Tổng hợp 10 bản án lao động về tranh chấp liên quan đến việc làm, tiền lương của Tòa án cấp phúc thẩm
Thống kê 10 bản án lao động về tranh chấp liên quan đến việc làm, tiền lương của Tòa án cấp phúc thẩm
Mục lục:
- 1. Bản án số 22/2018/LĐ-PT ngày 21/11/2018 của TAND TP. Hà Nội về tranh chấp về quyền, lợi ích liên quan đến việc làm, tiền lương.
- *Nội dung bản án:
- *Tòa án nhân dân cấp sơ thẩm tuyên:
- *Tòa án nhân dân cấp phúc thẩm nhận định:
- *Tòa án nhân dân cấp phúc thẩm tuyên:
- 2. Bản án số 18/2018/LĐPT ngày 12/11/2018 của TAND TP. Hà Nội về tranh chấp về quyền, lợi ích liên quan đến việc làm, tiền lương.
- *Nội dung bản án:
- *Tòa án nhân dân cấp sơ thẩm tuyên:
- *Tòa án nhân dân cấp phúc thẩm nhận định:
- *Tòa án nhân dân cấp phúc phẩm tuyên:
- 3. Bản án số 710/2021/LĐ-PT ngày 20/12/2021 của TAND TP. Hồ Chí Minh về tranh chấp về quyền, lợi ích liên quan đến việc làm, tiền lương.
- *Nội dung bản án:
- *Tòa án nhân dân cấp sơ thẩm tuyên:
- *Tòa án nhân dân cấp phúc thẩm nhận định:
- *Tòa án nhân dân cấp phúc thẩm tuyên:
- 4. Bản án số 573/2020/LĐ-PT ngày 24/06/2020 của TAND TP. Hồ Chí Minh về tranh chấp về quyền, lợi ích liên quan đến việc làm, tiền lương.
- *Nội dung bản án:
- *Tòa án nhân dân cấp sơ thẩm tuyên:
- *Tòa án nhân dân cấp phúc thẩm nhận định:
- *Tòa án nhân dân cấp phúc thẩm tuyên:
- 5. Bản án số 216/2020/LĐ-PT ngày 07/04/2020 của TAND TP. Hồ Chí Minh về tranh chấp về quyền, lợi ích liên quan đến việc làm, tiền lương.
- *Nội dung bản án:
- *Tòa án nhân dân cấp sơ thẩm tuyên:
- *Tòa án nhân dân cấp phúc thẩm nhận định:
- *Tòa án nhân dân cấp phúc thẩm tuyên:
- 6. Bản án số 1143/2020/LĐ-PT ngày 29/12/2020 của TAND TP. Hồ Chí Minh về tranh chấp về quyền, lợi ích liên quan đến việc làm, tiền lương.
- *Nội dung bản án:
- *Tòa án nhân dân cấp sơ thẩm tuyên:
- *Tòa án nhân dân cấp phúc thẩm nhận định:
- *Tòa án nhân dân cấp phúc thẩm tuyên:
- 7. Bản án số 01/2023/LĐPT ngày 31/03/2023 của TAND tỉnh Bắc Ninh về tranh chấp về quyền, lợi ích liên quan đến việc làm, tiền lương.
- *Nội dung bản án:
- *Tòa án nhân dân cấp sơ thẩm tuyên:
- *Tòa án nhân nhân cấp phúc thẩm nhận định:
- *Tòa án nhân dân cấp phúc thẩm tuyên:
- 8. Bản án số 04 ngày 23/01/2019 của TAND tỉnh Lâm Đồng về chấp về quyền, lợi ích liên quan đến việc làm, tiền lương.
- *Nội dung bản án:
- *Tòa án nhân dân cấp sơ thẩm tuyên:
- *Tòa án nhân dân cấp phúc thẩm nhận định:
- *Tòa án nhân dân cấp phúc thẩm tuyên:
- 9. Bản án số 03/2018/LĐ-PT ngày 09/10/2018 của TAND tỉnh Lâm Đồng về tranh chấp về quyền, lợi ích liên quan đến việc làm, tiền lương.
- *Nội dung bản án:
- *Tòa án nhân dân cấp sơ thẩm tuyên:
- *Tòa án nhân dân cấp phúc thẩm nhận định:
- *Tòa án nhân dân cấp phúc thẩm tuyên:
- 10. Bản án số 06 ngày 02/11/2022 của TAND tỉnh Tây Ninh về tranh chấp về quyền, lợi ích liên quan đến việc làm, tiền lương.
1. Bản án số 22/2018/LĐ-PT ngày 21/11/2018 của TAND TP. Hà Nội về tranh chấp về quyền, lợi ích liên quan đến việc làm, tiền lương.
*Nội dung bản án:
Anh Nguyễn Đức Khánh vào làm việc tại Viện nghiên cứu thiết kế chế tạo máy nông nghiệp từ ngày 10/10/2000 trên cơ sở HĐLĐ không xác định thời hạn. Quá trình vào làm việc tại Viện anh luôn chấp hành đúng quy định của Viện. Từ ngày 01/01/2016 cho đến hết ngày 31/12/2016 anh vẫn đi làm bình thường nhưng không được Viện trả lương mà không có lý do gì. Anh đã nhiều lần có đơn gửi đến Viện trưởng nhưng không được trả lời. Nay anh khởi kiện yêu cầu Viện phải trả lương cho anh thời gian một năm với số tiền là 57.384.800 đồng.
*Tòa án nhân dân cấp sơ thẩm tuyên:
- Chấp nhận đơn khởi kiện của anh Nguyễn Đức Khánh đối với Viện nghiên cứu thiết kế chế tạo máy nông nghiệp.
- Buộc Viện nghiên cứu thiết kế chế tạo máy nông nghiệp phải có trách nhiệm thanh toán trả anh Nguyễn Đức Khánh 01 năm tiền lương (từ 01/01/2016 đến hết ngày 31/12/2016) của năm 2016 là 57.384.800 đồng.
Không đồng ý với quyết định của bản án sơ thẩm, Viện nghiên cứu thiết kế chế tạo máy nông nghiệp kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.
*Tòa án nhân dân cấp phúc thẩm nhận định:
Từ tháng 9/2003 cho đến tháng 12/2016 anh Khánh là cán bộ chuyên trách của Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng cơ bản với vị trí Phó trưởng ban rồi Trưởng ban. Năm 2016 anh Khánh được Viện giao làm trưởng ban quản lý dự án. Theo cung cấp của Viện thì: Quá trình thực hiện nhiệm vụ anh Khánh không hoàn thành nhiệm vụ căn cứ vào kết luận Thanh tra số 8222/KL-BCT ngày 05/9/2016 của Bộ Công Thương. Cuối năm 2016 bình xét thi đua anh Khánh không hoàn thành nhiệm vụ. Việc chi trả lương cho cán bộ công nhân viên phụ thuộc vào quỹ lương có từ hoạt động sản xuất kinh doanh và mức độ hoàn thành nhiệm vụ và căn cứ vào quy chế chi tiêu nội bộ của Viện. Tiền lương năm 2016 của anh Khánh đã được Viện duyệt chi nhưng theo kết luận Thanh tra số 8222/KL-BCT ngày 05/9/2016 của Bộ Công Thương thì “ không duyệt chi cho Ban quản lý dự án năm 2016 với số tiền 112.600.000 đồng”. Theo Công văn số 4600/BCT-TTB ngày 11/6/2018 thì Bộ Công Thương xác định Viện không đủ nhân lực và chuyên môn để thành lập ban quản lý dự án nên không duyệt chi số tiền 112.600.000 đồng cho Ban quản lý dự án. Chính vì vậy Viện không trả lương năm 2016 cho anh Khánh. Như vậy trong năm 2016 anh Khánh vẫn làm việc tại Viện, tuy nhiên Viện lấy lý do anh Khánh không hoàn thành nhiệm vụ và lý do Viện không đủ nhân lực chuyên môn để thành lập Ban quản lý dự án để không chi trả lương cho anh Khánh.
Đối với lý do thứ nhất: Về việc không hoàn thành nhiệm vụ theo quy định của pháp luật lao động cũng như các điều khoản của HĐLĐ giữa hai bên thì người lao động có làm việc cho Viện, Viện phải có trách nhiệm trả lương. Nếu người lao động không hoàn thành nhiệm vụ Viện phải có bình xét hàng tháng, phân loại để làm căn cứ trả lương cho người lao động theo kết quả hoàn thành công việc thì mới đúng. Trong trường hợp này Viện lại căn cứ vào kết luận Thanh Tra của Bộ Công Thương để khẳng định anh Khánh không hoàn thành nhiệm vụ, từ đó không thanh toán cho anh Khánh toàn bộ tiền lương của năm 2016 là không đúng.
Đối với lý do thứ hai: Viện không đủ nhân lực chuyên môn để thành lập Ban quản lý dự án đây là trách nhiệm của Viện không phải là trách nhiệm của người lao động. Do vậy không thể lấy lý do này để không chi trả lương cho người lao động
*Tòa án nhân dân cấp phúc thẩm tuyên:
- Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của Viện nghiên cứu thiết kế chế tạo máy nông nghiệp.
- Giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm số 01/2018/LĐ-ST ngày 27/7/2018 của Tòa án nhân dân quận Hà Đông và xử như sau: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh Nguyễn Đức Khánh đối với Viện nghiên cứu thiết kế chế tạo máy nông nghiệp về việc đòi tiền lương năm 2016.
- Buộc Viện nghiên cứu thiết kế chế tạo máy nông nghiệp phải thanh toán trả cho anh Nguyễn Đức Khánh tiền lương năm 2016 với số tiền là 57.384.800 đồng.
2. Bản án số 18/2018/LĐPT ngày 12/11/2018 của TAND TP. Hà Nội về tranh chấp về quyền, lợi ích liên quan đến việc làm, tiền lương.
*Nội dung bản án:
Ông NNT ký hợp đồng và làm việc tại Công ty cổ phần công nghệ thông tin HN (sau đây viết tắt là Công ty HN) từ năm 2008. Ngày 01-5-2011 ông NNT và Công ty HN ký Hợp đồng số 01-2011/HĐLĐ (sau đây viết tắt là Hợp đồng số 01-2011/HĐLĐ) thể hiện mối quan hệ lao động giữa hai bên với nội dung cơ bản như:
- Loại hợp đồng lao động: Không xác định thời hạn, tính từ ngày 01-5-2011.
- Vị trí và việc làm: Phòng Bảo hành và hỗ trợ khách hàng, Công ty cổ phần công nghệ thông tin HN.
- Chức danh chuyên môn: Kỹ sư.
- Chức vụ: Phó phòng kiêm phụ trách Phòng Bảo hành và hỗ trợ khách hàng.
- Công việc phải làm: Theo sự phân công của Ban Giám đốc, theo quy định chức năng, nhiệm vụ của Phòng Bảo hành và hỗ trợ khách hàng tuân thủ và thực hiện đúng các quy trình, hướng dẫn và các biểu mẫu của Công ty và thực hiện các công việc khác khi được phân công.
- Về tiền lương: Hệ số lương: 5.6. Bậc 5/6. Phụ cấp 0.5.
- Chế độ nghỉ phép theo quy định của Công ty và pháp luật lao động.
Tại thời điểm tháng 6-2017, tiền lương trung bình của ông NNT là 7.840.000 đồng/tháng. Nếu không nghỉ phép thì một ngày phép được hưởng là 303.077 đồng, bằng một ngày công theo lương cơ bản. Tiền nghỉ phép năm: 13 ngày/năm, tương đương với 3.939.000 đồng theo quy đổi một ngày phép tương đương với một ngày công lao động sau khi trừ tiền ăn trưa 30.000 đồng/ngày.
Sau khi đối chiếu với mức lương tháng 6 -2017 của mình, ông NNT thấy bị thiếu 999.000 đồng tương đương với 03 ngày làm việc. Ông NNT đã kiến nghị với Công ty HN ngay tại thời điểm nhận lương, đã làm đơn đề nghị Công ty HN trả lời bằng văn bản lý do về việc tính thiếu tiền lương tháng 6-2017 nhưng Công ty HN không trả lời. Ông NNT đã làm đơn đề nghị Phòng lao động quận Đống Đa giải quyết tranh chấp lao động tiền lương nhưng Công ty HN không tham gia các buổi hòa giải. Vì vậy, ông NNT khởi kiện yêu cầu công ty HN:
- Thanh toán tiền lương 03 ngày của tháng 6-2017.
