Banner

Bán hàng qua Facebook và các trang thương mại điện tử có cần đăng kí kinh doanh không?

Khi xuất hiện các trang mạng xã hội (Facebook, Zalo, ....), nền tảng bán hàng điện tử (Lazada, Shopee,Tiki...) , xu hướng kinh doanh và tiêu dùng của người dân có nhiều thay đổi. Thay vì thói quen mua bán hàng hóa trực tiếp, tại chỗ thì người dân ngày càng ưa chuộng việc mua bán trên các sàn giao dịch thương mại điện tử hoặc mạng xã hội. Không thể phủ nhận các lợi ích khi mua bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử mang lại như: tiết kiệm thời gian, hàng hóa đa dạng, chỉ bằng một cú nhấp chuột thì hàng hóa đã được giao đến tận nhà, rút ngắn thời gian mua hàng cho người dân đồng thời tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, liệu việc bán hàng online trên Facebook và các sàn thương mại điện tử có cần đăng kí kinh doanh hay không? Hãy cùng DB Legal tìm hiểu các quy định về việc này cùng bài viết dưới đây

1. Sàn giao dịch thương mại điện tử là gì?

Căn cứ theo quy định tại Khoản 9 Điều 3 Nghị định 52/2013 quy định về Thương mại điện từ thì Sàn giao dịch thương mại điện tử được hiểu là:“Sàn giao dịch thương mại điện tử là website thương mại điện tử cho phép các thương nhân, tổ chức, cá nhân không phải chủ sở hữu website có thể tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên đó. Sàn giao dịch thương mại điện tử trong Nghị định này không bao gồm các website giao dịch chứng khoán trực tuyến.”

Ví dụ một số cái tên như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo.

2. Bán hàng online trên các sàn giao dịch thương mại điện tử có cần đăng kí kinh doanh?

- Căn cứ theo quy định tại Phụ lục IV Luật đầu tư năm 2020 quy định những ngành nghề kinh doanh có điều kiện bắt buộc phải đăng kí kinh doanh thì việc kinh doanh bán hàng online nói chung không bắt buộc phải đăng kí kinh doanh.

- Mặt khác, căn cứ theo quy định tại Điều 3 Nghị định 39/2007/NĐ-CP về hoạt động thương mại một cách độc lập thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh gồm:

“a) Buôn bán rong (buôn bán dạo) là các hoạt động mua, bán không có địa điểm cố định (mua rong, bán rong hoặc vừa mua rong vừa bán rong), bao gồm cả việc nhận sách báo, tạp chí, văn hóa phẩm của các thương nhân được phép kinh doanh các sản phẩm này theo quy định của pháp luật để bán rong;

b) Buôn bán vặt là hoạt động mua bán những vật dụng nhỏ lẻ có hoặc không có địa điểm cố định;

c) Bán quà vặt là hoạt động bán quà bánh, đồ ăn, nước uống (hàng nước) có hoặc không có địa điểm cố định;

d) Buôn chuyến là hoạt động mua hàng hóa từ nơi khác về theo từng chuyến để bán cho người mua buôn hoặc người bán lẻ;

đ) Thực hiện các dịch vụ: đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh và các dịch vụ khác có hoặc không có địa điểm cố định;

e) Các hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh khác.”

Theo đó, các trường hợp kinh doanh thuộc phạm vi nêu tại Điều 3 Nghị định 39/2007/NĐ-CP thì không phải đăng ký kinh doanh.

Bên cạnh đó, căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp, quy định: “Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký hộ kinh doanh, trừ trường hợp kinh doanh các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định mức thu nhập thấp áp dụng trên phạm vi địa phương.”

Và căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 1 Thông tư 21/2018 sửa đổi một số điều của Thông tư số 47/2014/TT – BCT quy định về quản lý website thương mại điện tử thì chỉ có các thương nhân, tổ chức có website thương mại điện tử trên đó cung cấp ít nhất một trong các dịch vụ gồm: “Dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử; Dịch vụ khuyến mại trực tuyến; Dịch vụ đấu giá trực tuyến” thì phải tiến hành đăng ký kinh doanh và đăng ký dưới hình thức giao dịch điện tử với Bộ Công thương.

Như vậy, đối chiếu theo các quy định trên thì đối với cá nhân kinh doanh online qua mạng xã hội cụ thể là trên các sàn giao dịch điện tử không phải đăng ký kinh doanh với Bộ Công thương. Trách nhiệm đăng ký thuộc về doanh nghiệp vận hành website/mạng xã hội có chuyên mục mua bán. Tùy vào website mà bạn sẽ được tham gia đăng tin mua bán hàng hóa và dịch vụ của mình, ví dụ như Shopee, Tiki, Lazada, Facebook, Instagram.

Mặc dù không phải thực hiện nghĩa vụ đăng ký kinh doanh nhưng cá nhân kinh doanh bán hàng online trên các sàn giao dịch thương mại điện tử có trách nhiệm liên quan đến cung cấp những thông tin liên quan đến hàng hóa, dịch vụ, tình hình kinh doanh..., cũng như phải tuân thủ các quy định của pháp luật về thanh toán, quảng cáo, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và đặc biệt là phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về thuế (Căn cứ Điều 37 Nghị định 52/2013/NĐ-CP quy định về trách nhiệm của người bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử).

Như vậy, việc kinh doanh online trên Facebook và các sàn giao dịch thương mại điện tử không phải đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, khi kinh doanh online qua mạng xã hội và trên các sàn giao dịch thương mại điện tử khách hàng lưu ý về trách nhiệm của mình như việc cung cấp chính xác và đầy đủ những thông tin liên quan đến hàng hóa, dịch vụ,…kinh doanh trong sạch và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo đúng quy định của pháp luật.

Để có thêm thông tin chi tiết : Our Vietnamese social page or  English social page

Local Office Numbers:
Hotline/Zalo/Whatsapp: +84 357 466 579
Email: contact@dblegal.vn

Liên hệ

Địa chỉ 1: Tầng 3, Tòa nhà Indochina Riverside Tower, 74 Bạch Đằng, Quận Hải Châu, Thành phố Đà Nẵng, Việt Nam

Địa chỉ 2: 28 Thanh Lương 20, Phường Hòa Xuân, Quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng

Hotline 1: (+84) 357 466 579

Hotline 2: (+84) 985 271 242

Điện thoại: (+84) 236.366.4674

Email: contact@dblegal.vn