Banner

TÌNH TRẠNG SẢN XUẤT, BUÔN BÁN HÀNG GIẢ; MỐI NGUY HIỂM CHO XÃ HỘI VÀ CÁC CHẾ TÀI PHÁP LUẬT LIÊN QUAN

Vi phạm về sản xuất hàng giả không chỉ là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ mà còn gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế, sức khỏe người tiêu dùng và uy tín của các doanh nghiệp chân chính. Thực trạng sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng nhái vẫn diễn biến phức tạp, đòi hỏi sự đấu tranh không ngừng từ các cơ quan chức năng và sự nâng cao nhận thức của cộng đồng. Bài viết này sẽ đi sâu vào các khía cạnh pháp lý liên quan đến hành vi vi phạm sản xuất hàng giả theo luật Việt Nam hiện hành

I. Hàng giả là gì?

Theo quy định tại khoản 7 Điều 3 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26 tháng 08 năm 2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dung thì

“7. “Hàng giả” gồm:

a) Hàng hóa có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng hoặc có giá trị sử dụng, công dụng không đúng so với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký;

b) Hàng hóa có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản hoặc định lượng chất chính tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;

c) Thuốc giả theo quy định tại khoản 33 Điều 2 của Luật Dược năm 2016 và dược liệu giả theo quy định tại khoản 34 Điều 2 của Luật Dược năm 2016;

d) Thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật không có hoạt chất; không có đủ loại hoạt chất đã đăng ký; có hoạt chất khác với hoạt chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa; có ít nhất một trong các hàm lượng hoạt chất chỉ đạt từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng;

đ) Hàng hóa có nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu, phân phối hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã số công bố, mã số mã vạch của hàng hóa hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của tổ chức, cá nhân khác; giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa;

e) Tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả.”

Như vậy, đối với trường hợp là hàng hoá được xem là hàng giả khi thuộc một trong các trường hợp sau:

(i) Hàng hóa có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng hoặc có giá trị sử dụng, công dụng không đúng so với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký;

(ii) Hàng hóa có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản hoặc định lượng chất chính tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;

(iii) Hàng hóa có nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu, phân phối hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã số công bố, mã số mã vạch của hàng hóa hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của tổ chức, cá nhân khác; giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa;

(iv) Tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả.

II. Thực trạng sản xuất, buôn bán hàng giả hiện nay

Trong những năm gần đây, tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam ngày càng trở nên phức tạp, với quy mô và tính chất ngày một tinh vi. Hàng giả không chỉ xuất hiện trong lĩnh vực thời trang, mỹ phẩm, mà còn lan rộng sang các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thiết bị y tế, linh kiện điện tử... Điển hình như vụ sản xuất kẹo rau củ Kera giả, sữa bột giả, nước mắm Nam Ngư giả…

Theo số liệu từ Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, trong năm 2023, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý trên 100.000 vụ vi phạm liên quan đến buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, thu nộp ngân sách hàng nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

III. Mối nguy hiểm của hàng giả đối với con người và xã hội

Hàng giả gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều mặt của đời sống xã hội:

  • Đối với người tiêu dùng: Hàng giả, đặc biệt là dược phẩm, thực phẩm chức năng, thiết bị y tế, có thể gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe, nòi giống, thậm chí là tính mạng của con người.
  • Đối với nền kinh tế: Hàng giả làm méo mó môi trường cạnh tranh, ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp chân chính, làm giảm niềm tin của người tiêu dùng vào sản phẩm nội địa. Thậm chí khi mua trứng gà về ăn cũng sợ mua nhầm trứng gà giả, mua gạo cũng sợ nhầm gạo bằng hạt nhựa…
  • Đối với xã hội: Các hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả thường gắn liền với các tội phạm có tổ chức, tạo ra môi trường dung dưỡng cho các hành vi vi phạm pháp luật khác như rửa tiền, trốn thuế, hối lộ...

IV. Các quy định pháp luật về xử lý hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả

Pháp luật Việt Nam có quy định tương đối đầy đủ để xử lý các hành vi liên quan đến sản xuất, buôn bán hàng giả, bao gồm:

 * Bộ Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017):

- Điều 192 quy định tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả” với mức hình phạt cao nhất lên đến 15 năm tù (Khoản 3 Điều 192).

- Điều 193 quy định về “Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm”, với mức hình phạt cao nhất đến 15 năm tù (Khoản 3).

- Điều 194  quy định về “Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh”, với mức hình phạt cao nhất là Tù chung thân hoặc tử hình (Khoản 4 Điều 194).