- Thanh toán tiền nghỉ phép năm 2015, năm 2016 và năm 2017.
*Tòa án nhân dân cấp sơ thẩm tuyên:
- Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông NNT đối với Công ty cổ phần công nghệ thông tin HN về việc “Tranh chấp thanh toán tiền lương”.
- Buộc Công ty cổ phần công nghệ thông tin HN phải thanh toán cho ông NNT số tiền nghỉ phép 03 năm 2015, 2016, 2017 như sau: 27 ngày 1 303.077 đồng/1 ngày = 8.183.079 đồng.
- Không chấp nhận yêu cầu của ông NNT buộc Công ty HN phải thanh toán trả 999.000 đồng tiền lương 03 ngày ông NNT nghỉ không phép của tháng 6 -2017.
Ngày 13-8-2018, ông NNT kháng cáo một phần bản án sơ thẩm, đề nghị cấp phúc thẩm buộc Công ty HN phải thanh toán cho ông NNT số tiền 03 ngày công lao động của tháng 6-2017 là 999.000 đồng.
*Tòa án nhân dân cấp phúc thẩm nhận định:
Ông NNT cho rằng ông có đi làm đầy đủ trong tháng 6-2017 và Công ty cổ phần công nghệ thông tin HN trù úm người lao động, có ý định đuổi việc người lao động bằng nhiều cách, cố ý gán ghép cho người lao động vi phạm kỷ luật lao động bằng việc tự ý chấm công nghỉ việc. Xét thấy: Trong quá trình xét xử vụ án ở cấp sơ thẩm và phúc thẩm, ông NNT cho rằng mình có đi làm nhưng không đưa ra được tài liệu, chứng cứ chứng minh. Công ty HN đã xuất trình Bảng chấm công tháng 6-2017 thể hiện ông NNT nghỉ làm trong các ngày 14, 15 và 16-6-2017. Ông NNT còn cho rằng Công ty HN dựng lên một đại diện để chấm công và chỉ đạo đại diện đó phải làm sao gán cho người lao động vi phạm kỷ luật, mặc dù đại diện đó không bao giờ có mặt đầy đủ tại Công ty. Thấy rằng: Tại Thông báo số 04/TB-HNIT ngày 01-7-2015 của Công ty cổ phần công nghệ thông tin HN về việc chấm công hàng ngày cho các cán bộ công nhân viên trong Công ty đã ghi rõ: “Phòng Hành chính -Tổng hợp sẽ trực tiếp chấm công hàng ngày cho các nhân viên trong Công ty thay bằng phụ trách các Phòng ban theo dõi chấm công hàng ngày như trước. Thời gian bắt đầu thực hiện từ ngày 01-7-2015”. Như vậy, cán bộ Phòng Hành chính -Tổng hợp có thẩm quyền thực hiện việc chấm công cho người lao động trong Công ty kể từ ngày 01-7-2015. Thông báo số 04/TB-HNIT của Công ty HN cũng nêu rõ: “Các trường hợp nghỉ do đau, ốm... đột xuất phải thông báo về Phòng Hành chính - Tổng hợp hoặc phải có đơn xin nghỉ theo đúng nội quy lao động của Công ty”. Tại phiên toà phúc thẩm ông NNT cũng thừa nhận việc chấm công là công khai, trước đó chưa từng xảy ra sai sót và tranh chấp. Bà Hà Thị Thanh Hiền với cương vị Phó phòng Hành chính -Tổng hợp là người trực tiếp chấm công xác định ông NNT không đi làm trong 03 ngày 14, 15 và 16-6-2017. Khi không thấy ông NNT đi làm vào ngày 14-6-2017, bà Hiền đã gọi điện cho ông NNT để hỏi lý do không đi làm. Ông NNT cho rằng có đi làm nhưng không ở vị trí lao động và không chứng cứ chứng minh. Ông NNT cho rằng Công ty HN chỉ đạo người chấm công không đúng, gán cho người lao động vi phạm kỷ luật nhưng không xuất trình được tài liệu, chứng cứ chứng minh. Tại các Điều 20, Điều 21, Điều 22, Điều 24, Điều 26 của Quy chế quản lý nhân sự và Điều 16, Điều 19, Điều 20, Điều 21, Điều 22 của Nội quy lao động Công ty HN đã quy định rõ về các trường hợp người lao động được nghỉ, yêu cầu người lao động phải báo cáo cho người sử dụng lao động về việc nghỉ. Ông NNT không báo cáo trước, không có đơn xin nghỉ theo quy định của Công ty, các ngày nghỉ này không thuộc trường hợp được hưởng lương theo quy định của Bộ luật Lao động và quy định nội bộ của Công ty HN nên Công ty HN không có trách nhiệm phải thanh toán khoản tiền lương trong các ngày nghỉ không phép này cho ông NNT. Bên cạnh đó, Công ty HN còn thể hiện thiện chí khi cho phép ông NNT bổ sung đơn nghỉ phép 03 ngày 14, 15 và 16 tháng 6-2017 thì Công ty sẽ xem xét và thanh toán cho ông NNT tiền lương của 03 ngày nêu trên nhưng ông NNT không thực hiện. Mặc dù đây không phải là nghĩa vụ nhưng Công ty HN vẫn tạo điều kiện để đảm bảo quyền lợi cho người lao động nên quan điểm của ông NNT cho rằng Công ty HN “trù úm” là không cơ sở.
*Tòa án nhân dân cấp phúc phẩm tuyên:
Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện khởi kiện “tranh chấp thanh toán tiền lương” của ông NNT đối với Công ty cổ phần công nghệ thông tin HN. Buộc Công ty cổ phần công nghệ thông tin HN phải thanh toán cho ông NNT số tiền nghỉ phép 03 năm 2015, 2016 và 2017 như sau: 27 ngày x 303.077 đồng/1 ngày = 8.183.079 đồng. Không chấp nhận yêu cầu của ông NNT buộc Công ty HN phải thanh toán trả 999.000 đồng tiền lương 03 ngày ông NNT nghỉ không phép của tháng 6 năm 2017.
3. Bản án số 710/2021/LĐ-PT ngày 20/12/2021 của TAND TP. Hồ Chí Minh về tranh chấp về quyền, lợi ích liên quan đến việc làm, tiền lương.
*Nội dung bản án:
Vào năm 2012, Ông T1 có góp vốn với Ông Q mở quán ăn Thiên Long tại địa chỉ 15 đường Tăng Nhơn Phú, phường Phước Long B, Quận 9 theo giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh số 4118000473 do Phòng kinh tế Ủy ban nhân dân Quận 9 cấp với ngành nghề kinh doanh dịch vụ ăn uống do Ông Q đứng tên. Trong thời gian quán Thiên Long kinh doanh, ông Q có thuê Bà L (là vợ của Ông T1) làm công việc nấu ăn cho quán, thời gian làm từ 07 giờ sáng đến 22 giờ, 23 giờ khuya, không có ngày nghỉ với mức lương thỏa thuận miệng là 8.000.000 đồng/tháng, hai bên không làm hợp đồng lao động, chỉ thỏa thuận bằng lời nói và không có ai chứng kiến việc thỏa thuận này. Bà L nấu ăn cho quán bắt đầu từ tháng 4/2012 cho đến tháng 12/2013 (không nhớ cụ thể ngày nào), từ tháng 4/2012 cho đến tháng 12/2013 Ông Q chưa trả tiền lương cho Bà L vì chỗ tình cảm chị em nên Bà L không đòi thỉnh thoảng có hỏi tiền lương nhưng Ông Q không trả cho đến tháng 12/2013 Ông Q cho Bà L nghỉ việc vì Ông Q sang quán cho người khác, từ tháng 12/2013 Bà L nhiều lần yêu cầu trả tiền lương nhưng Ông Q không trả. Ngày 12/9/2017, Bà L nộp đơn khởi kiện tại Tòa án nhân dân Quận 9 cũ nay là Tòa án nhân dân Thành phố TĐ yêu cầu Ông Q trả 20 tháng tiền lương (từ tháng 4/2012 đến tháng 12/2013) x 8.000.000 đồng = 160.000.000 đồng.
*Tòa án nhân dân cấp sơ thẩm tuyên:
Đình chỉ giải quyết vụ án lao động đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Bà L về việc yêu cầu Ông Q trả 20 tháng tiền lương (từ tháng 4/2012 đến tháng 12/2013) mỗi tháng 8.000.000 đồng, tổng cộng: 160.000.000 đồng.
Ngày 21/5/2021, nguyên đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.
*Tòa án nhân dân cấp phúc thẩm nhận định:
Hội đồng xét xử nhận thấy, theo như lời trình bày của Bà L thì tháng 12/2013 là thời điểm chấm dứt việc làm giữa Bà L và Ông Q, tại thời điểm này Ông Q vẫn không trả tiền lương cho Bà L. Như vậy tháng 12/2013 được xác định là thời điểm Bà L phát hiện quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. Tuy nhiên đến ngày 17/01/2017 Bà L mới có đơn yêu cầu độc lập đề nghị Ông Q phải trả tiền lương còn thiếu. Theo quy định tại Điều 202 của Bộ luật Lao động năm 2012 thì “Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là 01 (một) năm, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm”. Như vậy, thời điểm Bà L có đơn yêu cầu độc lập ngày 17/01/2017 là đã hết thời hiệu khởi kiện. Từ đó cho đến nay giữa Bà L và Ông Q cũng không có bất kỳ một văn bản nào xác nhận lại số nợ ; phía Ông Q luôn khẳng định ông không thuê Bà L làm việc nên không nợ tiền lương của bà. Bà L không chứng minh được trong khoảng thời gian từ tháng 12/2013 đến ngày 17/01/2017 bà gặp sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan nào làm bà không thể khởi kiện đúng thời hạn. Trong quá trình giải quyết tại cấp sơ thẩm, vào các ngày 04/12/2017, 05/12/2017 Ông Q có đơn yêu cầu Tòa án xem xét thời hiệu và tại phiên tòa sơ thẩm, Ông Q vẫn yêu cầu xem xét thời hiệu khởi kiện của Bà L. Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng Điều 184, Điều 217 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và Điều 202 của Bộ luật Lao động năm 2012 để đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu khởi kiện của Bà L do hết thời hiệu khởi kiện là đúng quy định, có cơ sở.
*Tòa án nhân dân cấp phúc thẩm tuyên:
Không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn Bà L. Giữ nguyên bản án sơ thẩm. Đình chỉ giải quyết vụ án lao động đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Bà L về việc yêu cầu Ông Q trả 20 (hai mươi) tháng tiền lương (từ tháng 4/2012 đến tháng 12/2013), mỗi tháng 8.000.000 đồng (Tám triệu đồng), tổng cộng 160.000.000 đồng (Một trăm sáu mươi triệu đồng).
4. Bản án số 573/2020/LĐ-PT ngày 24/06/2020 của TAND TP. Hồ Chí Minh về tranh chấp về quyền, lợi ích liên quan đến việc làm, tiền lương.
*Nội dung bản án:
Ông Lê Trí T trình bày: Ông vào làm việc tại Công ty Cổ phần XXXXXO từ ngày 12/12/2018 theo hợp đồng thử việc số 04/18-HQ./HDTV, ngày 12/12/2018; Thời hạn thử việc là 03 tháng từ ngày 12/12/2018 đến ngày 12/3/2019; Tiền lương mỗi tháng là 12.000.000đ (Mười hai triệu đồng), lãnh lương vào ngày 10 đến ngày 15 hàng tháng. Công việc chính của ông T là quản lý đối tác nhà phân phối ở 24 quận, huyện tại Thành phố Hồ Chí Minh và quản lý đội ngũ bán hàng gồm 06 người. Công ty có 03 nhà phân phối ở quận BT, Quận B, quận TD. Mỗi lần gặp đối tác khách hàng công ty yêu cầu ông phải báo cáo về công ty. Tiền công tác phí hàng tháng của ông tối đa 8.000.000đ (Tám triệu đồng). Ngày 24/01/2019 Công ty Cổ phần XXXXXO ra quyết định cho ông thôi việc và yêu cầu ông nghỉ việc ngay ngày hôm đó, nên ông đã nghỉ việc ngay. Sau khi nghỉ việc Công ty Cổ phần XXXXXO chưa thanh toán tiền lương và tiền công tác phí của tháng 12/2018, tháng 01/2019 cho ông, cụ thể:
- Tháng 12/2018: Tiền công tác phí là 5.363.220 đồng, trong đó: Tiền ăn là 500.000 đồng; tiền uống cà phê là 600.000 đồng; tiền điện thoại là 400.000đồng; tiền tiếp khách là 1.500.000 đồng, hoá đơn kèm theo là 1.318.000 đồng; tiền xăng là 2.363.220 đồng từ ngày 13/12/2018 đến ngày 30/12/2018 (theo hoá đơn ông cung cấp cho Công ty Cổ phần XXXXXO chỉ có 04 hoá đơn GTGT số 0000332 ngày 29/12/2018, 0000337 ngày 30/12/2018, 0000366 ngày 31/12/2018 và 0000347 ngày 31/12/2018).
