Quy định mới về chủ sở hữu hưởng lợi theo quy định Luật Doanh Nghiệp sửa đổi bổ sung (tiếp theo)
Quy định mới về chủ sở hữu hưởng lợi tiếp tục được quy định cụ thể tại Nghị định số 168/2025/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2025. Nghị định số 168/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.
Mục lục:
Tiếp nối nghiên cứu về chủ sở hữu hưởng lợi theo quy định mới của Luật Doanh nghiệp sửa đổi bổ sung tại đây, DB Legal xin tiếp tục với bài viết liên quan đến chủ sở hữu hưởng lợi theo quy định tại Nghị định số 168/2025/NĐ-CP.
I. Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp là ai
Theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 168/2025/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2025 ("NĐ 168") thì tiêu chí xác định chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp gồm
Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp có tư cách pháp nhân (sau đây gọi là chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp) là cá nhân đáp ứng một trong các tiêu chí sau:
a) Cá nhân sở hữu trực tiếp hoặc sở hữu gián tiếp từ 25% vốn điều lệ hoặc 25% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết trở lên của doanh nghiệp;
b) Cá nhân có quyền chi phối việc thông qua ít nhất một trong các vấn đề sau: Bổ nhiệm, miễn nhiệm hoặc bãi nhiệm đa số hoặc tất cả thành viên hội đồng quản trị, chủ tịch hội đồng quản trị, chủ tịch hội đồng thành viên; người đại diện theo pháp luật, giám đốc hoặc tổng giám đốc của doanh nghiệp; sửa đổi, bổ sung điều lệ của doanh nghiệp; thay đổi cơ cấu tổ chức quản lý công ty; tổ chức lại, giải thể công ty.
Cá nhân sở hữu gián tiếp theo quy định tại điểm a là cá nhân sở hữu từ 25% vốn điều lệ hoặc 25% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết trở lên của doanh nghiệp thông qua tổ chức khác.
II. Kê khai thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi và thông tin để xác định chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp
1. Người thành lập doanh nghiệp, doanh nghiệp kê khai, thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp (UBO) như sau:
a) Cá nhân là cổ đông sở hữu từ 25% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết trở lên;
b) Cá nhân là thành viên sở hữu từ 25% vốn điều lệ trở lên của công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên;
c) Cá nhân là chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.
2. Người thành lập doanh nghiệp, doanh nghiệp tự xác định chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 17 Nghị định 168 và kê khai, thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh (nếu có).
3. Người thành lập doanh nghiệp, doanh nghiệp kê khai, thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh thông tin cổ đông là tổ chức sở hữu từ 25% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết trở lên. Thông tin của cổ đông là tổ chức bao gồm: Tên tổ chức, mã số doanh nghiệp/số quyết định thành lập, ngày cấp, nơi cấp, địa chỉ trụ sở chính, tỷ lệ sở hữu tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Doanh nghiệp lưu giữ Danh sách chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp đã kê khai, thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh theo quy định tại Nghị định này dưới hình thức văn bản giấy hoặc văn bản điện tử.
III. Kết luận:
Tóm lại, quy định về việc xác định và báo cáo thông tin chủ sở hữu hưởng lợi (UBO) trong Luật Doanh nghiệp sửa đổi, bổ sung và nghị định 168 là một bước tiến pháp lý quan trọng, đánh dấu sự nỗ lực của Việt Nam trong việc minh bạch hóa môi trường kinh doanh. Đây không chỉ là yêu cầu nhằm làm rõ cơ cấu sở hữu thực tế tại các doanh nghiệp mà còn là công cụ đắc lực trong công tác phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, đáp ứng các chuẩn mực quốc tế mà Việt Nam đã cam kết.
Do đó, các doanh nghiệp cần phải nhận thức rõ nghĩa vụ mới này. Việc chủ động rà soát lại cơ cấu tổ chức, xác định chính xác các chủ sở hữu hưởng lợi và chuẩn bị sẵn sàng cho việc kê khai thông tin là hết sức cần thiết. Đối với các doanh nghiệp có cấu trúc sở hữu phức tạp, việc tìm đến sự tư vấn từ các chuyên gia pháp lý để đảm bảo tuân thủ đúng và đầy đủ là một bước đi khôn ngoan, giúp phòng tránh các rủi ro pháp lý tiềm ẩn.
Việc tuân thủ nghiêm túc quy định về chủ sở hữu hưởng lợi không chỉ là nghĩa vụ pháp lý mà còn góp phần nâng cao uy tín, sự minh bạch và tạo dựng niềm tin vững chắc với các đối tác, tổ chức tín dụng và nhà đầu tư trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng hiện nay.
Mẫu kê khai chủ sở hữu hưởng lợi như sau, mẫu này là thành phần bắt buộc trong tất cả hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.
Thông tin có trong bài viết này mang tính chất chung và chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin về quy định pháp luật. DB Legal sẽ không chịu trách nhiệm cho bất kỳ việc sử dụng hoặc áp dụng thông tin cho bất kỳ mục đích kinh doanh nào. Để có tư vấn pháp lý chuyên sâu, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi.
For more information:
📞: +84 357 466 579
📧: contact@dblegal.vn
🌐Facebook: DB Legal Vietnamese Fanpage or DB Legal English Fanpage
Bài viết liên quan:
- Vị trí Khu Thương Mại Tự Do Đà Nẵng
- Quy định về mở và sử dụng tài khoản bằng đồng Việt Nam để thực hiện hoạt động đầu tư gián tiếp nước ngoài
- Quy định mới về chủ sở hữu hưởng lợi theo quy định Luật Doanh Nghiệp sửa đổi bổ sung
- Các Loại Giấy Phép Kinh Doanh Rượu/Đồ Uống Có Cồn tại Việt Nam
- Quy định của Hiệp định WTO Về Đầu Tư
- [Cập nhật 2025] Thủ tục thành lập Hair Salon hay Hair Beauty vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam
- [Cập nhật 2025] Thủ tục thành lập Công ty Spa and Massage vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam
- [Cập nhật 2025] Thủ tục thành lập bệnh viên vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (CPC 9311)
- Thủ tục thành lập công ty sản xuất, phân phối mỹ phẩm có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam
- C/O (Certificate of Origin) "Chìa khóa vàng" cho hoạt động xuất nhập khẩu và hưởng ưu đãi thuế