- Điều 195 quy định về “Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi”, với mức hình phạt cao nhất đến 20 năm tù (Khoản 4).

  * Luật Xử lý vi phạm hành chính: Đối với hành vi chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ vài triệu đến hàng trăm triệu đồng, bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm, tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh, đình chỉ hoạt động…

V. Một số bản án về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả:

* Bản án số: 227/2021/HS-ST ngày 16/11/2021 của TAND TP. Hồ Chí Minh 

- Xử phạt: Trương Chí T 09 (chín) năm tù về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả”.

Thời hạn tù tính từ ngày 31/5/2019.

Xử phạt bổ sung: buộc bị cáo Trương Chí T phải nộp số tiền 30.000.000 đồng (ba mươi triệu đồng) để sung vào ngân sách Nhà nước.
- Xử phạt: Phạm Thanh R 07 (bảy) năm tù về tội “Buôn bán hàng giả”.
Thời hạn tù tính từ ngày 31/5/2019.
Xử phạt bổ sung: buộc bị cáo Phạm Thanh R phải nộp số tiền 20.000.000 đồng (hai mươi triệu đồng) để sung vào ngân sách Nhà nước.
- Xử phạt: Trần Xuân N 04 (bốn) năm tù về tội “Sản xuất hàng giả”. Thời hạn tù tính từ ngày 29/5/2019.
- Xử phạt: Nguyễn Thị Lệ U 03 (ba) năm 06 (sáu) tháng tù về tội “Sản xuất hàng giả”. Thời hạn tù tính từ ngày bắt bị cáo chấp hành án.
- Xử phạt: Đặng Lê D 02 (hai) năm 07 (bảy) tháng tù về tội “Buôn bán hàng giả”. Thời hạn tù tính từ ngày 29/5/2019.

* Bản án số: 348/2022/HSST Ngày 12/9/2022 của TAND thành phố Hà Nội về sản xuất hàng giả

- Áp dụng: Điểm đ, khoản 2, Điều 192, điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, điểm g khoản 1 Điều 52; Điều 54; Điều 50; Điều 17; Điều 38 Bộ luật hình sự, xử phạt: Dương Văn H 02 năm 06 tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bắt tạm giữ, tạm giam 21/01/2022.
- Áp dụng: Điểm a, khoản 1, Điều 192; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52; Điều 54; Điều 50; Điều 17; Điều 38 Bộ luật hình sự, xử phạt: Trần Văn T 07 tháng 22 ngày tù.

* Bản án số: 05/2021/HS-ST Ngày: 21/01/2021 của Tòa án nhân dân huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương về sản xuất hàng giả

- Xử phạt: Bị cáo Nguyễn Văn H 45 (bốn mươi lăm) tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày bắt tạm giam 28/9/2020.

VI. Kết luận:

Hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả không chỉ đơn thuần là hành vi gian lận thương mại, mà còn là mối đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng, sự phát triển của nền kinh tế và trật tự xã hội. Trong bối cảnh hội nhập và phát triển, việc nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm là vô cùng cấp thiết. Pháp luật cần được thực thi một cách mạnh mẽ, đồng thời kết hợp với các biện pháp phòng ngừa xã hội để tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh và an toàn cho người dân.

Các cấp chính quyền cần phải tăng cường công tác quản lý việc sản xuất, kinh doanh đối với các tổ chức, cá nhân. Tuyên truyền, giáo dục pháp luật, đạo đức để người sản xuất, kinh doanh bên cạnh lợi nhuận phải luôn có cái tâm “Mình vì mọi người”.

 

Thông tin có trong bài viết này mang tính chất chung và chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin về quy định pháp luật. DB Legal sẽ không chịu trách nhiệm cho bất kỳ việc sử dụng hoặc áp dụng thông tin cho bất kỳ mục đích kinh doanh nào. Để có tư vấn pháp lý chuyên sâu, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi.

For more information: 

📞: +84 357 466 579

📧: contact@dblegal.vn

🌐Facebook:  DB Legal Vietnamese Fanpage or DB Legal English Fanpage 

🐦X(Twitter)

💼Linkedin

🎬Youtube

Liên hệ

Địa chỉ 1: Tầng 3, Tòa nhà Indochina Riverside Tower, 74 Bạch Đằng, Quận Hải Châu, Thành phố Đà Nẵng, Việt Nam

Địa chỉ 2: 28 Thanh Lương 20, Phường Hòa Xuân, Quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng

Hotline 1: (+84) 357 466 579

Hotline 2: (+84) 985 271 242

Điện thoại: (+84) 236.366.4674

Email: contact@dblegal.vn

zalo
facebook