- Tháng 01/2019, tiền công tác phí là 6.500.000 đồng trong đó: Tiền ăn là 1.000.000 đồng, tiền uống là 1.000.000 đồng, tiền điện thoại là 400.000 đồng, tiền tiếp khách là 1.600.000 đồng (có hoá đơn là 605.000 đồng đã gửi về công ty), tiền xăng của tháng 01/2019 là 2.500.000 đồng, ông đã cung cấp cho công ty 03 hoá đơn GTGT là 0000756 ngày 30/1/2019, 0000770 ngày 31/01/2019 và 0000744 ngày 29/01/2019, tháng 01/2019, ông đăng ký đổ xăng là 6.000.000 đồng, tuy nhiên ông đi công việc cho công ty hết 2.500.000 đồng, phần tiền xăng còn lại ông đi vì việc riêng.
Tiền lương tháng 01/2019, Công ty đã chuyển cho ông số tiền là 10.318.000 đồng (Trong đó 9.000.000 đồng là tiền lương và 1.318.000 đồng là tiền công tác phí), hiện Công ty còn thiếu ông 230.000 đồng.
- Tổng số tiền ông yêu cầu Công ty Cổ phần XXXXXO phải trả là 10.775.000 đồng và tiền lãi phát sinh của số tiền trên theo lãi suất ngân hàng là 0,6%/tháng tính từ ngày 07/02/2019 đến ngày xét xử số tiền là 640.000 đồng. Tổng số tiền yêu cầu là 11.415.000 đồng.Trong đó:
- Tiền lương tháng 01/2019 là 230.000 đồng.
- Tiền công tác phí của tháng 12/2018 và tháng 01/2019 là 11.863.000 đồng (trừ đi số tiền công tác phí Công ty đã chuyển khoản cho ông là 1.318.000 đồng). Công ty Cổ phần XXXXXO còn nợ ông tiền công tác phí là 10.545.000 đồng.
*Tòa án nhân dân cấp sơ thẩm tuyên:
- Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn: Buộc Công ty Cổ phần XXXXXO phải trả cho ông Lê Trí T tiền lương còn thiếu là 230.000 đồng (Hai trăm ba mươi nghìn đồng) và tiền lãi phát sinh trên số tiền lương chậm trả số tiền là 13.432 đồng (Mười ba nghìn bốn trăm ba mươi hai đồng).
- Không chấp nhận yêu cầu của ông Lê Trí T về việc yêu cầu Công ty Cổ phần XXXXXO phải thanh toán tiền công tác phí số tiền là 11.171.568 đồng (Mười một triệu,một trăm bảy mươi mốt nghìn, năm trăm sáu mươi tám đồng), trong đó tiền gốc là 10.545.000 đồng (Mười triệu năm trăm bốn mươi lăm nghìn đồng) và tiền lãi phát sinh là 626.568 đồng (Sáu trăm, hai mươi sáu nghìn, năm trăm sáu mươi tám đồng).
*Tòa án nhân dân cấp phúc thẩm nhận định:
- Về quan hệ lao động: Hợp đồng thử việc số 04/18-HQ./HDTV, ngày 12 tháng 12 năm 2018 do người đại diện theo pháp luật của Công ty Cổ phần XXXXXO là bà Nguyễn Hoàng X.Q ký với người lao động là ông Lê Trí T, nên hợp pháp về mặt hình thức. Mặc dù Hợp đồng lao động thử việc có thời hạn 03 tháng là không đúng với Điều 27 Bộ luật Lao động. Tuy nhiên, sau khi người lao động làm việc được hơn một tháng mười lăm ngày, hai bên thỏa thuận chấm dứt việc thử việc là hợp pháp, ông Lê Trí T khởi kiện đòi tiền lương trong quan hệ thử việc là phù hợp quan hệ hợp đồng thử việc, có tranh chấp lương nên được chấp nhận để xem xét.
- Về nội dung hợp đồng: Theo hợp đồng thử việc ngày 12/12/2018, ông T ký với Công ty Cổ phần XXXXXO có bà Hoàng Thị Xuân Quyên đại diện theo pháp luật ký kết. Tại điều mục B của hợp đồng quy định phần nghĩa vụ thì người lao động có nghĩa vụ phối hợp trong sự phân công, điều hành bằng văn bản hay bằng miệng của Giám đốc Công ty kể cả cá nhân Ban Giám đốc bổ nhiệm hay ủy quyền phụ trách) điều này cho thấy là không nhất thiết bên sử dụng lao động đối với người lao động phải bằng văn bản.
Tại Điều 2 Mục B của hợp đồng phía người lao động ông T có nghĩa vụ “Nắm rõ và chấp hành nghiêm túc nội quy lao động, quy chế của Công ty, kỹ luật lao động và an toàn lao động. Thực hiện hợp đồng, ông Lê Trí T vào làm việc tại Công ty Cổ phần XXXXXO từ ngày 12/12/2018 đến ngày 24/01/2019 thì Công ty Cổ phần XXXXXO cho ông Lê Trí T thôi việc. Như vậy, việc thử việc đã được thực hiện trong phạm vi dưới hai tháng (60 ngày) với tính chất công việc của ông T là thực hiện công việc quản lý bán hành khu vực, đạt trình độ chuyên môm trung cấp nghề, thời gian thử việc không quá 30 ngày, nhưng Công ty đã cho ông T thử việc đến 01 tháng 12 ngày. Sau đó Công ty mới cho ông T thôi việc. Ông T kháng cáo yêu cầu cấp phúc thẩm buộc Công ty Cổ phần XXXXXO phải thanh toán tiền công tác phí còn thiếu 02 tháng là tháng 12 và tháng 1 với tổng số tiền là 10.545.000đ (Mười triệu, năm trăm bốn mươi lăm nghìn đồng). Trong đó, ông T nêu tiền công tác phí tháng 12 năm 2018, ông yêu cầu là 5.363.220 đồng. Gồm: Tiền ăn là 500.000 đồng, tiền uống cà phê là 600.000 đồng, tiền điện thoại là 400.000 đồng; tiền tiếp khách ông đòi 1.500.000 đồng Ông T chỉ yêu cầu Công ty Cổ phần XXXXXO trả tiền xăng của tháng 12/2018 là 2.363.220 đồng. Công tác phí tháng 01/2019: Yêu cầu là 6.500.000 đồng trong đó tiền ăn là 1.000.000 đồng, tiền uống cà phê là 1.000.000 đồng, tiền điện thoại là 400.000 đồng. (Các khoản này ông không có hóa đơn) Tiền tiếp khách là 1.600.000 đồng, trong đó có hóa đơn là 650.000 đồng. Tiền xăng tháng 1/2019 là 2.500.000 đồng. Xét cấp sơ thẩm bác toàn bộ yêu cầu này của ông T với lý do dù công tác phí mỗi tháng 8.000.000 đồng nhưng các hóa đơn ông T nộp không hợp lệ và không chứng minh được ông T đã sử dụng khoản tiền trên cho mục đích công việc và hoạt động của công ty.
- Về yêu cầu đòi chi phí công tác: Cấp sơ thẩm nhận định đó đó là khoản tiền được bổ sung theo lương của người lao động, được luật quy định tại Thông tư số 23 là khoản tiền số 23/2015/TT-BLĐTBXH, ngày 23 tháng 6 năm 2015 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quy định: “Các khoản bổ sung khác là khoản tiền ngoài mức lương, phụ cấp lương và có liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động...” nên buộc ông T phải có nghĩa vụ phải chứng minh các khoản ông đã chi có liên quan đến thực hiện công việc cho Công ty Cổ phần XXXXXO hoặc chức danh trong hợp đồng. Đối chiếu chứng cứ khi ông T xuất trình, thì thấy riêng khoản tiền xăng xe: Quy chế có quy định chỉ thanh toán khi hóa đơn xăng hợp lệ, hợp lý, phải có chữ ký của bên mua hàng, cho nên các chứng từ ông Toàn đưa ra khi yêu cầu tiền xăng một mặt là không hợp lý khi các cửa hàng xăng không thể có việc cung cấp hóa đơn thuế giá trị gia tăng cho khách hàng, khi mỗi ngày mua hàng đến hết tháng mới xuất hóa đơn một lần; ngày đi công tác tốn 1.000.000 đồng tiền xăng, và hóa đơn xăng lại thể hiện là mỗi ngày trả 1.000.000 đồng tiền xăng trong ngày 29, 30 ,31 tháng 12 là không phù hợp với tính chất công việc sử dụng phương tiện xe máy, nên sơ thẩm không chấp nhận tính tiền xăng công tác phí tháng 12 và tháng 01/2019 trong khi các hóa đơn do ông T nộp không phù hợp theo quy định về hóa đơn giá trị gia tăng và quy chế công ty. Việc ông yêu cầu tính tiền xăng cho tháng 1/2019 chỉ có 2.500.000 đồng nhưng không có chứng từ nào phù hợp cho việc tiêu thụ xăng trong 12 ngày lao động tháng 01/2019, mà ông đã công tác trong tháng 1/2019, các hóa đơn xăng của tháng 1 năm 2019 đều lập sau ngày ông T nghĩ việc, lý do ông T khai trình tại tòa mua xăng trước và viết hóa đơn cuối tháng không phù hợp thực tế, vì vậy cấp sơ thẩm không chấp nhận toàn bộ yêu cầu về tiền xăng là có cơ sở, cấp phúc thẩm giữ nguyên quan điểm của sơ thẩm nên không chấp nhận kháng cáo của ông T đối với yêu cầu đòi tiền công tác phí về xăng khi ông xuất trình hóa đơn không phù hợp. Tương tự do ông T hoặc xuất trình chứng cứ về hóa đơn giao dịch trong ăn uống, hoặc không có chứng từ cho các chi phí điện thoại, là không tuân thủ quy chế hoạt động công ty về công tác phí. Tại Điều 4 Quy chế công tác phí có quy định về chứng từ: “Phải nộp về phòng kế toán trong 10 ngày sau khi kết thúc chuyến công tác. Hóa đơn thuế giá trị gia tăng phải có dầy đủ thông tin chính xác nguyên vẹn và chữ ký họ tên của người mua hàng”.Ông T đã không thực hiện việc báo cho Công ty và giao nộp chứng từ để khi khởi kiện mới yêu cầu.Về các hóa đơn tiền điện thoại ông T không có sao kê chứng minh cho yêu cầu này. Tiền tiếp khách ông chỉ chứng minh được hóa đơn tiếp khách tháng 12/2018 là 1.318.000 đồng. Trong khi ông yêu cầu là 1.500.000 đồng. Công ty đã thanh toán cho ông số tiền 1.318,000 đồng là phù hợp nên cấp phúc thẩm chấp nhận yêu cầu này. Phần này Công ty đồng ý chi trả nhưng ông T kháng cáo, cấp sơ thẩm có nhận định nhưng lại cho rằng Công ty đã chuyển khoản trả cho ông T rồi, riêng tại phiên tòa phúc thẩm ông Tnói chưa nhận được. Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm nhận thấy tại Biên bản hòa giải ngày 01/8/2019, ông T cho rằng ông đã nhận công tác phí 1.318,000 đồng vào tháng 01/2019. Như vậy là công ty đã thanh toán khoản tiền ngoài phần chênh lệch này của ông, nên cấp sơ thẩm đã tuyên không chấp nhận phần tiền 182.000 đồng vì nằm ngoài 02 hóa đơn số tiền mà ông cung cấp là 1.318.000 đồng nhưng lại kê khai thành 91.500.000 đồng, nên cấp phúc thẩm thống nhất cách giải quyết này của sơ thẩm, bác kháng cáo của ông T đối với số tiền phí công tác tháng 12 năm 2018. Riêng tháng 01 năm 2019 đối với các khoản chi không có hóa đơn là 3.3 95.000 đồng và hóa đơn xăng không hợp lệ cụ thể số tiền là 2.500.000 đồng. Tiền tiếp khách tháng 01/2019 là 1.600.000 đồng, trong đó có hóa đơn là 605.000 đồng; tiền ăn là 1.000.000 đồng, tiền uống cà phê là 1.000.000 đồng, tiền điện thoại là 400.000 đồngvừa không có hóa đơn để chứng minh, vừa chi không tuân thủ quy chế công ty, cấp sơ thẩm không chấp nhận toàn bộ yêu cầu chi phí công tác phí tháng 01/2019 của ông T, Hội đồng xét xử phúc thẩm đồng quan điểm với cấp sơ thẩm vì ông Tkhông có các chứng từ thanh toán để hội đồng xét xử đánh giá chứng cứ việc sử dụng chi phí của ông có phù hợp quy định của công ty.
