năng đặt hàng trực tuyến cho các phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ hoặc thẻ khách hàng thường xuyên.
5. Thực hiện các quy định tại Mục 2 Chương V Nghị định 52/2013/NĐ-CP và các văn bản sửa đổi bổ sung nếu website có chức năng thanh toán trực tuyến.
6. Công bố đầy đủ các nội dung quy định tại Điều 40 Nghị định 52/2013/NĐ-CP và các văn bản sửa đổi bổ sung trong từng thông tin khuyến mại đăng tải trên website của mình.
7. Xây dựng và công bố trên website quy chế hoạt động tuân thủ các quy định tại Điều 38 Nghị định 52/2013/NĐ-CP và các văn bản sửa đổi bổ sung.
8. Xây dựng và công bố trên website cơ chế tiếp nhận, giải quyết các khiếu nại của khách hàng về chất lượng hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại hoặc hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại.
9. Chịu trách nhiệm của bên thứ ba trong việc cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng theo quy định của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
10. Bồi thường cho khách hàng nếu phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ hoặc thẻ khách hàng thường xuyên do mình phát hành bị đối tác từ chối trái với các điều kiện đã công bố trên website hoặc trên chính phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ, thẻ khách hàng thường xuyên đó.
VII. Trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ đấu giá trực tuyến
1. Đăng ký website đấu giá trực tuyến theo quy định tại Mục 2 Chương IV Nghị định 52/2013/NĐ-CP và các văn bản sửa đổi bổ sung.
2. Thực hiện các trách nhiệm quy định tại Điều 36 Nghị định 52/2013/NĐ-CP và các văn bản sửa đổi bổ sung.
3. Ấn định phương thức và trình tự đấu giá trực tuyến.
4. Xây dựng hệ thống kỹ thuật phục vụ hoạt động đấu giá trực tuyến để người bán hàng có thể tổ chức đấu giá theo phương thức và trình tự đã ấn định.
5. Cung cấp công cụ trực tuyến để người bán hàng có thể thông báo, niêm yết công khai, đầy đủ, chính xác các thông tin cần thiết có liên quan đến hàng hóa đấu giá.
6. Cung cấp công cụ trực tuyến để người bán hàng có thể đăng tải hình ảnh về hàng hóa, mẫu hàng hóa hoặc tài liệu giới thiệu về hàng hóa cho người tham gia đấu giá xem xét.
7. Cung cấp cho người bán hàng thông tin về diễn biến cuộc đấu giá mà người bán hàng tổ chức khi có yêu cầu.
8. Lập thông báo kết quả đấu giá và gửi đến người bán hàng, người mua hàng và các bên có liên quan theo quy định tại Điều 51 Nghị định này.
9. Chịu trách nhiệm trong trường hợp lỗi của hệ thống kỹ thuật khiến cuộc đấu giá không thực hiện được:
a) Nếu lỗi của hệ thống kỹ thuật khiến cuộc đấu giá không bắt đầu được vào thời điểm người bán dự định tổ chức đấu giá, người cung cấp dịch vụ đấu giá trực tuyến phải hoàn trả cho người bán mọi chi phí liên quan đến việc tổ chức đấu giá mà người bán đã thanh toán cho người cung cấp dịch vụ đấu giá trực tuyến;
b) Nếu lỗi của hệ thống kỹ thuật khiến người tham gia đấu giá không tiếp tục trả giá được sau khi cuộc đấu giá bắt đầu, thì người cung cấp dịch vụ đấu giá trực tuyến phải hủy kết quả đấu giá và cho phép người bán tổ chức đấu giá lại, đồng thời chịu mọi chi phí liên quan đến việc tổ chức đấu giá lại này.
VIII. Điều kiện thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử
Thương nhân, tổ chức được thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử quy định tại Mục 2, 3 và 4 Chương III Nghị định 52/2013/NĐ-CP và các văn bản sửa đổi bổ sung khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
1.Là thương nhân, tổ chức được thành lập theo quy định của pháp luật.
2. Có đề án cung cấp dịch vụ trong đó nêu rõ các nội dung sau:
a)Mô hình tổ chức hoạt động, bao gồm hoạt động cung cấp dịch vụ, hoạt động xúc tiến, tiếp thị dịch vụ cả trong và ngoài môi trường trực tuyến; hoạt động logistics đối với hàng hóa.
b) Phân định quyền và trách nhiệm giữa thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử với các bên sử dụng dịch vụ.
3. Đã đăng ký thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử và được Bộ Công Thương xác nhận đăng ký theo quy định tại Điều 55 và 58 Nghị định này.
IX. Thủ tục đăng ký thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử
1. Thương nhân, tổ chức tiến hành đăng ký trực tuyến với Bộ Công Thương về việc thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử sau khi website đã được hoàn thiện với đầy đủ cấu trúc, tính năng và thông tin theo đề án cung cấp dịch vụ, đã hoạt động tại địa chỉ tên miền được đăng ký và trước khi chính thức cung cấp dịch vụ đến người dùng.
2. Hồ sơ đăng ký bao gồm:
a) Đơn đăng ký thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử;
b)Bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao xuất trình kèm bản chính để đối chiếu quyết định thành lập (đối với tổ chức); bản sao điện tử từ sổ gốc hoặc chứng thực bản sao điện tử từ bản chính; giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký doanh nghiệp (đối với thương nhân), giấy phép kinh doanh (đối với nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài);
c) Đề án cung cấp dịch vụ theo quy định tại khoản 3 Điều 54 Nghị định này;
d) Quy chế quản lý hoạt động của website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tuân thủ các quy định tại Nghị định này và các quy định của pháp luật có liên quan;
đ) Mẫu hợp đồng cung cấp dịch vụ, các điều kiện giao dịch chung, nếu có;
e) Các tài liệu khác do Bộ Công Thương quy định.
Thông tin có trong bài viết này mang tính chất chung và chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin về quy định pháp luật. DB Legal sẽ không chịu trách nhiệm cho bất kỳ việc sử dụng hoặc áp dụng thông tin cho bất kỳ mục đích kinh doanh nào. Để có tư vấn chuyên sâu cho dịch vụ, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi.
Local Office Numbers: | |
Hotline/Zalo/Whatsapp: | +84 357 466 579 |
Email: | contact@dblegal.vn |
Bài viết liên quan:
- Thủ tục thành lập công ty du lịch lữ hành tại Việt Nam
- Thủ tục Đăng Ký Sàn Thương Mại Điện Tử tại Việt Nam
- Hiệp định về Dịch vụ trong khuôn khổ Hiệp định Thương Mại tự do Asean - Ấn Độ (AIFTA)
- Phạm Vi Nghề Nghiệp Của Luật Sư Việt Nam
- Đầu tư phát triển vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, thông tin và truyền thông, quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo tại Đà Nẵng
- Thành lập Khu Thương mại Tự do Đà Nẵng: Cánh Cửa Mở Rộng cho Đầu Tư
- Quy định về Thu hút Nhà đầu tư Chiến lược tại Thành phố Đà Nẵng
- Điều kiện, thủ tục thành lập Hội tại Việt Nam
- Các loại thuế đặc trưng mà doanh nghiệp tư nhân cần chú ý
- Doanh nghiệp tư nhân là gì? Trình tự thủ tục thành lập doanh nghiệp tư nhân