- Về tiền lãi: Ông T yêu cầu mức lãi là 0.6%/tháng là phù hợp theo quy định tại Điều 357 Bộ luật dân sự năm 2015. Do cấp sơ thẩm chỉ chấp nhận yêu cầu đòi số tiền lương còn thiếu 230.000 đồng nên tính lãi trên 230.000 đồng từ ngày 07/02/2019 đến ngày xét xử sơ thẩm là 13.432 đồng. Tổng cộng là 243.432 đồng. Cấp phúc thẩm chấp nhận yêu cầu nàyphù hợp với Điều 357 Bộ luật dân sự năm 2015. Buộc Công ty Cổ phần XXXXXO phải trả lãi trên số tiền chậm trả là 230.000 đồng, số tiền là 13.432 đồng (Mười ba nghìn, bốn trăm ba mươi hai đồng).
- Về thời hạn thanh toán: Do Công ty Cổ phần XXXXXO vi phạm thời gian thanh toán đã lâu nên việc ông Lê Trí T yêu cầu Công ty Cổ phần XXXXXO trả một lần ngay khi án có hiệu lực pháp luật là có cơ sở chấp nhận.
*Tòa án nhân dân cấp phúc thẩm tuyên:
- Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn: Buộc Công ty Cổ phần XXXXXO phải trả cho ông Lê Trí Ttiền lương còn thiếu là 230.000đ (Hai trăm ba chục nghìn đồng) và tiền lãi phát sinh trên số tiền lương chậm trả số tiền là 13.432đ (Mười ba nghìn, bốn trăm ba mươi hai đồng).
- Không chấp nhận yêu cầu của ông Lê Trí T về việc yêu cầu Công ty Cổ phần XXXXXO phải thanh toán tiền công tác phí số tiền là 11.171.568đ (Mười một triệu,một trăm bảy mươi mốt nghìn, năm trăm sáu mươi tám đồng), trong đó tiền gốc là 10.545.000đ (Mười triệu,năm trăm bốn mươi lăm nghìn đồng) và tiền lãi phát sinh là 626.568đ (Sáu trăm,hai mươi sáu nghìn,năm trăm sáu mươi tám đồng.
5. Bản án số 216/2020/LĐ-PT ngày 07/04/2020 của TAND TP. Hồ Chí Minh về tranh chấp về quyền, lợi ích liên quan đến việc làm, tiền lương.
*Nội dung bản án:
Ông Đ là nhân viên chính thức của Công ty T (gọi tắt là TTE), vị trí Kỹ sư bán hàng theo hợp đồng lao động số 042/2014/TT do Bà H – Phó Tổng Giám đốc ký vào ngày 08/11/2014 và số 042/2015/TT do Ông T–Phó Tổng Giám đốc ký vào ngày 08/11/2015 có hiệu lực đến hết ngày 07/11/2016. Ngày 11/5/2015, Ông H–Tổng Giám đốc Công ty TTE có ký một Quyết định số 003-2015/TT về việc chế độ trả thưởng năm 2015. Nội dung cơ bản: Đối tượng thụ hưởng sẽ bắt đầu được tính thưởng bán hàng khi doanh số thực tế cá nhân đạt từ 80% doanh số cam kết cá nhân trở lên (theo mục II.1/trang 2/2 – Nguyên tắc thưởng cho kỹ sư bán hàng trong năm 2015). Sau khi kết thúc năm tài chính từ 01/4/2015 đến hết 31/3/2016, riêng cá nhân ông Đ đạt doanh số 133,9% (có đính kèm bảng chi tiết giá trị hợp đồng các phòng ban kí xác nhận, trong đó có Trưởng phòng kế toán). Với doanh số trên ông Đ được thưởng 52.200.000 VNĐ (Năm mươi hai triệu hai trăm ngàn đồng chẵn) theo công thức tính thưởng tại mục II.2/trang 2/6 của Quyết định số 003-2015/TT về việc chế độ trả thưởng năm 2015. Cho đến nay, bị đơn vẫn chưa có động thái thanh toán tiền thưởng cho ông Đ trong khi các kỹ sư bán hàng cùng cấp được nhận thưởng vào tháng 7/2016. Ông Đ đã nhiều lần làm việc với ông M – Trưởng phòng bán hàng, bà H – phó Tổng giám đốc và ông H–Tổng Giám đốc nhưng vẫn không được giải quyết thỏa đáng. Chính vì vậy, nguyên đơn đưa ra một số yêu cầu sau nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình bao gồm:
- Yêu cầu bị đơn chi trả thưởng theo Quy chế Công ty đã ban hành theo Quyết định số 003-2015/TT về việc chế độ trả thưởng năm 2015 với số tiền là 52.200.000 VNĐ (Năm mươi hai triệu hai trăm ngànđồng) và án phí.
- Buộc bị đơn bồi thường 5 tháng tiền lương (tính trong hợp đồng) là 15.000.000 đ x 5 = 75.000.000 đồng vì đã chấm dứt hợp đồng lao động không có lý do chính đáng
*Tòa án nhân dân cấp sơ thẩm tuyên:
- Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Đ yêu cầu Công ty T trả thưởng năm 2015 với số tiền là 52.200.000 VNĐ (Năm mươi hai triệu hai trăm ngàn).
- Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Đ yêu cầu Công ty T bồi thường 5 tháng tiền lương (tính trong hợp đồng) là 15.000.000đ x 5 = 75.000.000 đồng (Bảy mươi lăm triệu đồng).
- Đình chỉ yêu cầu phản tố của Công Ty T. Ngoài ra án sơ thẩm còn tuyên về án phí, quyền kháng cáo cho các bên đương sự. Ngày 10/10/2019 bị đơn kháng cáo toàn bộ bản án và đề nghị sửa bản án sơ thẩm theo hướng: chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn
*Tòa án nhân dân cấp phúc thẩm nhận định:
Theo hợp đồng lao động số 042/2015/TT ngày 08/11/2015 giữa nguyên đơn và bị đơn thì chức danh chuyên môn của nguyên đơn là chuyên viên bán hàng của công ty. Theo Quyết định số 005/2015/TT ngày 22/6/2015 về chế độ hạch toán của Toàn Thắng valve (TTV) năm 2015 -2016 (sau đây gọi là Quyết định 005) thì ông Đ thuộc tổ chức của TTV (là nhóm kinh doanh trong TTE). Quyết định số 003/2015/TT quy định chế độ tiền thưởng năm 2015 (sau đây gọi là Quyết định 003). Tại Mục I.3 Quyết định 003 nêu rõ: Đối tượng thụ hưởng theo quy định tại Quyết định 003 không bao gồm 04 bộ phận, trong đó có bộ phận “Fisher Business” thuộc nhóm TTV (vì đã có cơ chế hoạch toán riêng theo TTV). Như vậy, nguyên đơn thuộc bộ phận của TTV không được hưởng chính sách thưởng theo Quyết định số 003 của Công ty.
Theo Quyết định 005 thì nhóm TTV được thưởng 20% lợi nhuận khi TTV có lãi và doanh số phải đạt trên 80% doanh số cam kết. Tổng kết kết quả kinh doanh của nhóm TTV (trong đó có nguyên đơn) từ ngày 01/4/2015 đến hết ngày 31/3/2016 chỉ đạt doanh số 39.674.677,296 VND tương đương 1.779.134USD tức khoảng 66% doanh số cam kết 2.699.818 USD (phụ lục 01: Doanh số cam kết năm 2015 –2016 đính kèm theo Quyết định 005). Như vậy, năm tài khóa 2015 –2016 nguyên đơn cũng hoàn toàn không có thưởng doanh thu.
Do nguyên đơn không được hưởng chế độ thưởng theo Quyết định số 003(mục [4]), nhóm TTV cũng không đủ doanh số để được hưởng chế độ thưởng theo Quyết định số 005, nên án sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện đòi tiền thưởng của ông Đ là có căn cứ nên giữ nguyên phần quyết định này của bản án sơ thẩm.
Ông Đ làm việc cho Công ty T theo hợp đồng lao động số 042-HĐLĐ/2015-TT có thời hạn 1 năm, từ ngày 08/11/2015 đến ngày 07/11/2016. Do Công ty T không có nhu cầu tiếp tục sử dụng lao động đối với ông Đ nên Công ty quyết định không gia hạn hợp đồng số 042-HĐLĐ/2015-TT. Trên cơ sở đó, ngày 13/09/2016, Công ty T ban hành Quyết định số 44/2016-TT về việc chấm dứt hợp đồng lao động với ông Đ quyết định có hiệu lực từ ngày 13/9/2016 là phù hợp với khoản3 Điều 36 Bộ luật Lao động.
Mặt khác Quyết định số 44/2016-TT có hiệu lực từ ngày 13/9/2016 đến ngày 07/11/2017 ông Đ có bổ sung yêu cầu bồi thường 5 tháng tiền lương do việc chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật, phía bị đơn có yêu cầu áp dụng thời hiệu. Căn cứ Khoản 2 Điều 202 Bộ luật Lao động 2012 quy định thời hiệu khởi kiện đối với việc này là 1 năm, do đó đã hết thời hiệu khởi kiện. Việc nguyên đơn cho rằng đã có yêu cầu bồi thường trong các buổi làm việc trước đó nhưng không làm đơn yêu cầu theo quy định tại khoản 4 Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự nên Tòa án cấp sơ thẩm nhận định thời gian bổ sung yêu cầu khởi kiện được tính kể từ ngày 07/11/2017 là đúng.
Do việc chấm dứt hợp đồng lao động của bị đơn là không trái pháp luật, đồng thời cũng đã hết thời hiệu khởi kiện nên yêu cầu khởi kiện buộc bị đơn bồi thường 5 tháng tiền lương (tính trong hợp đồng), án sơ thẩm cho rằng yêu cầu này của nguyên đơn không có căn cứ để chấp nhận là có cơ sở, nghĩ nên không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn.
Qua xem xét đĩa ghi âm cuộc họp đề ngày 22/8/2016, Hội đồng xét xử nhận thấy phía ông H-Tổng Giám đốc Công ty có đồng ý chi trả tiền thưởng năm 2015-2016 cho nguyên đơn bằng tiền riêng của mình. Tòa án xét thấy, việc chi trả tiền thưởng là ý kiến cá nhân của ông H và cũng là từ tiền riêng của ông H nên không liên quan gì đến Công ty. Vì vậy, nguyên đơn cho rằng đây là sự kiện chứng minh Công ty đồng ý chi trả tiền thưởng năm 2015 -2016 cho nguyên đơn là không có cơ sở.
*Tòa án nhân dân cấp phúc thẩm tuyên:
Không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn và bị đơn; Giữ nguyên bản án lao động sơ thẩm số 60/LĐ-ST ngày 10 tháng 10 năm 2019 của Tòa án nhân dân Quận I thành phố Hồ Chí Minh:
- Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Đ yêu cầu Công ty T trả thưởng năm 2015 với số tiền là 52.200.000 đồng (Năm mươi hai triệu hai trăm ngàn đồng).
- Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Đ yêu cầu Công ty T bồi thường 5 tháng tiền lương (tính trong hợp đồng) là 15.000.000 đồng x 5 = 75.000.000 đồng (Bảy mươi lăm triệu đồng).
- Đình chỉ yêu cầu phản tố của Công Ty T.
6. Bản án số 1143/2020/LĐ-PT ngày 29/12/2020 của TAND TP. Hồ Chí Minh về tranh chấp về quyền, lợi ích liên quan đến việc làm, tiền lương.
*Nội dung bản án:
Vào ngày 21/9/2019, ông T có đến Công ty M phỏng vấn và thỏa thuận đến công ty làm việc với chức vụ trưởng phòng Merchandise, mức lương thỏa thuận là 34.500.000 đồng/tháng. Ông T bắt đầu làm việc cho Công ty M từ ngày 01/10/2019 đến ngày 22/10/2019 thì Công ty thông báo ngừng hợp tác, tuy nhiên hai bên chưa ký Hợp đồng lao động. Sau khi thôi việc, Công ty không trả tiền lương cho ông T mà chỉ trả cho ông T 3.050.000 đồng tương ứng với mức lương 4.807.000 đồng. Mức lương 4.807.000 đồng đây là mức lương cơ bản hai bên thỏa thuận để đóng bảo hiểm xã hội cho ông T. Thực tế theo thỏa thuận thì lương của ông T là 34.500.000 đồng/tháng. Khi ông T vào làm việc thì Công ty có cấp cho ông T một cái laptop. Ngày 22/10/2019, Công ty cho ông T nghỉ việc ông T có đem laptop đi, đến ngày 25/10/2019 ông T đã đến trả lại laptop và yêu cầu công ty trả lương cho ông T nhưng đến nay công ty vẫn không trả. Nay ông T yêu cầu Công ty M trả lương cho ông T 16,5 ngày công x 34.500.000 đồng: 26 ngày = 21.894.000 đồng.
*Tòa án nhân dân cấp sơ thẩm tuyên:
- Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Quốc T. Xác định ông Nguyễn Quốc T đã làm việc tại Công ty TNHH M từ ngày 01/10/2019 đến ngày 22/10/2019, mức lương 34.500.000 đồng/tháng. Buộc Công ty TNHH M có trách nhiệm thanh toán cho ông Nguyễn Quốc Ttiền lương còn thiếu là 21.894.000 (hai mươi mốt triệu tám trăm chín mươi bốn ngàn) đồng (16,5 ngày công x 34.500.000 đồng: 26 ngày = 21.894.000 đồng).
Sau khi xét xử sơ thẩm, trong thời hạn luật định, người đại diện theo pháp luậtcủa bị đơn có đơn kháng cáo đề ngày 22/9/2020 đề nghị được xét xử lại vụ án theo trình tự phúc thẩm.
*Tòa án nhân dân cấp phúc thẩm nhận định:
Vào ngày 21/9/2019, ông Nguyễn Quốc T đến công ty TNHH M phỏng vấn và thỏa thuận với công ty về việc làm với chức vụ Trưởng phòng Merchandise, mức lương thỏa thuận là 34.500.000 đồng/tháng. Ông T bắt đầu làm việc cho công ty từ ngày 01/10/2019 cho đến ngày 22/10/2019 thì công ty thông báo ngừng hợp tác vì lý do ông T không hoàn thành nhiệm vụ, từ đó tranh chấp phát sinh. Xem xét các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và lời trình bày của các bên đương sự tại phiên tòa. Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy rằng: Trong Biên bản hòa giải lập vào các ngày 19/2, 25/2 và 31/7/2020 tại trụ sở Tòa án nhân dân quận P, người đại diện theo ủy quyền của bị đơn công ty TNHH M đều xác định: công ty M có thỏa thuận với ông Nguyễn Quốc T về việc làm; theo đó chức vụ được phân công là Trưởng phòng Merchandise, mức lương 34.500.000 đồng, mức lương đóng Bảo hiểm xã hội bằng 4.807.000 đồng/tháng; Mặc dù có giao kết về việc làm nhưng hai bên chưa ký kết hợp đồng lao động. Ông T đã làm việc tại công ty từ ngày 01/10/2019 đến ngày 22/10/2019 thì công ty thông báo ngừng hợp tác vì ông T không đáp ứng được như cầu công việc. Về chế độ: công ty chỉ đồng ý thanh toán cho ông T tiền lương trong thời gian làm việc (16,5 ngày) là 3.050.000 đồng theo mức lương 4.807.000 đồng/tháng, mà các bên thỏa thuận để đóng bảo hiểm xã hội. Như vậy, mặc dù hai bên chưa ký kết hợp đồng lao động nhưng căn cứ vào bản “Thông tin phỏng vấn” lập ngày 21/9/2019 phía bị đơn Công ty TNHH M cũng đã xác nhận nguyên đơn đến công ty làm việc tại vị trí Trưởng phòng Merchandise với mức thu nhập 34.500.000 đồng, tiền đóng Bảo hiểm xã hội theo mức lương bằng 4.807.000 đồng/tháng. Công ty TNHH M căn cứ vào mức lương cơ bản 4.807.000 đồng để trả cho ông T do trong quá trình làm việc ông T không hoàn thành nhiệm vụ và không đáp ứng được các tiêu chí do Công ty M đưa ra. Tuy nhiên, Công ty M không có chứng cứ gì chứng minh ông T trong quá trình làm việc không hoàn thành nhiệm vụ và không đáp ứng được các tiêu chí do Công ty M đưa ra.Vì các lý do trên khi giải quyết tranh chấp về lao động, Tòa án sơ thẩm căn cứ theo mức lương thỏa thuận trên tờ thông tin phỏng vấn để giải quyết quyền lợi cho ông T, thời gian làm việc 16,5 ngày bằng số tiền 21.894.000 đồng là phù hợp với thỏa thuận đã giao kết; kháng cáo của bị đơn đề nghị trả tiền lương cho ông Ttrong thời gian 16,5 ngày làm việc theo mức lương đóng bảo hiểm xã hội 4.807.000 đồng/tháng là không có cơ sở chấp nhận; cần bác kháng cáo và giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm.
*Tòa án nhân dân cấp phúc thẩm tuyên:
Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn Công ty TNHH M. Giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm số 14/2020/LĐ-ST ngày 10 tháng 9 năm 2020 của Tòa án nhân dân quận P, Thành phố Hồ Chí Minh như sau:
Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Quốc T. Xác định ông Nguyễn Quốc T đã làm việc tại Công ty TNHH M từ ngày 01/10/2019 đến ngày 22/10/2019, mức lương 34.500.000 đồng/tháng. Buộc Công ty TNHH M có trách nhiệm thanh toán cho ông Nguyễn Quốc T tiền lương trong thời gian làm việc tại công ty, số tiền là 21.894.000 đồng (Hai mươi mốt triệu tám trăm chín mươi bốn nghìn) tương ứng với 16,5 ngày làm việc từ 01/10/2019 đến 22/10/2019, thực hiện trả tiền ngay sau khi bản án có hiệu lực pháp luật tại Cơ quan Thi hành án dân sự có thẩm quyền.
7. Bản án số 01/2023/LĐPT ngày 31/03/2023 của TAND tỉnh Bắc Ninh về tranh chấp về quyền, lợi ích liên quan đến việc làm, tiền lương.
*Nội dung bản án:
Anh Phạm Hùng C vào làm cho công ty TNHH Logistoics HTNS-Vinafco từ tháng 10/2020, làm được 02 tháng thử việc thì ngày 01/12/2020, anh ký hợp đồng lao động số 0112/2020/HĐLĐ với công ty TNHH Logistics HTNS-Vinafco (sau đây gọi tắt là công ty Vinafco) do ông Kim Jea Hong, chức vụ Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật. Nội dung hợp đồng: Công ty Vinafco thuê anh là lái xe đầu kéo, công việc cụ thể theo bản mô tả vị trí công việc và thực hiện các nhiệm vụ khác do người quản lý trực tiếp và trưởng bộ phận. Loại hợp đồng: Không xác định thời hạn. Địa điểm làm việc: KCN Yên Phong, xã Yên Trung, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Thời gian làm việc: 10 giờ/ngày; làm việc 26 ngày/tháng. Lương cơ bản: 7.000.000 đồng/tháng; lương theo doanh thu: 5% tính theo doanh thu của xe tính đến ngày 26 của tháng. Tiền làm thêm giờ: theo quy định của Luật lao động Việt Nam. Hình thức trả lương: Thanh toán tiền mặt hoặc chuyển khoản vào ngày cuối cùng hàng tháng. Chế độ nâng lương: Ngày 25/12 hàng năm, người lao động thỏa thuận mức lương mới với công ty và các bên thống nhất, quyết định, Phép năm và ngày nghỉ lễ: Theo quy định của Luật lao động Việt Nam. Quá trình làm việc anh C luôn thực hiện đúng công việc được giao và không bị xử phạt hay hình thức kỷ luật gì. Nhưng công ty cố tình không sắp xếp việc làm cho người lao động nhằm làm cho người lao động mất phần lớn thu nhập và phải tự viết đơn xin nghỉ việc. Ngày 12/4/2022, anh C viết đơn xin nghỉ việc tại công ty. Sau 45 ngày anh chính thức nghỉ việc tại công ty và làm đơn khiếu nại đến Tổng giám đốc công ty Vinafco. Ngày 14/7/2021, công ty Vinafco ra Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu số 704/QĐ-TGĐ. Anh không đồng ý với Quyết định nêu trên và khiếu nại lên Thanh tra sở lao động –Thương binh và xã hội tỉnh Bắc Ninh để giải quyết theo thẩm quyền. Ngày 09/11/2021, Sở LĐ-TB&XH đã ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại lần 2. Ngày 12/5/2022, phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Phong cũng có biên bản giải quyết tranh chấp lao động giữa anh và công ty Vinafco. Tuy nhiên các quyết định đều không giải quyết triệt để yêu cầu của anh. Nay anh yêu cầu Tòa án:
1. Buộc công ty Vinafco phải trả anh tiền làm thêm giờ với số tiền 74.436.379 đồng, cụ thể như sau: Tháng 10/2020 là: 7.324.340 đồng; tháng 11/2020 là 6.062.159 đồng; tháng 12/2020 là: 10.640.563 đồng; tháng 01/2021 là 6.076.907 đồng; tháng 02/2021 là 6.354.245 đồng; tháng 3/2021 là 13.528.020 đồng; tháng 04/2021 là 7.401.058 đồng; tháng 05/2021 là 5.269.094 đồng; tháng 07/2021 là 7.756.976 đồng; tháng 08/2021 là 4.023.017 đồng.
2. Yêu cầu công ty công khai cách tính 5% doanh thu theo xe và nếu có phần chênh lệch phải thanh toán cho người lao động do Công ty không công khai minh bạch mà chỉ trả tùy tiện, dựa trên tiêu chí nào thì người lao động không nắm được, không được giải thích, chibao nhiêu biết bấy nhiêu.Ngoài nội dung trên anh Ckhông yêu cầu gì khác.
*Tòa án nhân dân cấp sơ thẩm tuyên:
Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của anh Phạm Hùng C. Buộc Công ty TNHH Logistics HTNS-Vinafco phải trả cho anh C số tiền làm thêm giờ từ tháng 10/2020 đến tháng 8/2021 là 2.540.192 đồng (Hai triệu năm trăm bốn mươi ngàn một trăm chín hai đồng). Đối với khoản tiền chênh lệch 5% tiền doanh thu hàng tháng, anh C không đưa ra được yêu cầu cụ thể nên không xem xét giải quyết.
Ngày 25/11/2022, nguyên đơn là anh Phạm Hùng C kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.
*Tòa án nhân nhân cấp phúc thẩm nhận định:
Sau khi Tòa án sơ thẩm xử, anh C kháng cáo toàn bộ bản án. Xét kháng cáo của anh C:
Thứ nhất, anh C cho rằng Tòa án xác định giờ làm việc của lái xe dựa trên dữ liệu GPS chỉ tính giờ xe lăn bánh là không phù hợp với quy định của pháp luật, không đúng với đặc thù công việc của lái xe container, lái xe phải có trách nhiệm bảo quản xe, hàng hóa trên xe từ khi nhận xe tới khi bàn giao xe về bãi của công ty, ngoài ra lái xe còn phải chờ đợi bốc xếp hàng hóa, làm thủ tục hải quan, test covid trong thời gian dịch bệnh, thời gian sửa chữa xe, đổ xăng dầu... Hội đồng xét xử thấy theo hợp đồng lao động thì các bên không thỏa thuận cụ thể về cách tính thời gian làm thêm trong ngày, tại phiên tòa sơ thẩm cả nguyên đơn và bị đơn đều đồng ý với dữ liệu GPS. Nguyên tắc hoạt động của GPS là sẽ tính thời gian bắt đầu từ lúc cắm chìa khóa vào xe, trong khoảng thời gian đó lái xe có thể làm bất cứ công việc gì, kể cả khi lái xe không ở trong xe. Công việc thực tế hàng ngày của lái xe vận chuyển hàng hóa là nhận lệnh từ nhóm trưởng, sau đó kiểm tra xe và nhận các vận dụng, tiền chi phí cầu đường, vận hành xe đến địa điểm lấy hàng. Tại địa điểm lấy hàng sẽ có người của công ty xếp hàng và kẹp chì cửa thùng xe. Sau đó lái xe vận chuyển hàng đến địa điểm giao hàng, tại địa điểm giao hàng người của công ty sẽ kiểm tra phần kẹp chì và xuống hàng, cuối cùng người lái xe sẽ lái xe về bãi. Như vậy, lái xe chủ động về thời gian khởi hành cũng như thời gian kết thúc chuyến hàng, công ty không quy định cụ thể thời gian của một chuyến hàng là bao nhiêu giờ. Ngoài ra công việc mà anh C nhận là lái xe đầu kéo vận chuyển hàng hóa, như vậy những thủ tục sắp xếp hàng hóa hay thủ tục thông quan, nhận giao hàng... là một phần công việc bắt buộc của người lái xe, công ty chỉ phải trả thêm giờ khi thời gian làm những thủ tục đó kéo dài khiến giờ làm việc của anh C lớn hơn 8 giờ/ngày và anh C cũng phải có nghĩa vụ báo lại cho công ty những tình tiết phát sinh đó. Thế nhưng trong suốt thời gian làm việc anh C chưa lần nào thông báo hay đề nghị công ty xem xét vấn đề làm thêm giờ này. Vì vậy, Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận cách tính giờ của anh C là (Thời gian lăn bánh + thời gian dừng đỗ)-8 giờ/ngày –thời gian làm thêm là có căn cứ và bản án sơ thẩm đã xác định thời gian làm việc thực tế vượt 8 giờ/ngày của anh C là 50,32 giờ tương ứng với số tiền 2.549.142 đồng là đúng quy định của pháp luật.
Thứ hai, anh C cho rằng phía bị đơn cố tình không cung cấp những tài liệu có liên quan đến số tiền 5% doanh thu theo xe nhưng Tòa án cấp sơ thẩm đã không buộc bị đơn phải cung cấp mà chấp nhận lý do bị đơn giải thích rằng “chỉ thỏa thuận miệng với đối tác” để làm căn cứ không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh C là trái quy định pháp luật. Hội đồng xét xử thấy phía công ty Vinafco đã cung cấp cho Tòa án toàn bộ bảng lương chi tiết của anh C từ tháng 10/2020 đến tháng 7/2021 trong đó có số tiền thưởng doanh thu của từng tháng. Ngoài ra trong suốt quá trình giải quyết vụ án anh C không đưa ra được tài liệu chứng cứ nào thể hiện việc Công ty Vinafco không trả cho anh doanh thu 5% hoặc trả thiếu số tiền đó cũng như anh C không đưa ra được yêu cầu số tiền cụ thể mà công ty Vinafco phải trả cho anh do đó Tòa án cấp sơ thẩm không xem xét yêu cầu này của anh C là đúng quy định pháp luật
*Tòa án nhân dân cấp phúc thẩm tuyên:
Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của anh Phạm Hùng C. Buộc Công ty TNHH Logistics HTNS-Vinafco phải trả cho anh C số tiền làm thêm giờ từ tháng 10/2020 đến tháng 8/2021 là 2.540.192 đồng (Hai triệu năm trăm bốn mươi ngàn một trăm chín hai đồng). Đối với khoản tiền chênh lệch 5% tiền doanh thu hàng tháng, anh C không đưa ra được yêu cầu cụ thể nên không xem xét giải quyết.
8. Bản án số 04 ngày 23/01/2019 của TAND tỉnh Lâm Đồng về chấp về quyền, lợi ích liên quan đến việc làm, tiền lương.
*Nội dung bản án:
Theo đơn khởi kiện và lời trình bày tại các bản tự khai của bà Nguyễn Thị Ng thì: Vào ngày 10/11/2015 bà nhận được Quyết định số 2447/QĐ-BHXH của Giám đốc BHXH tỉnh Lâm Đồng về việc “Hưởng chế độ hưu trí hàng tháng” có thể hiện nội dung: thời gian bà Ng có đóng bảo hiểm xã hội là 37 năm 05 tháng (từ tháng 7/1978 đến tháng 11/2015); thời gian làm việc tại Ngân hàng nhà nước –Chi nhánh tỉnh Lâm Đồng từ ngày 01/9/1984 đến hết ngày 31/11/2015 là 31 năm 03 tháng. Trong khi đó bà làm việc trong lực lượng vũ trang – CA tỉnh Lâm Đồng thành phố Đ là 06 năm 02 tháng (từ tháng 7/1978 đến hết tháng 8/1984) trong khoảng thời gian này, bà đã được hưởng phụ cấp thâm niên (theo Nghị định số 63/1963/NĐ-CP) nhưng không được Ngân hàng nhà nước – Chi nhánh tỉnh Lâm Đồng tính cộng dồn để giải quyết chế độ cho bà khi nghỉ hưu. Về chế độ hưu trí thì bà được Ngân hàng nhà nước – Chi nhánh tỉnh Lâm Đồng và BHXH tỉnh Lâm Đồng tính vào lương hưu và đã cộng phụ cấp thâm niên nghề Thanh tra viên (kể từ khi bà có Quyết định phong Thanh tra viên vào tháng 11/2008 đến tháng 11/2015 là 07 năm tương đương với 7%) là đúng với quy định hiện hành. Tuy nhiên thời gian bà công tác tại CA thành phố Đ thì bà cũng được hưởng phụ cấp thâm niên nghề nhưng Ngân hàng nhà nước – Chi nhánh tỉnh Lâm Đồng không tính để cộng vào khi bà được hưởng phụ cấp thâm niên là không đúng với quy định của pháp luật, đã ảnh hưởng đến quyền lợi của bà nên bà Ng có đơn khiếu nại. Ngày 01/8/2016 Giám đốc Nh nhà nước Việt Nam–Chi nhánh tỉnh Lâm Đồng ban hành Quyết định số 767/QĐ-LĐ với nội dung “Do bà Ng không được hưởng phụ cấp thâm niên trong ngành CA tỉnh Lâm Đồng (theo giấy chuyển lương) nên trong khoản tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của bà Ng không có khoản phụ cấp thâm niên trong thời gian bà Ng công tác trong ngành CA tỉnh Lâm Đồng. Nh nhà nước Việt Nam – Chi nhánh tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện chi trả tiền lương, phụ cấp thâm niên nghề Thanh tra và đóng bảo hiểm xã hội cho bà Ng đúng theo quy định của nhà nướcvềphụ cấp thâm niên nghề về bảo hiểm xã hội”. Đơn khiếu nại của bà Ng yêu cầu giải quyết chế độ cho bà theo quy định tại Nghị định số 153/2013/NĐ-CP ngày 08/11/2013 của Chính phủ; Thông tư liên tịch 101/2014/TTLT-BQP-BCA-BLĐTBXH ngày 04/8/2014 của Bộ Quốc Phòng –Bộ CA tỉnh Lâm Đồng–Bộ Lao động thương binh và xã hội. Tuy nhiên, Nh nhà nước Việt Nam – Chi nhánh tỉnh Lâm Đồng vận dụng Thông tư liên tịch 04/2009/TTLT-BNV-BTC ngày 24/12/2009 của Bộ Nội vụ -Bộ Tài chính để giải quyết chế độ cho bà Ng là không chính xác. Do vậy bà Ng khởi kiện yêu cầu Tòa án xem xét, buộc Nh nhà nước Việt Nam – Chi nhánh tỉnh Lâm Đồng tính lại phụ cấp thâm niên của bà trong thời gian bà công tác tại CA tỉnh Lâm Đồng thành phố Đ với số tiền là 26.286.930 đồng.
*Tòa án nhân dân cấp sơ thẩm tuyên:
Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị Ng về tranh chấp phụ cấp thâm niên nghề với Nh nhà nước Việt Nam – Chi nhánh tỉnh Lâm Đồng. Buộc Nh nhà nước Việt Nam – Chi nhánh tỉnh Lâm Đồng phải thực hiện thanh toán 6% phụ cấp thâm niên nghề cho bà Nguyễn Thị Ng trong thời gian công tác tại cơ quan CA tỉnh Lâm Đồng thành phố Đ với số tiền 26.286.930đ, số tiền này cần trích nộp, tính lại bảo hiểm xã hội, chế độ hưu trí và chi trả đầy đủ cho bà Ng khoản tiền chênh lệch phụ cấp thâm niên tăng thêm do được truy lĩnh từ tháng 11/2015 (khi có Quyết định nghỉ hưu) theo quy định của pháp luật. Bảo hiểm xã hội có trách nhiệm thực hiện việc tính toán điều chỉnh cộng khoản tăng phụ cấp thâm niên nghề cho bà Ng vào tiền lương hưu hàng tháng, sau khi trích nộp Bảo hiểm xã hội và Bảo hiểm y tế theo điều chỉnh lương và phụ cấp của Nh nhà nước Việt Nam – Chi nhánh tỉnh Lâm Đồng.
Ngày 28/9/2018, Nh nhà nước Việt Nam – Chi nhánh tỉnh Lâm Đồng có đơn kháng cáo không đồng ý chi trả cho bà Ng số tiền 26.286.930đ như Bản án sơ thẩm đã tuyên.
*Tòa án nhân dân cấp phúc thẩm nhận định:
Qua xem xét thì thấy rằng vào ngày 30/6/1978 bà Ng được tạm tuyển vào công tác tại Ty CA tỉnh Lâm Đồng theo Quyết định số 48/TCCB của Trưởng Ty CA tỉnh Lâm Đồng Lâm Đồng, thời gian công tác từ ngày 01/7/1978. Theo Quyết định số 256/PX13 ngày 15/9/1982 của Giám đốc CA tỉnh Lâm Đồng thì bà Ng được thăng cấp và nâng bậc lương từ hạ sĩ lên trung sĩ từ ngày 01/9/1982. Đến ngày 10/8/1984 Giám đốc CA tỉnh Lâm Đồng có Quyết định số 29/PX13 giới thiệu bà Ng đến nhận công tác tại Nh nhà nước tỉnh Lâm Đồng, ngày 28/8/1984 Giám đốc Chi nhánh Nh nhà nước tỉnh Lâm Đồng ban hành Quyết định số 195/NHLĐ/TCCB tiếp nhận bà Ng về công tác tại Chi nhánh Nh nhà nước tỉnh Lâm Đồng kể từ 01/9/1984. Theo quy định tại các Điều 1, 2, 3 và 4 của Thông tư 54/TT-BCA ngày 30/10/2014 của Bộ CA tỉnh Lâm Đồng quy định về chế độ phụ cấp thâm niên nghề trong CA tỉnh Lâm Đồng nhân dân, trong đó quy định về điều kiện, mức phụ cấp và thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên cụ thể “ Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư này có thời gian phục vụ trong lực lượng thường trực của Quân đội đủ 5 năm (đủ 60 tháng) thì được hưởng phụ cấp thâm niên bằng 5% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có); từ năm thứ 6 trở đi mỗi năm (12 tháng) được tính thêm 1%”.
Nh nhà nước Việt Nam – Chi nhánh tỉnh Lâm Đồng căn cứ vào Giấy chuyển lương ngày 23/8/1984 của CA tỉnh Lâm Đồng đối với bà Ng, nội dung không ghi phụ cấp thâm niên nghề nên cho rằng bà Ng không thuộc trường hợp được hưởng phụ cấp thâm niên nghề là không đúng, bởi lẽ tại Công văn số 2299/CAT-PX13 ngày 30/12/2015 CA tỉnh Lâm Đồng đã xác định bà Ng thuộc trường hợp được tính thâm niên từ tháng 7/1978 đến thời điểm chuyển ngành tháng 8/1984 sang công tác tại Nh nhà nước Việt Nam – Chi nhánh tỉnh Lâm Đồng. Như vậy, phụ cấp thâm niên nghề của bà Ng phải được tính trong khoảng thời gian từ ngày 01/7/1978 đến thời điểm chuyển ngành là tháng 8/1984 sang công tác tại Nh nhà nước Việt Nam – Chi nhánh tỉnh Lâm Đồng. Theo quy định tại Điểm b Khoản 7 Điều 34 Nghị định số 153/2013/NĐ-CP ngày 08/11/2013 của Chính phủ và Điểm b Khoản 3 Thông tư số 101/2014/TTLT-BQP-BCA-BLĐTBXH ngày 04/8/2014 của Bộ quốc phòng, Bộ CA tỉnh Lâm Đồng, Bộ lao động thương binh xã hội thì “Trường hợp quân nhân, CA tỉnh Lâm Đồng nhân dân, người làm công tác cơ yếu chuyển ngành sang các ngành nghề được hưởng phụ cấp thâm niên nghề và trong tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội làm căn cứ tính lương hưu đã có phụ cấp thâm niên nghề thì mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu thực hiện theo hướng dẫn tại Khoản 6, Khoản 7 Mục IV Phần A Thông tư liên tịch số 148/2007/TTLT/BQP-BCA BLĐTBXH. Thời gian được tính thâm niên nghề làm cơ sở tính mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính hưởng lương hưu là tổng thời gian làm việc trong các ngành nghề được hưởng phụ cấp thâm niên nghề (có đóng bảo hiểm xã hội); nếu không liên tục thì được cộng dồn; thời gian làm việc được tính hưởng nhiều loại thâm niên nghề cùng một lúc thì chỉ được tính hưởng một loại thâm niên nghề”. Do đó bà Ng được hưởng phụ cấp thâm niên nghề cộng dồn cả thời gian bà Ng công tác trong lực lượng vũ trang - CA thành phố Đ trước khi chuyển ngành từ tháng 7/1978 đến tháng 8/1984 là 06 năm 02 tháng và phụ cấp thâm niên nghề trong thời gian vừa nêu mà bà Ng được hưởng là 6%.
Tại Quyết định số 2762/QĐ-NHNN ngày 14/11/2008 Thống đốc Ngân hàng nhà nước đã bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Ng làm Thanh tra viên Nh nhà nước Việt Nam–Chi nhánh tỉnh Lâm Đồng kể từ ngày 01/11/2008, hệ số lương là 4,32, nên số tiền phụ cấp thâm niên nghề của bà Ng được tính như sau:
Từ tháng 11/2008 đến tháng 11/2010: 1.150.000đ x 4,32 x 6% x 24 tháng = 7.153.920đ.
Từ tháng 12/2010 đến tháng 11/2013: (35 tháng, hệ số lương 4,65, thâm niên nghề 6%): 1.150.000đ x 4,65 x 6% x 35 tháng = 11.229.750đ.
Từ tháng 12/2013 đến tháng 11/2015 (23 tháng, hệ số lương 4,98, thâm niên nghề là 6%): 1.150.000đ x 4,98 x 6% x 23 tháng = 7.903.260đ.
Tổng cộng cả ba khoản vừa nêu là 26.286.930đ.
Việc Nh nhà nước Việt Nam – Chi nhánh tỉnh Lâm Đồng vận dụng Thông tư liên tịch số 04/2009/TTLT-BNV-BTC ngày 29/12/2009 để giải quyết chế độ cho bà Nglà không chính xác, cần phải thực hiện thanh toán 6% phụ cấp thâm niên nghề cho bà Ng trong thời gian công tác tại ngành CA tỉnh Lâm Đồng trước khi chuyển ngành, cộng với thời điểm bổ nhiệm Thanh tra viên từ ngày 01/11/2008 đến tháng 11/2015 (thời điểm nghỉ hưu) với tổng số tiền là 26.286.930đ. Nh nhà nước Việt Nam – Chi nhánh tỉnh Lâm Đồng phải thực hiện trích nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định hiện hành.
BHXH tỉnh Lâm Đồng thực hiện tính toán điều chính cộng khoản tăng phụ cấp thâm niên nghề cho bà Ng vào tiền lương hưu hàng tháng, sau khi trích nộp Bảo hiểm xã hội và Bảo hiểm y tế, chi trả đầy đủ cho bà Ng khoản tiền chênh lệch phụ cấp tăng thêm được truy lĩnh từ tháng 11/2015 (khi có Quyết định nghỉ hưu) đến thời điểm Bản án có hiệu lực pháp luật theo quy định.
*Tòa án nhân dân cấp phúc thẩm tuyên:
Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị Ng về việc "Tranh chấp phụ cấp thâm niên nghề" đối với Nh nhà nước Việt Nam – Chi nhánh tỉnh Lâm Đồng. Buộc Nh nhà nước Việt Nam – Chi nhánh tỉnh Lâm Đồng phải thực hiện thanh toán 6% phụ cấp thâm niên nghề cho bà Nguyễn Thị Ng trong thời gian công tác tại cơ quan CA thành phố Đ với số tiền 26.286.930đ, số tiền này cần trích nộp, tính lại bảo hiểm xã hội, chế độ hưu trí và chi trả đầy đủ cho bà Ng khoản tiền chênh lệch phụ cấp thâm niên tăng thêm do được truy lĩnh từ tháng 11/2015 (khi có Quyết định nghỉ hưu) theo quy định của pháp luật. BHXH tỉnh Lâm Đồng có trách nhiệm thực hiện việc tính toán điều chỉnh cộng khoản tăng phụ cấp thâm niên nghề cho bà Ng vào tiền lương hưu hàng tháng, sau khi trích nộp Bảo hiểm xã hội và Bảo hiểm y tế theo điều chỉnh lương và phụ cấp của Nh nhà nước Việt Nam–Chi nhánh tỉnh Lâm Đồng.
9. Bản án số 03/2018/LĐ-PT ngày 09/10/2018 của TAND tỉnh Lâm Đồng về tranh chấp về quyền, lợi ích liên quan đến việc làm, tiền lương.
*Nội dung bản án:
Ông Nguyễn Thế T trình bày: Tháng 10/2016 ông xin vào làm việc (với nhiệm vụ bảo vệ) tại Công ty TNHH HGSSC do ông Bùi Văn N làm giám đốc. Khi xin vào làm việc thì không kí hợp đồng lao động bằng văn bản vì ông N nói chỉ cần đơn xin việc và hồ sơ thì sẽ đi làm ngay. Mức lương làm việc hàng tháng 4.200.000đ/tháng. Thời gian làm việc 15 tiếng (từ 16h30 chiều ngày hôm trước đến 07h30 sáng ngày hôm sau). Tháng đầu tiên ông được điều làm bảo vệ tại kho súng sơn của Khu du lịch T,Đ. Sau khi làm được 01 tháng thì Công ty điều ông làm bảo vệ ban đêm tại nhà vườn Đở đèo M và ban ngày thì về Công ty Đ ở đường N, Phường K, thành phố Đ. Sau đó ông tiếp tục được điều làm ở nhiều nơi như ở nhà hàng đường B, quầy thuốc tây ở chợ Đ, nhà thuốc N. Những tháng đầu làm việc thì Công ty trả tiền lương cho ông đầy đủ. Những lần đi trực ông đều có kí bàn giao ca trực vào sổ trực. Sau khi làm được một thời gian thì ông làm đơn xin nghỉ việc, có chữ ký xác nhận của ông Bùi Văn N, trong khi chờ chưa đến ngày nghỉ thì ông N gọi điện thoại báo ông nghỉ ở nhà. Từ khi ông nghỉ thì công ty không tiếp tục thanh toán tiền lương những tháng còn lại cho ông. Ông đã đến công ty liên hệ để đòi lại số tiền lương 02 tháng và tiền tăng ca nhưng Công ty không trả. Nay ông làm đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án nhân dân thành phố Đà Lạt buộc Công ty TNHH HGSSC trả ông tiền lương của tháng 02/2017 tháng 03/2017 và tăng ca tổng cộng là 11.720.000đ. Ngoài ra ông không có yêu cầu gì khác.
*Tòa án nhân dân cấp sơ thẩm tuyên:
Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Thế T kiện Công ty TNHH HGSSC do ông Bùi Văn N làm giám đốc Buộc Công ty TNHH HGSSC, do ông Bùi Văn N làm giám đốc trả cho ông Nguyễn Thế Ttiền lương 3.640.000đ (Ba triệu sáu trăm bốn mươi ngàn đồng).
*Tòa án nhân dân cấp phúc thẩm nhận định:
- Đối với thời gian tham gia quan hệ lao động: Măc dù phía nguyên đơn người lao động không xuất trình được hợp đồng lao động và chứng cứ khác để chứng minh cho quan hệ lao động với bị đơn Công ty TNHH HGSSC, nhưng theo các tài liệu có hồ sơ vụ án và lời trình bày của các nhân chứng nguyên trước đây là nhân viên của bị đơn Công ty TNHH HGSSC thì có đủ căn cứ để xác định ông Nguyễn Thế T là nhân viên bảo vệ cho Công ty TNHH HGSSC thời gian tham gia quan hệ lao động được xác định là từ ngày 08/3/2017 đến ngày 02/4/2017. Nguyên đơn cho rằng tham gia quan hệ lao động với bị đơn từ tháng 10/2016 nhưng không xuất trình chứng cứ để chứng minh cho thời gian tham gia lao động như đã trình bày, trong khi phía bị đơn không thừa nhận có quan hệ lao động với nguyên đơn. Bản án sơ thẩm xác định thời gian tham gia lao động của nguyên đơn ông Nguyễn Thế T đối với bị đơn Công ty TNHH HGSSC là 24 ngày kề từ ngày 08/3/2017 đến ngày 02/4/2017 là có căn cứ, đúng pháp luật.
- Đối với khoản tiền lương trong những ngày nguyên đơn ông Nguyễn Thế T tham gia quan hệ lao động với Công ty TNHH HGSSC: Theo lời trình bày của nguyên đơn thì công việc mà nguyên đơn thực hiện đối với bị đơn là không phải công việc có thời hạn dưới 03 tháng nên khi xác lập quan hệ lao động hai bên phải giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản theo theo theo quy định tại Điều 16 của Bộ luật Lao động năm 2012 để xác lập các quyền, nghĩa vụ về tiền lương, các chế độ lao động và chính sách khác liên quan đến quan hệ lao động đối với người lao động và người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động. Tại Tòa án sơ thẩm, bị đơn Công ty TNHH HGSSC đã được triệu tập hợp lệ nhiều lần nhưng cố tình không đến Tòa. Cấp sơ thẩm căn cứ vào các tài liệu chứng cứ đã thu thập trong hồ sơ vụ án xác định mức lương bình quân đối với công việc của ông Nguyễn Thế T tham gia quan hệ lao động với Công ty TNHH HG SSC tại thời điểm tháng 3/2017 là 4.200.000đ/tháng là có căn cứ phù hợp quy định tại Điều 90 về tiền lương của Bộ luật Lao động năm 2012. Tuy nhiên bản án sơ thẩm xác định khoản tiền lương đối với nguyên đơn ông Nguyễn Thế T từ ngày 08/3/2017 đến ngày 02/4/2017 là chưa chính xác theo quy định tại khoản 1 Điều 110 về thời gian nghỉ hàng tuần của Bộ luật Laocđộng năm 2012. Theo đó người lao động một tháng được nghỉ 04 ngày nên thời gian làm việc được xác định bình quân trong một tháng là 26 ngày, mức tiền lương lao động của ông T được xác định là 161.538.500đ/ ngày (4.200.000đ/ tháng: 26 ngày = 161.538.500đ/ ngày). Căn cứ vào các biên bản giao nhận ca trực do bị đơn Công ty TNHH HGSSC giao cho nhân viên thực hiện nhiệm vụ bảo vệ mục tiêu ghi chép khi tiến hành bàn giao ca trực thể hiện từ ngày 08/3/2017 đến ngày 02/3/2017 đối với thời gian làm việc cũa ông T là 25 ngày nên tiền lương của ông T trong thời gian này là 161.538.500đ x 25 ngày = 4.038.500đ, nên cần chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn đối với bị đơn sửa bản án sơ thẩm đối với khoản tiền lương nói trên để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
- Đối với khoản tiền trợ cấp tiền xăng, tiền làm tăng ca: Phía nguyên đơn ông T khởi kiện ngoài khoản tiền lương còn có khoản tiền trợ cấp tiền xăng số tiền 800.000đ/tháng do làm ở mục tiêu xa và số tiền làm tăng ca là 2.520.000đ nhưng ông xuất trình được chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu này.
*Tòa án nhân dân cấp phúc thẩm tuyên:
Chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn ông Nguyễn Thế T đối với bị đơn Công ty TNHH HGSSC. Sửa Bản án Lao động sơ thẩm số 02/2018/LĐ-ST ngày 19/6/2018 của Tòa án nhân dân thành phố Đà Lạt.
10. Bản án số 06 ngày 02/11/2022 của TAND tỉnh Tây Ninh về tranh chấp về quyền, lợi ích liên quan đến việc làm, tiền lương.
*Nội dung bản án:
Bà Lê Thị Bích H trình bày: Bà công tác tại Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác Thủy lợi T (sau đây gọi tắt là Công ty Khai thác Thủy lợi T):
- Từ ngày 01/02/1992 đến ngày 30/4/2016, là nhân viên kế toán Phòng Tài vụ.
- Từ ngày 01/5/2016 đến ngày 31/12/2016: Phó Trưởng Phòng Tài vụ.
- Ngày 23/12/2016, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh ban hành Quyết định số: 3304/QĐ-UBND, bổ nhiệm bà chức vụ Kiểm soát viên chuyên trách tại Công ty Khai thác Thủy lợi T, thời gian giữ chức vụ là 03 năm, kể từ ngày 01/01/2017 đến ngày 31/12/2019. Do không phải là công chức, không đủ tiêu chuẩn nên sau khi hết nhiệm kỳ bà không được bổ nhiệm lại chức vụ này. Vì vậy, bà làm đơn xin thôi việc kể từ ngày 20/12/2019 và đã được UBND tỉnh đồng ý cho bà thôi việc theo Quyết định số: 982/QĐ-UBND ngày 14/5/2020, thời điểm thôi việc kể từ ngày 20/12/2019 và được hưởng trợ cấp thôi việc theo quy định hiện hành.
Ngày 16/7/2020, Công ty Khai thác Thủy lợi T ra Quyết định số: 228/QĐ- TLTN về việc chi trả trợ cấp thôi việc cho bà H, tính tiền trợ cấp thôi việc của bà như sau: Căn cứ Nghị định số 38/2019/NĐ-CP ngày 09/5/2019 của Chính phủ thì tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là mức tiền lương cơ sở nhân với hệ số lương đang hưởng: 5,98 x 1.490.000 đồng = 8.910.200 đồng, nên tiền trợ cấp thôi việc của bà được hưởng: 8.910.200 đồng x 1/2 tháng lương x 28 năm = 124.742.800 đồng.
Bà không đồng ý với quyết định 228, vì bà là viên chức quản lý nhà nước trong doanh nghiệp, tiền lương hàng tháng bà được hưởng là 23.000.000 đồng theo Phụ lục II Nghị định số 52/2016/NĐ-CP ngày 13/6/2016 của Chính phủ. Đây là tiền lương chi trả theo hình thức hạng doanh nghiệp chứ không phụ thuộc theo hệ số nhân với mức lương cơ bản. Do đó, việc Công ty Khai thác Thủy lợi T căn cứ vào hệ số lương theo ngạch bậc nhân với mức lương cơ sở theo Nghị định số 38/2019/NĐ-CP ngày 09/5/2019 của Chính phủ là không đúng vì đối tượng áp dụng để tính mức lương cơ sở theo Nghị định 38 này phải là viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của Luật viên chức năm 2010, còn bà là viên chức quản lý nhà nước trong doanh nghiệp nhà nước nên việc áp dụng quy định tại Nghị định 38 này đối với bà là không đúng mà phải tính theo quy định tại Nghị định 46/2010/NĐ-CP ngày 27/4/2010, cụ thể: tại Điều 5 quy định: đối với công chức thôi việc được hưởng trợ cấp thôi việc như sau: cứ mỗi năm làm việc được tính bằng 1/2 tháng lương hiện hưởng gồm mức lương theo ngạch, bậc, phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề và hệ số chênh lệch bảng lương nếu có. Mức đóng bảo hiểm xã hội hàng tháng của bà tính trên hệ số lương cơ bản, bà đã nộp bảo hiểm xã hội 28 năm, nên khi nghỉ việc bà được hưởng chế độ hưu, lãnh tiền lương hưu hàng tháng, nên không yêu cầu giải quyết về chế độ bảo hiểm xã hội. Như vậy, căn cứ theo quy định này thì công ty có nghĩa vụ phải trả cho bà tiền trợ cấp thôi việc là (23.000.000 đồng/tháng : 2) x 28 năm = 322.000.000 đồng.
Bà H yêu cầu Tòa án giải quyết buộc Công ty Khai thác Thủy lợi T căn cứ theo Điều 5 Nghị định 46/2010/NĐ-CP ngày 27/4/2010 để tính tiền trợ cấp thôi việc trả cho bà số tiền là 322.000.000 đồng.
*Tòa án nhân dân cấp sơ thẩm tuyên:
Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Lê Thị Bích H đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác Thủy lợi T. Buộc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác Thủy lợi T có nghĩa vụ trả cho bà H số tiền trợ cấp thôi việc là 322.000.000 đồng (ba trăm hai mươi hai triệu đồng).
Ngoài ra bản án còn tuyên về án phí, nghĩa vụ chậm thi hành và quyền kháng cáo của các đương sự.
Nội dung kháng cáo: Công ty Khai thác Thủy lợi T không đồng ý với bản án sơ thẩm, không đồng ý việc chi trả cho bà Lê Thị Bích H 322.000.000 đồng, chỉ chấp nhận chi trả tiền trợ cấp thôi việc cho bà H 124.742.800 đồng.
*Tòa án nhân dân cấp phúc thẩm nhận định:
1. Các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và lời trình bày của các đương sự tại phiên tòa phúc thẩm, có cơ sở xác định: bà Lê Thị Bích H được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh bổ nhiệm chức vụ là Kiểm soát viên chuyên trách Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Tây Ninh, thời hạn 03 năm kể từ ngày 01-01- 2017 theo Quyết định số 3304/QĐ-UBND ngày 23-12-2016; được xếp lương bậc 1/2, hệ số 5,98 của công ty hạng 1 theo Quyết định số 652/QĐ-UBND ngày 23-3- 2017.
2. Căn cứ vào Bảng thanh toán tiền lương Kiểm soát viên công ty và lời trình bày của các bên thể hiện: hàng tháng Công ty Khai thác Thủy lợi T trả cho bà H 80% tiền lương của mức lương 23.000.000 đồng sau khi đã trừ thanh toán các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; còn 20% tiền lương còn lại sẽ xem xét vào cuối năm sau khi Ủy ban nhân dân tỉnh thẩm định hoạt động kinh doanh của Công ty, nếu năm đó vượt kết quả chỉ tiêu kinh doanh thì bà H sẽ được trả 20% còn lại, còn không đạt chỉ tiêu thì bà H không được nhận 20% còn lại.
Tại khoản 1 và khoản 3 Điều 4 của Nghị định số: 52/2016/NĐ-CP ngày 13/6/2016 quy định: “1. Tiền lương đối với người quản lý công ty chuyên trách được xác định và trả lương gắn với hiệu quả sản xuất, kinh doanh, kết quả quản lý, điều hành hoặc kiểm soát, có khống chế mức hưởng tối đa và bảo đảm tương quan hợp lý với tiền lương của người lao động trong công ty”; “3. Hàng tháng, người quản lý công ty được tạm ứng 80% của số tiền lương, thù lao tạm tính cho tháng đó; số 20% còn lại được quyết toán và chi trả vào cuối năm”.
Như vậy, có cơ sở xác định tiền lương Công ty Khai thác Thủy lợi T trả cho bà H hàng tháng là khoản tiền lương gắn với hiệu quả thực hiện công việc kiểm soát và thù lao của bà H đối với Công ty.
3. Tại khoản 1 Điều 4 Thông tư số: 27/2016/TT-BLĐTBXH ngày 01/9/2016 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định: “Người quản lý công ty chuyên trách được chuyển xếp lương theo chức danh đảm nhận và hạng công ty theo Bảng hệ số lương của người quản lý công ty chuyên trách tại Phụ lục số I ban hành kèm theo Nghị định số: 52/2016/NĐ-CP ngày 13/6/2016 của Chính phủ. Hệ số lương tại phụ lục I nhân với mức lương cơ sở do Chính phủ quy định từng thời kỳ được làm căn cứ thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và giải quyết các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật…”. Như vậy, hệ số lương 5,98 không chỉ là cơ sở để tính tiền bảo hiểm xã hội, còn là cơ sở để giải quyết quyền lợi khi bà H thôi việc đó là quyền lợi được hưởng trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 66 Nghị định số: 97/2015/NĐ-CP ngày 19/10/2015. Còn khoản tiền lương bà H thực lãnh hàng tháng trong đó có khoản tiền lương gắn với hiệu quả kiểm soát và thù lao, không đúng với quy định tại Điều 5 Nghị định số: 46/2010/NĐ-CP ngày 27/4/2010. Mặt khác, bà H làm việc tại Công ty Khai thác Thủy lợi T thông qua hình thức bổ nhiệm, có hệ số lương cụ thể. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ vào tiền lương thực lãnh, áp dụng Điều 48 của Bộ luật Lao động năm 2012 Bộ luật lao động là không phù hợp.
4. Tiền trợ cấp thôi việc của bà H được xác định theo quy định tại Điều 5, Điều 6 của Nghị định số: 46/2010/NĐ-CP ngày 27/4/2010 và khoản 1 Điều 4 Thông tư số: 27/2016/TT-BLĐTBXH ngày 01/9/2016 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định, cụ thể: 5,98 nhân với mức lương cơ sở 1.490.000 đồng chia 2 nhân 28 năm = 124.742.800 đồng; bà H yêu cầu 322.000.000 đồng là không có căn cứ. Do đó, kháng cáo của bị đơn có cơ sở chấp nhận; đề nghị của Kiểm sát viên không được chấp nhận.
*Tòa án nhân dân cấp phúc thẩm tuyên:
1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Lê Thị Bích H đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác Thủy lợi T.
Buộc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác Thủy lợi T có nghĩa vụ trả cho bà Lê Thị Bích H 124.742.800 đồng (một trăm hai mươi bốn triệu bảy trăm bốn mươi hai nghìn tám trăm) đồng tiền trợ cấp thôi việc.
Kể từ ngày bà H có đơn yêu cầu thi hành án, nếu Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác Thủy lợi T không chịu trả số tiền trên thì hàng tháng Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác Thủy lợi T còn phải trả cho bà H số tiền lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả theo quy định tại Điều 468 của Bộ luật Dân sự.
2. Không chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Lê Thị Bích H đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác Thủy lợi T yêu cầu trả trợ cấp thôi việc 197.257.200 đồng.
Trên đây là danh sách 10 bản án lao động về tranh chấp việc làm, tiền lương của Toà án cấp phúc thẩm. Nhằm mang lại dịch vụ pháp lý tốt nhất cho khách hàng, mọi thắc mắc cần giải đáp khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi theo thông tin phía dưới.
Công ty Luật TNHH MTV DB (DB Legal) là Công ty Luật Việt Nam cung cấp các dịch vụ pháp lý uy tín, chuyên nghiệp. Với đội ngũ nhân sự trách nhiệm, có chuyên môn cao, DB Legal là đối tác tin cậy cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp trong các vấn đề pháp lý tại Việt Nam.
Để biết thêm thông tin chi tiết vui lòng liên hệ với chúng tôi
Local Office Numbers: | |
Hotline/Zalo/Whatsapp: | +84 357 466 579 |
Email: | contact@dblegal.vn |
Bài viết liên quan:
- Tổng hợp 10 bản án hôn nhân gia đình có tranh chấp về tài sản, nuôi con mà vợ chồng sống chung không đăng ký kết hôn
- Tổng hợp 10 bản án hôn nhân gia đình có tranh chấp xác định cha mẹ cho con hoặc con cho cha mẹ
- Tổng hợp 10 bản án hôn nhân gia đình có tranh chấp tài sản sau ly hôn
- Tổng hợp 10 bản án hôn nhân gia đình có tranh chấp về quyền nuôi con.
- Tổng hợp 10 bản án hôn nhân gia đình có tranh chấp về tài sản là quyền sử dụng đất.
- Công văn 60/TB-VKS-DS thông báo Rút kinh nghiệm về kiểm sát việc giải quyết vụ án dân sự
- Tổng hợp 10 bản án lao động về tranh chấp học nghề, tập nghề của Tòa án cấp phúc thẩm
- Tổng hợp 10 bản án lao động về tranh chấp xử lý kỷ luật, sa thải, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của Tòa án cấp phúc thẩm
- Tổng hợp 10 bản án lao động về tranh chấp bồi thường thiệt hại, trợ cấp của Toà án cấp phúc thẩm.
- Tổng hợp 10 bản án liên quan đến tranh chấp giữa các thành viên trong công ty